Nỗi đau Tháng bảy

Tháng bảy, thành phố thường có những ngày mưa rỉ rả, người ta gọi đó là mưa ngâu. Không phải, tháng bảy còn là tháng mà trời đất chia sẻ nỗi đau với dân tộc ta. 
Một cảnh trong phim Tháng bảy
Một cảnh trong phim Tháng bảy
Tháng có ngày 27-7, ngày tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tháng còn có giọt nước mắt tiếc thương của đồng bào, đồng đội nhỏ xuống cho các nam nữ Thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 3, Trung đội 3, Đại đội 303, thuộc Tổng đội TNXP TPHCM, bị quân Pôn Pốt sát hại dã man đêm 22-7-1978 tại rừng Nhum, biên giới Việt Nam, Campuchia (Tây Ninh).
Năm 1978, màu áo xanh TNXP thành phố có mặt trên khắp các ruộng đồng, bờ kênh, đi xây dựng lại quê hương sau những năm tàn phá của chiến tranh. Lửa thanh niên hừng hực trên khắp các cánh đồng thủy lợi. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, các TNXP một lần nữa trở thành đội hậu cần xung kích cho các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Đào hầm, tải đạn, cáng thương, khơi thông đường sá, họ không từ bất cứ một việc nào để hỗ trợ cho bộ đội. TNXP là cánh tay đắc lực của quân tình nguyện Việt Nam. Màu áo TNXP chập chùng trên những cánh rừng biên giới. Vì ai cũng hiểu, đây là cuộc chiến tự vệ, phải tự vệ nếu không muốn lằn ranh biên cương bị xâm phạm. Chính thế, TNXP trở thành tầm ngắm trả thù hèn hạ của bọn Pôn Pốt.
Đêm 22-7, trên cánh đồng ngập nước thuộc xã Kokisom, nguyên Tiểu đội 3, trong đó có rất nhiều phụ nữ đã bị hàng trăm tên lính Pôn Pốt bất ngờ tấn công, chúng hãm hiếp, giết hại một cách thú tính, man rợ. Vũ khí trang bị cho TNXP quá sơ sài, cả tiểu đội 24 người gần như chết hết… Có lẽ ấn tượng mạnh nhất trong bộ phim chính là tiếng la hét kinh hoàng của các cô gái TNXP. Tiếng hét la hoảng loạn tạo nên thứ âm thanh vừa căm phẫn, vừa đau đớn và cũng đầy tuyệt vọng. Hương khói, nhang đèn, những chung rượu nhạt, lời vái, những bài hát về TNXP, những mái đầu nhuốm bạc, những gương mặt đầy nếp nhăn của đồng đội ngày trở lại, tạo nên một không khí thiêng liêng vừa ấm tình đồng đội, vừa nhắc nhớ mối hận với kẻ thù độc ác…
Câu chuyện diễn ra theo lời kể của hai TNXP vừa là nhân chứng, cũng là nạn nhân sống sót sau trận thảm sát - chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Văn Tuấn. Họ bị vùi chung cùng thân xác đồng đội. Bọn ác bỏ đi sau khi tưởng mọi người đã chết. Lời kể thỉnh thoảng đứt đoạn vì cảm xúc của nhân vật, vì những lần ngất xỉu do quá đau đớn khi hồi tưởng lại của chị Lý. Đạo diễn đã thêm chất xúc tác cho phim khi dựng lại một khung hình mà anh Tuấn kể, giống y như chỗ anh Tuấn ngồi trong lán trại, nhìn qua lỗ nhỏ thấy quân Pôn Pốt tràn vào. Hồi ức của phim cũng lần lượt được mô tả qua từng khung hình tại rừng Nhum, trên cánh đồng Kokisom cách đây gần 40 năm. 
Tất cả như khúc phim quay chậm, bóp nghẹt trái tim người xem, làm đau thấu từng khúc ruột. Tất nhiên, tội ác sau đó cũng phải trả giá. Các chiến sĩ Sư đoàn 7 đã lục tung các cánh rừng, truy quét tận gốc bọn Pôn Pốt gây ra cuộc thảm sát. Đồng đội sau đó đã đưa các anh chị về lại thành phố, nơi đã nuôi họ lớn lên, nơi từng thắp trong những trái tim nhỏ nhoi hoài bão góp một chút gì cho quê hương Tổ quốc. Trái tim họ đã ngừng đập, tuổi thanh xuân cũng gửi lại trên những cánh rừng biên giới. Nhưng cuộc chiến này, sự kiện đau lòng này, mãi mãi nhắc nhớ chúng ta, không phải để ghi công, còn là bài học cảnh giác không bao giờ muộn đối với kẻ thù.
Bộ phim tài liệu Tháng bảy, dấu ấn đầy bi tráng của lực lượng TNXP thành phố trong những năm đầu giải phóng, là nén hương ân tình tưởng nhớ các anh chị TNXP đã mất của những người làm phim, của đơn vị sản xuất Hãng phim TFS trong Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay 
----------------
* Phim tài liệu của Hãng phim TFS sản xuất; đạo diễn, NSƯT Dư Kim Hoàng, phát sóng lúc 8 giờ ngày 22-7

Tin cùng chuyên mục