Nối dài mạch máu châu thổ

Giờ đây, có dịp về miền Tây, chúng ta sẽ chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông xe; cung đường Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Giá không còn cảnh chen chúc xuống phà nữa, mà xe cộ một mạch qua cầu rồi vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đường dù còn chật, có nơi chưa phẳng phiu, nhưng đã thông thoáng hơn rất nhiều so với cách nay 5 - 10 năm.
 Một nút giao trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: TUẤN QUANG
Một nút giao trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: TUẤN QUANG

1.  Năm 2020 đánh dấu một sự kiện quan trọng của vùng ĐBSCL, là kỷ niệm 20 năm khánh thành cầu Mỹ Thuận. Trước khi có cây cầu dây văng này, miền Tây đò giang cách trở, đi lại rất khó khăn. Từ TPHCM về Cần Thơ phải qua 2 lần phà (phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ), quốc lộ 1 chật hẹp, nhiều cầu nhỏ và yếu, khách bộ hành phải mất 5 - 6 giờ mới đến nơi. Còn bây giờ, thời gian rút ngắn lại, chỉ còn từ 3 - 3,5 giờ. Đối với người dân vùng châu thổ Cửu Long, sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận là niềm vui lớn nhất kể từ sau ngày miền Nam được giải phóng. Trên bờ chộn rộn, dưới sông ghe thuyền tấp nập, mãi nhiều năm sau, được đến “check-in” cầu Mỹ Thuận vẫn là sự kiện lớn trong đời. Cầu Mỹ Thuận là thành quả của sự hợp tác giữa nước ta cùng với những chuyên gia, kỹ sư đầu ngành của Australia. Lấy ý tưởng thiết kế theo phong cách của châu Âu hiện đại, tinh tế, cầu Mỹ Thuận có kiểu dáng kiến trúc độc đáo, ứng dụng công nghệ cầu dây văng đầu tiên và mở ra một hệ thống những cây cầu dây văng khác bắc qua eo biển, hay nhiều con sông lớn ở nước ta sau này.

Rồi như đã hẹn, đúng 10 năm sau, người dân miền Tây một lần nữa lại chứng kiến niềm vui khôn tả: khánh thành và thông xe cầu Cần Thơ. Cùng năm này, cao tốc TPHCM - Trung Lương hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước đó, năm 2009, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông cũng được khánh thành, tạo ra thế giao thông liên hoàn cho ĐBSCL. Sau đó, hàng loạt cầu lớn như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống lần lượt thông xe; và nhiều tuyến quốc lộ ngang, dọc được nâng cấp, rút ngắn nhiều khoảng cách không gian và thời gian, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

2. Trong những năm qua, nhiều tỉnh thành phố tại khu vực ĐBSCL với cách làm hay và sáng tạo, đã xây dựng được hệ thống đường giao thông nông thôn tương đối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, về miền Tây, len lỏi trong vườn dừa, vườn cây ăn trái là những con đường bê tông sạch sẽ, thay cho đường đất gồ ghề ngày xưa. Hệ thống cầu giao thông nông thôn cũng được bê tông hóa, thay cho chiếc cầu khỉ lắt lẻo năm nào. Chỉ trong gần 10 năm, tổng số vốn đầu tư cho giao thông nông thôn tại ĐBSCL vào khoảng 48.735 tỷ đồng, với hàng trăm công trình lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, đáng kể nhất là đã xây dựng mới được 13.562km đường giao thông các loại, bao gồm: đường huyện 1.151km; đường xã 10.269km; đường thôn xóm, nội đồng 2.142km. Cùng với đó, các địa phương trong khu vực đã nâng cấp, cải tạo được 7.790km đường, trong đó đường huyện 1.529km; đường xã 4.101km; đường thôn xóm, nội đồng 2.160km. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng mới được 5.369 cây cầu, góp phần cải tạo đáng kể bộ mặt nông thôn.

Nối dài mạch máu châu thổ ảnh 1 Cầu Vàm Cống. Ảnh: TÍN HUY
3. Thế giới ngày nay, thời gian trở thành giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà còn là cơ hội. Giảm thời gian lưu thông trên đường là góp phần giảm chi phí sản xuất, tiền của cho xã hội. Thời gian qua, dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng giao thông ĐBSCL vẫn còn nhiều điểm nghẽn: các tuyến trục dọc, trục ngang chính yếu tại ĐBSCL chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa hoàn thành (tuyến N2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến duyên hải phía Đông…). Khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt chưa được tháo gỡ. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mới chỉ khai thác 28% công suất; dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố mới đáp ứng cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào; hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL phải chuyển đến các cảng Đông Nam bộ bằng đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven biển để xuất khẩu. Vướng mắc đó làm giảm đi cơ hội phát triển cho vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm này. Mong sao trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ và các bộ ngành cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông miền Tây Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục