Nỗi buồn người nội trợ

Để tham gia Gala hội ngộ đồng niên cuối tháng 5 này tại Berlin, cô bạn bên Đức gửi tôi kịch bản hài nhờ chỉnh sửa. Theo kịch bản này, cô sẽ đóng vai bà bầu, nhưng cảnh cuối mới vỡ lẽ cô mang bầu giả. Chẳng qua là đầu cơ tích trữ hàng bằng cách nhét đầy bụng một chai dầu ăn, một cuộn giấy vệ sinh, 1kg bột mì, 1kg đường... Kịch hài mà đầy chất bi bởi nếu là người nội trợ ở châu Âu lúc này bạn sẽ hiểu, đây là chuyện có thật diễn ra gần hai tháng nay rồi.

Vừa chỉnh sửa kịch bản cho bạn, tôi vừa hỏi thăm tình hình bên Đức thế nào. Bạn than thở: “Tháng trước đúng là không có dầu ăn để mua đấy. Tháng này siêu thị đã có dầu hoa hướng dương nhưng giá mới 3,45€/lít, tức là tăng 2€/lít. Giấy vệ sinh tăng từ 1,95 lên 3,45€/bịch, các loại sữa béo hết hàng. Siêu thị cũng quy định hạn chế số lượng để tránh hiện tượng tranh nhau gom hàng tích trữ.

Cụ thể là chỉ được mua một chai - một gói - một bịch, ví dụ mỗi lần vào siêu thị mỗi người chỉ được tính tiền một lít dầu ăn, một gói bột mì một cân, một bịch giấy vệ sinh, hai gói mì sợi...”. Thế thì khác gì tình cảnh của tôi ở Bỉ. Cả tháng nay, mỗi tuần cũng “đảo” siêu thị từ 2-3 lần, kệ dầu đậu phộng, dầu hướng dương vẫn trống. Chỉ còn lác đác vài chai dầu ô liu trộn salad, hoặc các can dầu chuyên dùng chiên khoai tây. Tức là từ đầu tháng 4 đến nay, tôi không có cơ hội mua được một chai dầu ăn loại chuyên dùng để chiên, xào, nấu như mong muốn. Rau củ quả, bánh mì cũng tăng giá chóng mặt.

Trong khi cũng khoản tiền ấy, trước đây mua được đầy một xe chở hàng, giờ mới bỏ lưng lửng nửa xe đã hết tiền. Tình huống ấy bắt buộc phải đổi cách mua sắm, chi tiêu cho phù hợp. Con cái đang tuổi tằm ăn rỗi, đi học về thấy không chật đồ ăn trong tủ lạnh như trước thì thắc mắc “mẹ không đi chợ nữa à?”, mẹ thương con lắm cũng phải nói sự thật: “Thời buổi ngày càng khó khăn, thích gì cũng phải ăn cho hết cái cũ rồi mua cái mới, đừng mở hết túi nọ chai kia rồi bỏ phí đồ ăn, nghe con!”.

Chuyện thật mà như đùa. Người bạn đang làm chủ siêu thị nhỏ cũng khẳng định hết hàng và tăng giá hàng loạt là có thật.

“Trước đây, tổng kho xuất cho dầu ăn thoải mái, nhưng giờ họ cũng khống chế số lượng rồi. Với siêu thị quy mô nhỏ lẻ, mỗi lần chỉ được nhập về bán một thùng dầu ăn từ 12-24 chai, loại chai một lít. Chai dầu ăn 1,5 lít giá 6€ nay tăng lên 10€. Bánh mì đã chính thức tăng từ 2,2€ lên 2,65€ một ổ. Do Bỉ cũng như Đức phải nhập rất nhiều loại ngũ cốc, dầu ăn từ Nga và Ukraine nên các mặt hàng này tăng giá, khan hiếm bắt đầu từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, cấm vận Nga. Giờ phải tìm cách nhập hàng thay thế từ các nước khác, nhưng vẫn cần quá trình thăm dò đối tác mới, phương thức vận chuyển...”.

Thế đấy, sau khi xăng, dầu, điện, nước tăng giá, đến lượt nhu yếu phẩm hàng ngày cũng rủ nhau thay giá mới. Đâu là giải pháp? Tờ báo Het Laatste Nieuw của Bỉ gợi ý cho các hộ gia đình nội quy 10 phút để tiết kiệm tiền chi tiêu.

Cụ thể, nên quy định các thành viên gia đình chỉ tắm vòi hoa sen không quá 10 phút, thời gian ăn sáng cũng không dài hơn 10 phút. Cộng thêm hàng loạt chú ý nhỏ lẻ khác như chuyên gia về ngân sách Sara Van Wesenbeeck khuyên: “Chỉ cần chịu khó đậy vung nồi khi nấu ăn sẽ chóng sôi chóng chín, một năm cũng tiết kiệm được 30€ rồi”.

Tin cùng chuyên mục