Nỗi buồn cũng có giá trị

Tối hôm kia, một người bạn trên Facebook chia sẻ tin nhắn tìm con của vị phụ huynh nào đó với câu: “Gia đình không trách gì con chuyện điểm thi kém…”. Một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà đi vì áp lực thi cử, là một chuyện đau lòng.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương trao đổi sau giờ thi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Học sinh Trường THPT Hùng Vương trao đổi sau giờ thi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Bạn tôi kể, kết quả thi vào cấp 3 của cậu con trai bạn “rất ly kỳ”. Thằng bé trượt nguyện vọng 1, thiếu 0,75 điểm. Trượt luôn nguyện vọng 2, thiếu 0,5 điểm. May mắn đậu nguyện vọng 3, dư 2 điểm. Cu cậu đã rất buồn vì ngôi trường mình mong muốn nhất lại không thể vào... Dù mẹ của cậu, một người mẹ đơn thân và cả tôi, đều mừng rỡ vì chúng tôi còn nhớ như in mùa hè 8 năm về trước, khi cậu nhóc vẫn là một cậu bé tăng động cùng người mẹ mang nhiều thương tổn trong lòng, chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp, gầy dựng những trang mới cuộc đời. 

Tôi đã nhờ bạn nhắn với cậu bé yêu quý rằng, trường cấp 3 không như mong muốn thực ra chỉ là vấn đề lớn đối với con lúc này, nhưng sau này nhìn lại, đó chỉ là một nỗi buồn trong chặng đường rất ngắn. 

Ba năm cấp ba của tôi học ở một trường dân lập vì trượt nguyện vọng vào trường công lập. Lúc ấy, khi chiều về, cả nhà quây quần ăn cơm, còn tôi tránh sự sum vầy ấy, đạp xe đi đến cuối một con đường trong thành phố vì ngại đối diện ánh mắt mọi người. Phía cuối đường là bờ sông lộng gió. Tôi đã có nhiều buổi chiều đứng vẩn vơ bên sông mỗi khi gặp chuyện buồn, vừa suy nghĩ chuyện mình, vừa nhìn lũ trẻ bơi lội. Cho đến khi nỗi buồn nhè nhẹ vơi đi tự lúc nào.

2. Tôi còn nhớ bài học đầu tiên không nằm trong trang sách mà thầy chủ nhiệm trường cấp 3 dân lập của tôi dạy học trò. “Các em đã cố gắng hết sức chưa?  Nếu cố gắng hết sức rồi thì các em có bài học để đời về việc ước lượng sai sức mình. Còn nếu chưa thì chẳng có lý do gì phải buồn vì việc trượt trường công lập mới chỉ là một kết quả bước đầu. Nỗi buồn nào cũng có giá trị của nó. Người ta nói “thất bại là mẹ thành công” chỉ đúng với những người biết đối diện và nỗ lực vượt qua thất bại mà thôi”. Không một lời ủi an, vỗ về, thầy tôi nói khi gặp lũ học sinh nếm mùi “bại trận” lần đầu như thế. 

Sau 3 năm học ông thầy, tôi thi đại học với kết quả khá cao. Bạn thân của tôi thi rớt. Nhưng bạn không quá buồn phiền. Bạn nói, vì trước đó, không biết là tình cờ hay hữu ý, thầy đã tặng bạn một liều thuốc tinh thần rồi. Hôm bạn ghé nhà thầy, thầy đang trồng cây. Thầy nhờ bạn phụ thầy một tay chuyển cái cây từ phía trong nơi có mái che ra ngoài nắng. Thầy dùng một cái xẻng to để đào cây, làm đứt mất vài sợi rễ. Bạn tỏ vẻ ngần ngừ hỏi, liệu cái cây có thể sống khỏe mạnh không? Sao thầy không để yên cái cây ở đó khi đất còn rộng, cái cây vẫn sống khỏe?

“Không sao, trong cuộc sống cũng có khi chúng ta như chính cái cây này, chấp nhận những tổn thương, mất mát để bắt đầu lại và trưởng thành hơn. Và dĩ nhiên sau đó sẽ rất vững, dẫu thời gian có chậm hơn, thân thể nhiều vết thương hơn”, thầy trả lời.

Bạn nói, bài học cái cây đơn giản vậy mà không hiểu sao thật thấm khi bạn thi rớt, và thấm tới tận cả khi bạn trải qua những khó khăn vất vả về sau này. Quả thật, tới bây giờ, cậu bạn thi rớt năm ấy là một trong những người thành công trong đám bạn. 

3. Cha mẹ tôi năm xưa hay các bậc phụ huynh hiện đang có con thi rớt cấp ba, trượt đại học, hẳn nhiên sẽ rất buồn khi con mình không trúng tuyển vào trường công lập, cao đẳng, đại học. Bởi tâm lý “làm thầy hơn làm thợ” đã và vẫn đang ngấm ngầm chảy trong đa số dòng suy nghĩ của những gia đình. 

Khi tôi âu lo chờ kết quả thi, bố cũng lo không kém. Mỗi khi tôi đi đâu về, bố lại hỏi kết quả thế nào rồi, khiến tôi càng thêm sốt ruột và phát cáu. Bố nói, thôi thì nếu trượt, bố sẽ đóng thêm một xe xích lô chở than, hai bố con cùng chở than đi bán, cũng vui. “Chỉ có điều, đi bán than thì vất vả lắm đấy”, giọng bố bùi ngùi. Bố tôi từng là kỹ sư điện, sau nhiều biến cố cuộc đời, ông chấp nhận đẩy xích lô, bê than tổ ong bán, nuôi con ăn học. Dĩ nhiên, tôi không muốn mình sẽ tiếp tục nghề “gia truyền” ấy. Điều ấy không xứng đáng với khát vọng của tôi và sự hy sinh của bố mẹ.

Rốt cùng, ngày đó tôi thi đậu đại học. Và sau hơn 20 năm, đủ để chuyển một người từng “đau lòng” chỉ vì thi trượt cấp ba, một học sinh khát khao vào đại học đến cháy bỏng, sợ thi rớt tới ám ảnh, thành một bà mẹ hoàn toàn không có suy nghĩ đặt áp lực - con phải thi tốt, học giỏi, để mai này vào đại học.

Bài học về cái cây chịu tổn thương, khắc nghiệt để trưởng thành hơn trong một hoàn cảnh khác của thầy tôi, hoặc đơn giản hơn - chỉ cần con yêu lao động, con sẽ sống tốt mà bố tôi dạy… quan trọng hơn rất nhiều bài học khác. Vì thế, nếu bạn không vào được cấp 3 công lập, hoặc trượt đại học, cao đẳng, cũng chẳng phải là điều tồi tệ quá trong cuộc đời này, phải không? 

Tin cùng chuyên mục