Nỗ lực xây dựng thành phố thân thiện với môi trường

Cùng với những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường từ chính sự tăng trưởng về kinh tế, quá trình đô thị hóa.

 Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM về những yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM
PHÓNG VIÊN: Việc kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường của thành phố được triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các sở ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường được triển khai thường xuyên và đồng loạt với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng. Theo thống kê, có đến 99,2% người dân thành phố được tiếp cận thông tin tuyên truyền và tỷ lệ người dân áp dụng những hành động bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày đạt 86,1%; tỷ lệ chuyển đổi rác dân lập đạt 92,8%; 137/312 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí xanh sạch, thân thiện với môi trường.

Một trong những giải pháp hữu hiệu là kiểm soát các nguồn xả thải, đã được thực hiện ra sao?

Công tác kiểm soát nguồn thải được chú trọng gắn với nhiệm vụ thường xuyên phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua 5 năm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, tỷ lệ cơ sở công nghiệp xử lý nước thải đạt 97% với tổng lượng nước thải xử lý là 99%; tỷ lệ cơ sở công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải tại nguồn hoặc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm đạt 98%; tất cả bệnh viện đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động với đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát. 

Kênh Hàng Bàng TPHCM được “hồi sinh” xanh, đẹp
Đáng chú ý, công tác quản lý chất thải rắn cũng ngày càng hoàn thiện, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại nguồn ngày càng tăng; chất lượng dịch vụ và hạ tầng, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn từng bước được chuẩn hóa; các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại (đốt thu hồi năng lượng/phát điện) được triển khai. Với các nỗ lực trong công tác tuyên truyền về chất thải nhựa, nhận thức và ý thức của cộng đồng đối với vấn đề này được nâng cao. Các sở ngành, UBND các quận, huyện, thành phố đều ban hành kế hoạch thực hiện cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động tại cơ quan, đơn vị; hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại có giải pháp giảm sử dụng túi ni lông, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và các chương trình khuyến khích khách hàng đem theo túi đựng hàng hóa.


Trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thành phố còn gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa bà?

Bên cạnh các kết quả đáng khích lệ, vẫn cần khắc phục những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa tiếp cận được 100% dân cư trên địa bàn; hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận dân cư vẫn chưa cải thiện; một số tuyến đường, khu vực công cộng, công trường xây dựng… vẫn còn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi, mất vệ sinh; công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom, hạ tầng kỹ thuật cho việc thu gom chưa hoàn chỉnh; một số cơ sở sản xuất còn tồn tại trong khu dân cư...

Các hạn chế trên đến từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chẳng hạn như đặc điểm về dân số trên địa bàn thành phố phức tạp, tăng nhanh, mật độ cao nhất cả nước, trong đó có lượng lớn dân cư từ các địa phương khác đến sinh sống, học tập, làm việc dẫn đến dân cư tại một số địa bàn luôn biến động về số lượng và nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động. Trong khi đó, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, truyền thông tại các địa phương, đặc biệt là cấp xã, còn hạn chế; nguồn vốn triển khai các dự án xử lý nước thải, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố còn khó khăn. Ngoài ra còn có những vướng mắc về quy định pháp lý, hạn chế của các biện pháp chế tài trong công tác xử phạt các hành vi gây ô nhiễm nói chung, vệ sinh môi trường nơi công cộng tại các địa phương nói riêng. 

Định hướng bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường trong thời gian tới sẽ được thành phố triển khai như thế nào?

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường là một quá trình liên tục và lâu dài. Giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ tập trung triển khai hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu Chương trình hành động của Thành ủy và UBND thành phố về giảm ô nhiễm môi trường; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch; tập trung triển khai các giải pháp tăng cường cây xanh, mảng xanh trên toàn địa bàn thành phố. Song song đó là các giải pháp thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng, phát triển giao thông xanh, năng lượng xanh… tiến tới xây dựng thành phố xanh - phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025.

Tin cùng chuyên mục