Nỗ lực vượt qua thách thức trong năm học mới

Trong bối cảnh trường học còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh cùng bài toán tuyển dụng giáo viên năm học 2022-2023 đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục và đào tạo. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh công tác chuẩn bị năm học mới.

PHÓNG VIÊN: Vừa qua, trong công tác tuyển sinh đầu cấp, nhiều địa phương như quận 7, Bình Tân, Gò Vấp… đã phải sắp xếp học sinh phường này qua các phường khác học do thiếu trường lớp, dẫn tới phản ứng của phụ huynh. Trong năm học tới, dự kiến có hơn 21.000 học sinh tăng thêm ở các bậc học trên toàn TP, ngành giáo dục và đào tạo đã có những chuẩn bị gì để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân?

Nỗ lực vượt qua thách thức trong năm học mới ảnh 1 Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Dự kiến đến tháng 9-2022, TPHCM tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học, tăng thêm 356 phòng với tổng mức đầu tư 1.532 tỷ đồng. Trong đó, bậc mầm non tăng nhiều nhất là 148 phòng, kế đến là tiểu học tăng 105 phòng và THCS tăng 103 phòng.

Theo dự báo, năm học 2022-2023, toàn TP tăng thêm 21.825 học sinh, tập trung nhiều ở 2 bậc THCS và THPT. Riêng ở bậc tiểu học, số lượng học sinh tăng nhiều ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn do đây là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng tăng dân số cơ học cao. Trước đó, trong năm học 2021-2022, tổng số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 343.894 em. Áp lực này khiến sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày giảm, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp, gây ảnh hưởng chất lượng giảng dạy.

Trước thực tế đó, trong năm học 2022-2023, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện có phương án tuyển sinh phân tuyến phù hợp để đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh. Song song đó, Sở GD-ĐT TPHCM cũng chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp, tăng cường xây dựng các hoạt động trực tuyến, trải nghiệm, hướng nghiệp để đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị, sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục hoạt động, thực hiện mạnh xã hội hóa trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng để tất cả học sinh đều được thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất. 

Liên quan vấn đề tuyển dụng giáo viên, nhiều năm trở lại đây các trường tiểu học và THCS đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh và tin học. Riêng bậc THPT gặp khó khăn về tuyển dụng giáo viên các môn nghệ thuật. Vậy ngành giáo dục và đào tạo đã có những hướng dẫn gì tháo gỡ khó khăn cho các trường học? 

Trong những năm học trước, khi thực hiện chương trình giáo dục theo Quyết định 16 (ban hành năm 2006) của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh và tin học là môn tự chọn, trường học có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên với năng lực và trình độ phù hợp nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2022-2023, hai môn học này trở thành bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, các quy định mới về chuẩn năng lực giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 khiến các giáo viên cũ không còn đủ năng lực phù hợp theo quy định. Hiện nay, việc đào tạo giáo viên tiếng Anh, tin học ở các trường đại học không kịp cung ứng nguồn giáo viên cho các trường phổ thông. Bên cạnh đó, mặt bằng chung thu nhập của giáo viên hiện nay chưa đủ khả năng giữ chân giáo viên, nhiều cử nhân tốt nghiệp sư phạm nhưng không đi dạy. 

Để giải quyết bài toán này, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với 2 trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, kết hợp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn giáo viên. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải 2 năm nữa thì lứa sinh viên này mới ra trường, sau đó dần dần mới có thể ổn định nguồn tuyển giáo viên.

Riêng đối với khối lớp 10, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo đã báo cáo các chuyên đề liên quan công tác tuyển dụng để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các đơn vị, đồng thời chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, định mức quy định và tình hình thực tế để báo cáo nhu cầu giáo viên. 

Tới đây, TP sẽ tổ chức 2 đợt tuyển dụng giáo viên đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng. Trong đó, đợt 1 đang tổ chức đến vòng 2, đợt 2 dự kiến tổ chức từ tháng 10-2022. Riêng các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính thì được tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng nói chung và giáo viên môn mới (Âm nhạc và Mỹ thuật) nói riêng, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mở rộng triển khai ở các khối 3, 7 và 10. TPHCM đã có những chuẩn bị ra sao để triển khai hiệu quả chương trình, đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh? 

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học, Sở GD-ĐT TPHCM đã hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm; đồng thời yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học. Đến nay, cơ bản các trường đã có các trang thiết bị theo quy định phục vụ dạy học ở các khối 1, 2, 3, 6, 7, 10; đồng thời tiếp tục đầu tư theo lộ trình. Đối với công tác sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, phân bổ kinh phí hè năm 2022, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã cân đối hơn 390 tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đối với khối THPT, tổng kinh phí mua sắm và sửa chữa trang thiết bị hơn 60 tỷ đồng. 

Cũng trong dịp hè, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức nhiều đợt tập huấn sách giáo khoa và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng giáo viên theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo giáo viên có đầy đủ năng lực tổ chức dạy học. Đặc biệt, sau 2 năm học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trình độ tiếp thu kiến thức của một bộ phận học sinh còn hạn chế, nhằm giúp học sinh “bắt nhịp” lại yêu cầu về chuẩn kỹ năng và kiến thức, các phòng chuyên môn đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục vừa triển khai hoạt động dạy học vừa củng cố, ôn luyện kiến thức cho học sinh. Ngay đầu năm học, giáo viên khi nhận lớp phải nhanh chóng nắm bắt năng lực học sinh, đánh giá nhanh và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, đưa ra giải pháp dạy học phù hợp.

Tin cùng chuyên mục