Nỗ lực vực dậy du lịch miền Trung

Ngành du lịch miền Trung lần lượt “trình làng” hàng loạt sản phẩm mới dịp đầu năm 2021 với nhiều kỳ vọng vực dậy du lịch sau một năm thất thu do ảnh hưởng dịch Covid-19 rồi liên tiếp phải chống chọi với bão, lũ.
Tái hiện lễ phát lịch dưới triều Nguyễn tại Ngọ Môn - Hoàng thành Huế
Tái hiện lễ phát lịch dưới triều Nguyễn tại Ngọ Môn - Hoàng thành Huế

Đa dạng sản phẩm du lịch

Những ngày đầu năm 2021, du khách và người dân đổ về sân trước Ngọ Môn (công trình kiến trúc tiểu biểu thuộc Hoàng cung triều Nguyễn, được xem là biểu tượng của Huế) để thưởng thức lễ Ban Sóc lần đầu tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thời Nguyễn. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Võ Lê Nhật cho biết, Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong. Lễ vốn tổ chức ở sân điện Thái Hòa.

Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân. “Sau khi thực hiện các nghi thức dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám, lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng”, ông Nhật cho biết.

Thời gian tới tại lầu Ngũ Phụng (không gian Ngọ Môn vừa được khánh thành sau 8 năm trùng tu), sẽ có thêm lễ Truyền lô - lễ triều đình vinh danh các tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa ở các kỳ thi xưa (có thể kết hợp với tuyên dương các học sinh giỏi tiêu biểu của tỉnh, các tiến sĩ của Đại học Huế), các triển lãm chuyên đề, lễ đổi gác... Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ tổ chức lấy ý kiến từ các chuyên gia, cố vấn đầu ngành để xây dựng các sản phẩm phù hợp.

Hiện ngành du lịch Huế đang kết nối với các doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị khai thác tour Tết Âm lịch Tân Sửu bằng các sản phẩm, dịch vụ trong nhà. Trong đó sẽ đẩy mạnh tour trải nghiệm văn hóa làng nghề như làm hoa giấy, làm tranh, làm mứt gừng, làm bánh…; các điểm đến như Phú Mậu, Thủy Biều, Kim Long… gần TP Huế để du khách khám phá, trải nghiệm phù hợp.

Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế Trần Đình Minh Đức cho biết, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng một số chương trình mới, với hai hình thức: city tour 1 ngày và tour 2 ngày 1 đêm. Tour bao gồm trải nghiệm làng nghề, làm giấy trúc chỉ, tham quan nhà vườn, thưởng thức ẩm thực và ngủ homestay, mang đậm nét truyền thống. Sản phẩm này hướng đến dòng khách thích khám phá văn hóa cũng như có thể thu hút khách trong tỉnh, học sinh, sinh viên.

Trong khi đó, sự kiện “Thức giấc Hội An” với hơn 500 đèn lồng thắp sáng và trình diễn đan xen 20 chương trình văn hóa, nghệ thuật đang tạo nên những con đường nghệ thuật tại phố cổ Hội An. Ngoài ra, sự kiện “Sắc màu hội tụ” với đa dạng các món ăn truyền thống đậm chất Việt được tổ chức ở đây cũng thu hút du khách đến thưởng thức trải nghiệm phương pháp nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng, tham quan Chợ tết xưa, Ngày hội bánh tét, Gióng chuông chiêng trống… 

Theo Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, địa phương đã cải tạo, đổi mới nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách nội địa, bước đầu thu hút được đông đảo du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến với đô thị cổ. “Từ nay đến Tết Tân Sửu, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật, trong đó được chờ đợi nhất sẽ là show diễn bên bờ sông Hoài tái hiện không gian phố cổ đầu thế kỷ 17-18 với sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng, hy vọng tạo điểm nhấn thu hút du khách về với Quảng Nam, Hội An trong năm 2021”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thích nghi tình hình mới

Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh thông tin: Ngành du lịch Huế tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẵn có và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng như: Festival Nghề truyền thống Huế, Liên hoan phim lần thứ XXII, Ngày hội áo dài Huế, Lễ hội ẩm thực Huế, Lễ hội Lân, Sen, Hiphop, các giải thể thao... Xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm sinh thái, cảnh quan, điểm đến vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch nội địa. Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch trên sông Hương và đôi bờ sông này. Xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc theo sông Ngự Hà, sông An Cựu, sông Đông Ba…

Trong năm 2021, TP Đà Nẵng sẽ miễn phí hoàn toàn các điểm tham quan do Nhà nước quản lý nhằm nhấn mạnh về “một điểm đến - nhiều trải nghiệm”, đặc biệt là các sản phẩm mới. Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, dự báo ngành du lịch toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2021 theo kịch bản khả quan của Tổ chức Du lịch thế giới.

Xu hướng du lịch sẽ có nhiều thay đổi với ưu tiên hàng đầu của du khách là mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến, thay đổi từ chương trình du lịch trọn gói sang hình thức tự trải nghiệm với các chuyến đi ngắn ngày. “Đà Nẵng sẽ tập trung một số giải pháp như tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch và phối hợp các ngành, địa phương để giữ gìn điểm đến an toàn. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, Đề án phát triển kinh tế ban đêm… Ngoài ra, sẽ lập và triển khai phương án tổ chức khách sạn cách ly có thu phí phục vụ chuyên gia, doanh nhân, công dân Việt Nam nhập cảnh có nhu cầu. Đồng thời, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Đà Nẵng”, bà Hạnh cho biết.

Tin cùng chuyên mục