Nỗ lực thu hút lao động nước ngoài

Do áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do sự sụt giảm mạnh về số lượng lao động và sinh viên nước ngoài. Trước tình trạng trên, một số chính sách nhằm thu hút lao động nước ngoài đã được Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy.
Ngành lâm nghiệp của Nhật Bản tính chuyện sử dụng robot thay con người
Ngành lâm nghiệp của Nhật Bản tính chuyện sử dụng robot thay con người

Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú Nhật Bản, trong lĩnh vực sản xuất, thực tập sinh nước ngoài là một phần trong lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, số người nhập cảnh vào Nhật Bản trong năm 2020 đã giảm khoảng 55% so với năm 2019. Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 10-2021, chỉ có khoảng 26.000 thực tập sinh đến xứ Phù Tang. Các “ông lớn” sản xuất bán dẫn của Nhật Bản như Toshiba, Sony đã lên tiếng cảnh báo những nỗ lực của chính phủ nhằm phục hồi ngành ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước đang bị đe dọa bởi thiếu hụt lượng lớn kỹ sư. Shinichiro Kobayashi, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty tư vấn và nghiên cứu Mitsubishi UFJ, nhận định, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ còn trở nên trầm trọng hơn khi nền kinh tế Nhật Bản hồi phục.

Nhiều công ty ở Nhật Bản đã tìm cách đối phó với bài toán thiếu hụt lao động. Như trong lĩnh vực lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu rừng và lâm sản Nhật Bản đã phối hợp với Tập đoàn SoftBank thử nghiệm ứng dụng robot vào công việc giám sát và bảo vệ rừng ở Nhật Bản. Trong khi đó, về phía chính quyền, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút lao động nước ngoài có trình độ cao đến làm việc tại khu vực ngoài đô thị, Chính phủ Nhật Bản sẽ đẩy nhanh việc cấp thẻ thường trú cho những trường hợp này. Tokyo sẽ sửa đổi hệ thống đánh giá lao động nước ngoài dựa trên thu nhập hàng năm, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc. Đặc biệt, lao động làm việc tại các công ty do cộng đồng địa phương thúc đẩy sẽ được cộng điểm. Những người đạt điểm cao sẽ được ưu tiên. Theo đó, người nộp đơn có tổng điểm đạt 70 sẽ được đánh giá là có “chuyên môn cao” và thời gian lưu trú bắt buộc tại Nhật Bản để nhận được thẻ thường trú sẽ được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 3 năm, đối với người được 80 điểm thì chỉ cần 1 năm. Ngoài ra, những người được cấp thẻ thường trú sẽ được đưa theo người thân như cha mẹ, người giúp việc đi cùng và vợ hoặc chồng sẽ được phép đi làm. Làm việc trong một công ty địa phương sẽ được cộng 10 điểm và sẽ được đối xử như người có thu nhập hàng năm từ 10 triệu yên (72.594 USD) trở lên hoặc ngang mức quản lý.

Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình thử nghiệm ở Hiroshima, Kitakyushu và hiện sẽ mở rộng ra toàn quốc. Mục đích của chương trình là để thu hút các chuyên gia như nhà nghiên cứu, kỹ sư và quản lý doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2021, số lượng lao động được Nhật Bản cấp chứng chỉ chuyên môn cao là 31.451 người. Tính theo quốc tịch, tới cuối năm 2020, Trung Quốc là nước có số người được cấp chứng chỉ này đông nhất - chiếm khoảng 70%, tiếp theo là Ấn Độ chiếm 6% và Mỹ 5%. Chính phủ Nhật Bản đã nâng mức giới hạn số người được phép nhập cảnh vào nước này lên 20.000 người/ngày từ ngày 1-6-2022 và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho việc tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài thời hậu Covid-19. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng đang nỗ lực giúp đỡ các công ty nhỏ ở địa phương thu hút nhân tài người nước ngoài. Năm 2021, tổ chức này đã giúp các công ty Nhật Bản tuyển dụng 180 người…

Tin cùng chuyên mục