Nỗ lực phát triển bảo hiểm xã hội sau dịch

TPHCM đang thực hiện nhiều giải pháp mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) sau thời gian bị dịch Covid-19 tác động làm giảm số người tham gia BHXH, BHYT. UBND TPHCM cũng đốc thúc các quận huyện theo dõi, bám sát việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Cán bộ vận động người dân trên địa bàn quận 1, TPHCM tham gia BHXH tự nguyện, BHYT
Cán bộ vận động người dân trên địa bàn quận 1, TPHCM tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Nhiều giải pháp thu hút người dân

500 thành viên các hộ cận nghèo ở 3 xã Phong Phú, Đa Phước và Qui Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM), vừa được BHXH TPHCM và Quỹ xã hội từ thiện Tâm Nguyện Việt tặng thẻ BHYT. Người dân 3 xã còn được khám bệnh, phát thuốc miễn phí ngay tại buổi nhận thẻ BHYT. Được trao tặng thẻ BHYT, ông Lê Văn Thương (xã Phong Phú), xúc động kể, trước đây, chưa có thẻ BHYT, nhiều lúc trong người mệt mỏi, đau nhức nhưng ông chưa dám đi khám bệnh. Nhận được thẻ BHYT, ông yên tâm có thể thăm khám sức khỏe thường xuyên mà không phải ngại chi phí tốn kém nữa.

Hiện nay, thành viên hộ nghèo được ngân sách tặng thẻ BHYT. Riêng thành viên hộ cận nghèo, ngân sách sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ BHYT (khoảng 560.000 đồng/thẻ/12 tháng), người dân đóng 30% còn lại (khoảng 240.000 đồng/thẻ/12tháng). Mặc dù vậy, nhiều hộ gia đình khó khăn vẫn không đủ khả năng mua BHYT. Vì thế, theo bà Hứa Thị Phương Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh, việc hỗ trợ thẻ BHYT cho những hộ cận nghèo là rất ý nghĩa, giúp người dân an tâm những lúc trái gió trở trời. Khi được chăm sóc sức khỏe tốt, người dân cũng có điều kiện vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Cùng với tặng thẻ BHYT cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên toàn địa bàn TPHCM, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM, thông tin, BHXH thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia BHYT. Đó là việc duy trì, phát triển BHYT diện bắt buộc; vận động người dân, người lao động tự do tham gia BHYT hộ gia đình; thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên… Bằng nhiều giải pháp, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 89% dân số. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là khép lại năm 2020, TPHCM đang phấn đấu đến cuối năm nay đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90%, đảm bảo được mục tiêu an sinh xã hội và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như nghị quyết của Thành ủy và HĐND TPHCM.

Khó đạt chỉ tiêu về phát triển BHXH

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết tháng 4-2020, số người tham gia BHXH bắt buộc tại TPHCM mới đạt gần 2,3 triệu người (giảm 209.000 người) so với cùng kỳ. Số người tham gia BHXH chỉ hơn 17.600 (giảm gần 6.000 người). Cùng với đó, việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, khi hiện có 300 doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Tính đến ngày 17-10, tổng số nợ BHXH kéo dài là hơn 2.900 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4% số phải thu).

Về giải pháp tăng người tham gia BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, BHXH TPHCM phối hợp với Bưu điện TPHCM và các quận huyện, xã phường, thị trấn tuyên truyền, vận động trực tiếp tới từng khu dân cư, hộ gia đình. BHXH cũng phối hợp với mạnh thường quân tặng sổ BHXH tự nguyện tới một số trường hợp khó khăn, lao động tự do, nội trợ, nông dân. Đồng thời, BHXH củng cố hoạt động của các đại lý thu BHXH tự nguyện để người dân thuận tiện tham gia. Theo BHXH TPHCM, đến nay, có gần 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện và dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có thêm 30.000 người tham gia, đạt chỉ tiêu TPHCM đặt ra.

Về BHXH bắt buộc, dự báo đến cuối năm 2020, TPHCM vẫn khó đạt chỉ tiêu này. Theo ông Phan Văn Mến, dự kiến số người tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 93% chỉ tiêu. Để gia tăng người tham gia BHXH bắt buộc khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, BHXH đang phối hợp khai thác dữ liệu từ cơ quan thuế để phát triển BHXH tại các doanh nghiệp có sử dụng lao động, có kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH. Tất cả giao dịch của doanh nghiệp với BHXH đều thực hiện trực tuyến, doanh nghiệp không cần phải đến cơ quan BHXH bất cứ một lần nào, giúp thuận tiện tham gia BHXH cho người lao động.

Đối với 300 doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH đến tháng 12-2020 thì khi hết thời hạn tạm hoãn, cơ quan BHXH sẽ thu BHXH phát sinh và thu phần nợ do tạm hoãn. BHXH cũng sẽ đôn đốc, nhắc nợ các doanh nghiệp nợ trên 6 tháng; phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ kéo dài. Nếu nợ kéo dài, nghiêm trọng, BHXH chuyển hồ sơ đề nghị công an xử lý hình sự, kết hợp công khai tên doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động. Bằng các giải pháp trên, đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2,37 triệu người (giảm 180.000 người so với cùng kỳ) và đạt gần 90% chỉ tiêu đề ra. Từ nay đến cuối năm 2020, dự kiến có thêm khoảng 60.000 người tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, cả năm 2020, TPHCM vẫn giảm khoảng 120.000 người tham gia BHXH bắt buộc so với năm 2019.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu hút người tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa chỉ đạo UBND 24 quận huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia. Các quận huyện chỉ đạo UBND xã phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền tại khu dân cư để vận động người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Các quận huyện cũng phải theo dõi, bám sát việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện trên địa bàn và đánh giá kết quả thực hiện kịp thời. Đồng thời, tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ BHYT cho thành viên hộ cận nghèo trên địa bàn; hỗ trợ BHXH tự nguyện cho dân quân tự vệ, bảo vệ tổ dân phố và người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục