Nỗ lực nâng tầm đặc sản miền Trung

Dù phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt…, song dải đất miền Trung lại là nơi sản sinh nhiều sản vật, đặc sản độc đáo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thành nét riêng của ẩm thực vùng đất này. 

Gìn giữ bản sắc

Tháng 4 âm lịch này, tại những ao sen truyền thống Cố đô Huế trở nên nhộn nhịp hơn khi vụ mùa thu hoạch bắt đầu. Sen Huế bây giờ không chỉ lấy hạt mà còn tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hoặc kết hợp làm du lịch sinh thái. Ấn tượng nhất cho sản phẩm sen Huế là dự án “Mộc Truly Hue’s” do Phạm Thị Diệu Huyền ở phường Thuận Thành, TP Huế sáng lập, từng đạt giải A tại cuộc thi khởi nghiệp do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. 

Dự án của Diệu Huyền là sự kết hợp, hỗ trợ nhau giữa những người dân nội thành và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa người dân, ban quản lý bảo tồn và doanh nghiệp để tạo ra các dòng sản phẩm sen Huế, góp phần quảng bá hình ảnh di sản, du lịch. Diệu Huyền còn tìm tòi sáng tạo, đưa chất liệu màu sắc, motif của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm hạt sen bằng tranh làng Sình - dòng tranh dân gian nổi tiếng xứ Huế.

Nỗ lực nâng tầm đặc sản miền Trung ảnh 1 Đặc sản tré Chợ Huyện, bánh ít lá gai của người dân Bình Định đã được đưa lên sàn OCOP để quảng bá, tiêu thụ rộng rãi. Ảnh: NGỌC OAI

Tương tự, tại khu vực Nam Trung bộ, nhiều đặc sản truyền thống sau chặng dài hình thành manh mún thì nay đã bắt đầu xuất hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Cánh đồng bàu Chánh Trạch, vốn được mệnh danh là vùng đầm giàu phù sa nhất của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đang sở hữu 2 loại đặc sản trứ danh: nếp 3 tháng và bí đao khổng lồ. 

Đang gieo hạt nếp 3 tháng trên thửa ruộng của mình, ông Nguyễn Giáo (60 tuổi, thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) cho biết, hai giống cây nếp 3 tháng, bí đao khổng lồ là tín vật cổ truyền đã được người làng Chánh Trạch lưu giữ hàng trăm năm qua. Nhờ giữ được phương thức canh tác cổ truyền, với phù sa bàu Chánh Trạch, đến nay dân làng vẫn giữ được nguyên vẹn chất lượng của nếp 3 tháng. Vừa rồi, sản phẩm nếp 3 tháng bàu Chánh Trạch được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và hiện đang làm thủ tục lên 4 sao.

Trên đồng muối Tuyết Diêm (tỉnh Phú Yên), giữa trưa trời nắng rát bỏng, ông Nguyễn Văn Sinh (60 tuổi) bốc lên những nắm muối trắng như tuyết, chia sẻ: “Từ bao đời nay, muối Tuyết Diêm là sản phẩm muối nổi tiếng nhất cả nước do hưởng con nước của đầm Cù Mông. Muối Tuyết Diêm trắng tinh như tuyết, vị mặn dịu thanh, thường sử dụng để làm ra các sản phẩm nước mắm, mắm cá tôm ngon nhất cho miền Trung. 

Xây dựng thương hiệu quốc tế 

Từ các sản phẩm đặc trưng, nối dài những tinh túy của truyền thống và hiện đại, nhiều nông dân dọc dải đất miền Trung thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tại đất võ Bình Định, người ta hay nói về hai “vua gà” lừng lẫy: Lê Minh Dư và Cao Văn Khanh. Hai người liên tục nhận được các bằng khen, huân chương lao động, danh hiệu tiêu biểu của Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương...

Ông Lê Minh Dư sinh ra ở vùng quê nghèo Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), trong gia đình nông dân. Vốn mê gà từ nhỏ, lớn lên ông chọn khởi nghiệp bằng các giống gà bản địa. Ông Dư lai tạo, phát triển giống gà riêng sở hữu các thế mạnh của gà Việt. Nhờ sự bền bỉ, với cách làm khoa học, sáng tạo, ông Dư đã gặt hái được thành công với 3 giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ.

Đây là 3 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao, được Bộ NN-PTNT chứng nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới của cả nước. Từ 3 giống gà này, ông Dư thành lập doanh nghiệp với dây chuyền chăn nuôi, sản xuất gà giống hiện đại, từng bước đưa gà Việt vươn ra khu vực châu Á, châu Âu. 

Tương tự, “vua gà” Cao Khanh cũng đã thành công với tổ hợp 3 dòng gà Việt, gồm:  CK1-BĐ, CK2-BĐ và CK3-BĐ. Sản phẩm gà ta của “vua gà” Cao Khanh đã được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế chứng nhận đạt “top 10” thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018. 

Không chỉ có ông Dư, ông Khanh, mà ở Bình Định còn có rất nhiều gương nông dân tiêu biểu chứng minh cho những khát vọng phi thường của người Việt, khi đưa sản vật truyền thống của vùng đất mình vươn ra thế giới.

Trong đó, có thể kể đến ông Nguyễn Hữu Vinh (phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã đưa bánh tráng dừa Hoài Nhơn, bánh tráng truyền thống Bình Định xuất khẩu qua Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Hay anh Nguyễn Hữu Trí (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) với phương pháp cấy chế phẩm sinh học vào cây trầm gió, đã đưa trầm Việt vươn tầm ra các nước Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Tin cùng chuyên mục