Nỗ lực loại trừ bệnh lao

TPHCM là địa phương có số người mắc bệnh lao cao nhất cả nước, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 15.000 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện mới người mắc bệnh lao rất thấp, chỉ đạt 60% tổng số trường hợp mắc lao trong cộng đồng. 

Đây chính là nguyên nhân làm cho dịch lao kéo dài. Để tạo sự chuyển biến trong phát hiện và điều trị bệnh lao, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Hội Y tế công cộng TPHCM đã triển khai Chương trình Chăm sóc đúng từ năm 2014 đến nay và mang lại những hiệu quả tích cực.

Nỗ lực loại trừ bệnh lao ảnh 1 Cộng tác viên đến tận nhà tư vấn cho người có nguy cơ mắc lao 
về các biện pháp điều trị
“Truy tìm” người mắc lao trong cộng đồng

Cuối năm 2018, anh Nguyễn Hữu Nhựt Trường (39 tuổi, ngụ phường 8, quận Gò Vấp) bỗng dưng thường xuyên bị sốt, ho, cổ họng có nhiều đàm. Chia sẻ với tư vấn viên Chương trình Chăm sóc đúng là bà Vũ Thị Huệ, anh được đưa đến trạm y tế phường thực hiện xét nghiệm lao và bắt đầu điều trị.

“Từ khi phát hiện bệnh, cứ 2 tuần tôi phải đi lãnh thuốc một lần, ngày nào cũng phải uống thuốc, nhiều khi nản lắm muốn bỏ ngang. Nhưng nhờ cô Huệ động viên mỗi ngày, tôi lại có động lực để điều trị”, anh Trường chia sẻ.

Không chỉ anh Trường mà những người thường xuyên tiếp xúc với anh như bố mẹ, vợ, con cũng được hướng dẫn kiểm tra dự phòng mắc bệnh lao. Nhờ vậy, sau hơn 6 tháng kiên trì, đến tháng 6-2019 anh Trường hoàn toàn khỏi bệnh.

Đây chỉ là một trong hàng trăm người được phát hiện bệnh lao và hỗ trợ điều trị nhờ Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp. Bà Vũ Thị Huệ, tư vấn viên Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp cho biết, nhiệm vụ của tư vấn viên là bám sát địa bàn, tìm và phát hiện những người nghi mắc lao, giới thiệu họ đến với cơ sở y tế để được xét nghiệm, điều trị; đồng thời theo dõi sát quá trình điều trị của người bệnh, không để họ bỏ điều trị giữa chừng. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn viên còn kiêm thêm chức năng truyền thông cho người dân cách thức phòng ngừa mắc bệnh lao. 

“Nhiều người dân ban đầu ác cảm với bọn mình lắm, nhưng thấy bọn mình hỗ trợ hết mình, tư vấn tận tình nên dần dần họ quý mến, coi như người nhà, có vấn đề khúc mắc nào họ cũng chia sẻ với bọn mình”, bà Huệ trải lòng.  

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết, quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tình hình bệnh lao phức tạp nhất TP với số người mắc lao trong cộng đồng cao, đặc biệt là sự biến động liên tục của người nhập cư nên việc bỏ sót, mất dấu người bệnh liên tục xảy ra.

Từ tháng 4-2014, quận Gò Vấp là địa phương đầu tiên được Hội Y tế công cộng TP thí điểm Chương trình Chăm sóc đúng và ngay lập tức đã mang lại hiệu quả nhất định. Kết quả, chỉ trong 6 tháng đầu tiên triển khai, đã có thêm 40 người mắc lao được phát hiện và liên tiếp những năm sau, con số phát hiện người mắc lao cũng từ đó tăng cao, trung bình 200 trường hợp mỗi năm.

“Tỷ lệ bỏ điều trị đến nay đã giảm xuống còn 0,7%, giảm gần 7% so với năm 2013. Chăm sóc đúng đã giải được bài toán phát hiện người bệnh lao trong cộng đồng và giảm bỏ trị đối với người mắc bệnh lao, TS-BS Nguyễn Trung Hòa khẳng định.

Nhân rộng mô hình để loại trừ bệnh lao

Nhận thấy hiệu quả từ thí điểm Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp, từ năm 2017, Sở Y tế và Hội Y tế công cộng đã nhân rộng mô hình này ra thêm 6 quận, huyện gồm quận 6, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Ở giai đoạn này, ngoài mạng lưới tư vấn viên toàn thời gian, chương trình phát triển thêm hệ thống cộng tác viên bán thời gian để gia tăng độ bao phủ cũng như khả năng tiếp cận người dân.

Kết quả, sau 2 năm thực hiện Chương trình Chăm sóc đúng, tại 7 quận huyện, các tư vấn viên, cộng tác viên đã phát hiện 1.703 bệnh nhân có vi khuẩn lao trong cộng đồng. Đặc biệt, nhờ mạng lưới tư vấn viên, cộng tác viên mà tỷ lệ bỏ điều trị, mất dấu bệnh nhân lao tại 7 quận huyện chỉ còn dưới 2%. 

Đáng chú ý, từ năm 2017, Hội Y tế công cộng có ý tưởng đưa xe X-quang lưu động đến với người dân, những người có nguy cơ mắc lao cao nhưng không có điều kiện đến khám tại các cơ sở y tế vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Tất cả kết quả hình ảnh có tổn thương do nghi lao đều được các tư vấn viên, cộng tác viên đến tận nhà lấy đàm và vận chuyển đến Tổ chống lao quận huyện để được xét nghiệm Gene XPert miễn phí.

Đây là xét nghiệm lao hiện đại, có khả năng chẩn đoán nhanh, chính xác, kể cả xác định được người mắc lao mang vi trùng lao đa kháng thuốc để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Từ năm 2017 đến nay, Chương trình đã tổ chức 132 buổi chụp X-quang lưu động tại 291 điểm, chụp X-quang miễn phí cho 40.944 người, trong đó có 4.720 phim có hình ảnh nghi lao, xét nghiệm đàm cho 3.381 người và phát hiện 343 người mắc bệnh lao.

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho biết, đến tháng 9-2019, Chương trình Chăm sóc đúng kết thúc các hoạt động, chứng minh được hiệu quả của mô hình chủ động tầm soát người mắc lao trong cộng đồng dựa trên mạng lưới tư vấn viên, cộng tác viên.

Từ năm 2020, Chương trình sẽ được chuyển giao cho Sở Y tế để mở rộng địa bàn chống lao với tên gọi mới Chăm sóc đúng chuyển tiếp. Để thực hiện hiệu quả Chương trình Chăm sóc đúng chuyển tiếp, TS-BS Lê Trường Giang kiến nghị UBND TPHCM và Sở Y tế thiết lập, quản lý hoạt động, chi trả tiền bồi dưỡng cho mạng lưới cộng tác viên để họ có thể gắn kết với hoạt động phòng chống lao hiện nay.

Hội Y tế công cộng sẽ cùng phối hợp với các tổ chức quốc tế nỗ lực duy trì việc cung ứng chi phí cho mọi hoạt động tầm soát, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao như trong thời gian qua, nhằm mục tiêu phấn đấu chấm dứt dịch lao vào năm 2030 theo Chiến lược phòng, chống lao của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục