Nỗ lực kiểm soát lạm phát

Cho đến thời điểm này, việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% như chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định, vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Nhận định này của Bộ Tài chính dựa trên cơ sở diễn biến giá cả từ đầu năm đến nay. Cho đến cuối kỳ thống kê tháng 5, CPI bình quân 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng thấp nhất cùng kỳ kể từ năm 2016. Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng thấp và vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát khoảng 4% của năm nay. 

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong nửa cuối năm 2021. Mặc dù chưa có những số liệu thống kê của tháng 6, nhưng xu hướng tăng giá trong nửa cuối năm nay đã hiện hữu và có khả năng kéo dài do tác động bởi hiện tượng “nhập khẩu lạm phát” từ thế giới. 

Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay đã có đến 9 lần tăng và chỉ 1 lần giảm, trong khi cơ quan điều hành vẫn liên tục phải sử dụng quỹ bình ổn để kiềm chế. 

Ngày 22-6, giá xăng dầu thế giới lại tăng mạnh, lập đỉnh mới, với dầu Brent ở mức 75 USD/thùng. Mọi  dự báo đều cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ tăng mạnh trong năm 2021 khi các nước mở cửa trở lại nền kinh tế và mùa hè nắng nóng cực đoan đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, giá sắt thép trong nước tăng mạnh, kéo giá các loại vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch đá… tăng theo. Trong nước, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn nên cũng dễ tạo rủi ro làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động mạnh đến giá cả. 

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (thể hiện qua một loạt động thái như việc Ngân hàng Nhà nước cho phép nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ; nới lỏng tín dụng cá nhân; nới room tăng trưởng tín dụng của 6 ngân hàng cổ phần…) cũng có thể sẽ tác động làm gia tăng giá cả trong 2 quý cuối năm. Đồng thời, nếu có thêm gói hỗ trợ cộng với chính sách lãi suất thấp, có khả năng dòng tiền rẻ lại chảy mạnh vào thị trường bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số… và trở thành một tác nhân gây ra nguy cơ lạm phát.

Lường trước tình hình, Bộ Tài chính và các bộ ngành đã có dự báo những kịch bản tăng giá và giải pháp điều hành, báo cáo Thủ tướng. Diễn biến thị trường một tháng qua đã cho thấy những dự báo và giải pháp đề ra khá sát thực tế. Theo đó, cả yếu tố giá cả và yếu tố tiền tệ đều cần được giám sát và “vi chỉnh” kịp thời. 

Về giá, đây chính là thời điểm cần chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm, đẩy giá lên cao. Các quỹ bình ổn giá cần được sử dụng một cách hiệu quả đồng thời với siết chặt kỷ luật tài khóa. Về tiền tệ, lãi suất thấp và các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo đà phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần được nới lỏng một cách thận trọng, bởi lạm phát tăng cao do yếu tố tiền tệ thường khó kiểm soát hơn là do giá cả. Cụ thể, cần đảm bảo nguồn cung tiền được “bơm” vào nền kinh tế thực, những lĩnh vực ưu tiên chứ không chảy vào bất động sản hay “nhảy múa”, quay vòng trên thị trường chứng khoán.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng chỉ có nỗ lực phòng chống, đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine, kiểm soát dịch Covid-19 thành công, thì mới có thể đưa nền kinh tế trở lại nhịp độ phát triển bình thường mới. 

Tin cùng chuyên mục