Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 8 (khóa XI) đã đánh giá toàn diện về công tác phòng chống dịch và quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa TPHCM về trạng thái “bình thường mới”.

Theo đó, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố sẽ tăng thêm 2 tuần - từ ngày 16-9, thêm gói trợ cấp an sinh xã hội thứ 3 đối với người nghèo, người mất việc và những người có hoàn cảnh khó khăn…

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định như độ bao phủ vaccine (hơn 90% dân số trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 và hơn 20% dân số trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2), xét nghiệm thần tốc trên diện rộng với 7,4 triệu mẫu, tập trung điều trị bệnh nhân, kéo giảm số ca tử vong, đảm bảo an sinh xã hội, mở rộng vùng xanh và vùng cận xanh… nhưng đối chiếu với các tiêu chí của Bộ Y tế về kiểm soát dịch bệnh, TPHCM chưa đạt và cần có thêm thời gian thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ. 

Tăng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần là cần thiết và đòi hỏi các giải pháp phải tiến hành đồng bộ với nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Cùng với thực hiện giãn cách là việc đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, thành phố đã triển khai 2 gói an sinh xã hội cùng với 14.000 tấn gạo và gần 2 triệu túi an sinh. Gói hỗ trợ lần 3 này lớn hơn, có phát sinh nhiều hơn so với số đã thống kê, tính theo người, không phân biệt hộ khẩu thường trú, tạm trú hay di trú, ước tính có đến trên 7 triệu người, với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng, cùng với hàng triệu túi an sinh.

Quyết định thêm gói an sinh xã hội là quyết định khó khăn và táo bạo, bởi việc dùng ngân sách để chi cho phòng chống dịch và an sinh xã hội lần này rất lớn, hơn bất cứ lần nào. Đây là vấn đề cấp thiết, phải làm vì liên quan đến con người, cuộc sống, trước tình cảnh một bộ phận rất lớn người dân rơi vào tình huống khó khăn, nhất là người lao động mất việc, không có thu nhập. Thành phố sẽ phải điều chỉnh trong cân đối ngân sách và đòi hỏi phải tiết kiệm chi tiêu các mặt trong thời gian tới. 

Trong 2 tuần tới, TPHCM sẽ tiếp tục xét nghiệm diện rộng để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, tăng tốc bao phủ vaccine để đạt tỷ lệ cao nhất số người được tiêm mũi 1 và đẩy nhanh tiêm mũi 2, củng cố năng lực y tế, nhất là ở các trạm y tế lưu động, kịp thời tư vấn, cung cấp thuốc, hỗ trợ y tế cho người dân, không để bệnh nhân F0 chuyển nặng và giảm ca tử vong.

Đối với kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cung ứng hàng hóa, phát huy hoạt động của lực lượng shipper. Thành phố chọn 3 quận huyện (quận 7, Củ Chi, Cần Giờ), một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện… triển khai các hoạt động sản xuất, dịch vụ có kiểm soát. Cho phép dùng thẻ xanh để quản lý việc mở cửa, gắn với thực hiện 5K và xét nghiệm. Các shipper sẽ được di chuyển liên quận từ ngày 16-9 với việc đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính và tiêm đủ 2 mũi vaccine. 

Thành ủy TPHCM thống nhất với lộ trình 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế (giai đoạn 1: từ ngày 1 đến 31-10, giai đoạn 2: từ 1-11 đến 15-1-2022, giai đoạn 3: từ 15-1-2022 trở đi) và xem xét đề xuất với Trung ương những chính sách đối với doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, bảo hiểm…; cũng như có những chính sách kích cầu phục hồi sản xuất của thành phố.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”, thành phố sẽ từng bước mở cửa nền kinh tế và xem đây là yêu cầu cấp thiết, không để quá chậm và cũng không chủ quan, nôn nóng, trên tinh thần “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Theo các chuyên gia dịch tễ thì khó lòng làm sạch F0 trong cộng đồng, chúng ta chỉ có thể kéo giảm ở mức độ nào đó và cần phải học cách sống thích nghi an toàn với dịch bệnh. Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới sau khi kiểm soát dịch, mở cửa nền kinh tế không bao lâu lại đứng trước nguy cơ bùng phát mới của dịch bệnh. Cho nên, quá trình mở cửa phải có lộ trình, có kiểm soát, có sự đánh giá liên tục để điều chỉnh cho phù hợp. 

Trong 11 nội dung chiến lược được UBND TPHCM chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” trình Thành ủy như: y tế, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, huy động nguồn lực, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe tinh thần…, chiến lược y tế giữ vai trò trung tâm, tạo điều kiện cho tất cả mọi người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. 

Đặt mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân; an toàn đến đâu, nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội đến đó; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên mong muốn được sự đồng thuận, sự nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa của hệ thống chính trị, của tất cả các tầng lớp nhân dân. Tất cả sẽ cùng sát cánh để kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa TPHCM về trạng thái “bình thường mới”, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Tin cùng chuyên mục