Nỗ lực kéo giảm thất thoát nước

Từ tỷ lệ thất thoát nước ở mức 53% vào năm 2012, đến năm 2017 Công ty CP Cấp nước Gia Định đã kéo giảm tỷ lệ này xuống còn 20,95%. Giải pháp nào đã giúp Công ty CP Cấp nước Gia Định đạt được kết quả vượt bậc này?
Giải quyết hồ sơ cho dân tại Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định
Giải quyết hồ sơ cho dân tại Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định
Những giải pháp thu lợi hàng trăm tỷ đồng Địa bàn Công ty CP Cấp nước Gia Định phụ trách cấp nước gồm 4 quận với 39 phường. Tổng chiều dài mạng lưới cấp nước hơn 640km đã cũ kỹ và có tuổi thọ bình quân khá cao. Sau khi công ty hoàn chỉnh hệ thống đồng hồ tổng trên địa bàn (tháng 4-2012), tỷ lệ thất thoát nước thất thu được tính chính xác là 53%. Trước thực tế này, hàng loạt giải pháp, kế hoạch được đặt ra nhằm kéo giảm đến mức tối đa có thể lượng nước thất thoát… Cụ thể, Công ty Cấp nước Gia Định ưu tiên phát triển các tuyến ống cấp 3 chuyển tải nhằm điều hòa áp lực và tạo ra bước trung gian giữa các tuyến ống cấp 2, cấp 3 phân phối, loại bỏ việc khai thác trực tiếp trên các tuyến ống cấp 2 như trước. Song song đó, công ty thực hiện kế hoạch phân vùng cấp nước các đồng hồ tổng (outlet) để tính toán tỷ lệ nước thất thoát thất thu và tạo tiền đề cho công tác phân vùng tách mạng, xây dựng DMA. Trong năm 2012, Đề án quy hoạch phân vùng tách mạng chi tiết cũng được phê duyệt và đến nay, công ty đã hoàn tất công tác phân vùng tách mạng theo quy hoạch, đưa vào vận hành 65DMA/DMZ để phục vụ công tác giảm thất thoát nước gây thất thu. Bên cạnh đó, Công ty Cấp nước Gia Định tập trung thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình. Việc này được thực hiện ngay từ khâu thiết kế, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tương tự, công ty cũng chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thiết kế như ưu tiên đặt các tuyến ống trên lề đường để giảm thiểu ảnh hưởng của tải trọng và khó khăn trong việc xin phép đào đường; bố trí các van chặn hợp lý… Đặc biệt, tất cả các dự án đều được mô phỏng thủy lực nhằm lựa chọn đường kính ống phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong hiện tại và tương lai. Công ty cũng nghiên cứu, lựa chọn các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp hơn như sử dụng phụ tùng gang cầu, đai ngầm có chất lượng cao; ưu tiên sử dụng ống HDPE, uPVC để tránh bị ăn mòn hoặc làm giảm tuổi thọ vận hành (dẫn đến rò rỉ, thất thoát nước). Đồng thời, một số giải pháp cũng được áp dụng trong công tác thiết kế, gắn mới đồng hồ nước để tạo thuận lợi cho khách hàng, hạn chế được các hành vi gian lận nước. Bằng những giải pháp kỹ thuật cụ thể đã nêu, tỷ lệ thất thoát nước ở địa bàn Công ty Cấp nước Gia Định phụ trách đã liên tục kéo giảm. Đến năm 2017 đã giảm được 32,05% so với năm 2012 (còn 20,95%). Qua tính toán, lượng nước thu hồi tích lũy cũng không ngừng tăng lên và đạt được hơn 123 triệu m3, tương ứng với giá trị khoảng 370 tỷ đồng (đơn giá 3.000 đồng/m³ nước sạch) trong giai đoạn 2012-2017.Nâng cao ý thức chống thất thoát nước Chỉ trong vòng 5 năm, Công ty Cấp nước Gia Định đã kéo giảm hơn 32% lượng nước thất thoát, góp phần làm giảm tỷ lệ thất thoát nước chung trên toàn Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn. Kết quả này minh chứng cho những giải pháp kỹ thuật đã được triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên còn là sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên công ty, cũng như sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp giảm nước có hệ thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các giải pháp quản lý hiệu quả. Một trong những giải pháp quản lý góp phần quan trọng cho kết quả trên là mô hình “nhân viên quản lý địa bàn Caretaker”. Đây là giải pháp kỹ thuật giảm nước không doanh thu đã thực hiện thành công tại một số nước trên thế giới (như Nhật Bản, Hà Lan…). Tính đến nay, Công ty Cấp nước Gia Định đã áp dụng mô hình Caretaker trên toàn địa bàn với 20 Caretaker được đào tạo bài bản. Họ được phân công quản lý trực tiếp các DMA, DMZ nhằm tăng cường công tác giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xâm hại hệ thống cấp nước. Cùng với đó, Công ty Cấp nước Gia Định cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Điển hình là việc chú trọng cập nhật họa đồ hoàn công công trình, xây dựng chương trình GIS nhằm quản lý hệ thống tuyến ống cấp nước hiệu quả, nâng cao độ tin cậy, tính chính xác của họa đồ hệ thống cấp nước, thay vì chỉ “nhớ” hệ thống mạng lưới cấp nước trong đầu một số nhân viên dày dạn kinh nghiệm. Tính đến 12-2017, công ty đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu GIS, gồm mạng lưới cấp nước và dữ liệu khách hàng. Tương tự, trong công tác quản lý, công ty triển khai thành công ứng dụng văn phòng điện tử, đã thay đổi tư duy làm việc theo kiểu thủ công, giúp giải quyết công việc hiệu quả, tiết kiệm về thời gian. Lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Gia Định nhấn mạnh, lợi ích của việc chống thất thoát nước rất lớn, cũng dễ dàng tính được. Song, việc tiếp tục giảm sâu hơn nữa tỷ lệ nước thất thoát, đặc biệt khi tỷ lệ thất thoát thất thu đã xuống dưới ngưỡng 20% là việc không đơn giản. Vì vậy, để công tác này đạt hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo nhiều hơn của từng cán bộ, công nhân viên công ty. Công ty đã xây dựng quy chế lương, thưởng gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi của người lao động trong công tác giảm thất thoát nước. Giải pháp này nhằm từng bước thay đổi tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công tác chống thất thoát nước. Song song đó là áp dụng hình thức giao khoán quỹ lương cho từng bộ phận, triển khai xây dựng quy trình xử lý công việc tại các phòng, ban, đội, với tiêu chí đánh giá năng suất lao động nhằm cải thiện, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả công việc.
Công ty CP Cấp nước Gia Định xác định, công tác giảm thất thoát nước là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất sống còn với sự phát triển bền vững của công ty. Với đội ngũ lao động chống thất thoát nước lành nghề, chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn và sự ứng dụng những thiết bị khoa học công nghệ hiện nay, Công ty Cấp nước Gia Định phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát nước năm 2018 còn 17% và mỗi năm giảm từ 2%-3%, để đến cuối năm 2020 chỉ còn 12% trên toàn địa bàn.

Tin cùng chuyên mục