Nỗ lực giành quyền lợi cho công nhân may mặc châu Á

Theo The Guardian, Liên minh Tiền lương châu Á (AFWA) - một nhóm quyền lao động toàn châu Á, cho biết đã gửi đơn kiện chống lại các thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới. Mục đích nhằm yêu cầu ngành công nghiệp thời trang toàn cầu phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các vi phạm nhân quyền tại các quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn trên khắp châu Á.
Công nhân may làm việc tại một nhà máy ở Ấn Độ
Công nhân may làm việc tại một nhà máy ở Ấn Độ

Hai trong số các khiếu nại này đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền ở Ấn Độ và Sri Lanka, các khiếu nại tiếp theo đang chờ xử lý ở Indonesia và Pakistan.

Tại Ấn Độ, AFWA và các liên đoàn lao động địa phương đã đệ đơn khiếu nại chống lại H&M lên Sở Lao động ở Bengaluru. Đơn kiện yêu cầu H&M phải chịu trách nhiệm liên đới đối với cáo buộc lạm dụng lao động diễn ra vào năm 2020 tại một nhà máy của nhà cung cấp, nơi hãng tuyên bố thương hiệu “có toàn quyền kiểm soát kinh tế đối với sinh hoạt, kỹ năng và việc làm tiếp tục của người lao động”.

Một đơn khiếu nại pháp lý tương tự đã được đệ trình lên Ủy viên Lao động ở Sri Lanka chống lại Levi Strauss, Columbia Sporting Company, Asics, DKNY và Tommy Hilfiger, cáo buộc các hãng này đang hành động như “sử dụng lao động ảo” tại một nhà máy cung cấp ở Katunayake, nơi công nhân bị mất việc làm và đã không nhận được đầy đủ lương.

Tuyên bố và lập luận của các khiếu nại dựa trên các cuộc phỏng vấn và phân tích sâu rộng mà AFWA đã thực hiện và vừa cho công bố. Báo cáo đã xem xét tác động của việc “ăn cắp tiền lương” ở 6 quốc gia sản xuất hàng may mặc, trong đó nói rằng nhiều thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới cùng chịu trách nhiệm về sự sụt giảm hoặc chênh lệch về tiền lương, dẫn đến cảnh nghèo đói và cơ cực của hàng triệu công nhân may mặc trên khắp châu Á.
Báo cáo lập luận rằng, hành động của các thương hiệu thời trang trong thời kỳ đại dịch, ví như việc hủy bỏ các đơn đặt hàng quần áo trị giá hàng tỷ USD, đã trực tiếp dẫn đến những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng cho người lao động trong chuỗi cung ứng của họ. Nhiều công nhân bị mất việc làm, giảm giờ làm, hoặc bị cho nghỉ không lương trong nhiều tháng. Mức lương từ trước đến nay của công nhân may mặc trên khắp châu Á không cung cấp bất kỳ hình thức an toàn nào có thể cho phép họ vượt qua tình trạng mất việc làm và tiền lương trong đại dịch. Báo cáo cũng cho rằng, mặc dù quyền của người lao động được bảo vệ theo luật pháp quốc gia, nhưng hầu hết công nhân may mặc không có quyền tiếp cận, hoặc quyền lực để tìm kiếm sự giúp đỡ hay giải quyết thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.
Một công nhân đến từ Sri Lanka (giấu tên) cho biết, cô không đủ khả năng nuôi con khi số giờ làm việc của cô bị cắt giảm vào mùa hè năm 2020: “Người sử dụng lao động nói với chúng tôi rằng, các thương hiệu đã hủy đơn đặt hàng nên chúng tôi buộc phải nghỉ lễ và giảm giờ làm. Tôi vốn đã phải vật lộn để tồn tại bằng tiền lương ít ỏi và phụ thuộc vào việc làm thêm giờ để trang trải chi phí. Mỗi ngày tôi đều lo sợ, tự hỏi làm thế nào để chúng tôi sống sót”. Ashim Roy, một công đoàn viên Ấn Độ và thành viên AFWA, khẳng định hành động pháp lý là cách duy nhất để đảm bảo các thương hiệu buộc phải đặt quyền của người lao động lên trên lợi nhuận, thay vì đe dọa.
Levi Strauss từ chối bình luận về vụ kiện, nhưng cho biết họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về các đơn đặt hàng trước khi đại dịch bùng phát và đã cung cấp hơn 1 triệu bảng Anh cho các tổ chức hỗ trợ công nhân may mặc. DKNY và PVH, chủ sở hữu của Tommy Hilfiger, không trả lời yêu cầu bình luận.

Tin cùng chuyên mục