Nỗ lực đạt “mục tiêu kép” với hiệu quả cao nhất

Năm 2020, TPHCM cùng cả nước nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân. Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, TPHCM đã ghi dấu ấn với những điểm sáng bằng sự chủ động, nỗ lực, sáng tạo không ngừng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TPHCM; sự đồng thuận của các cấp, các ngành và sự chung tay chia sẻ của người dân thành phố.

Chủ động và quyết liệt

Dấu ấn đậm nét trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành một cách chủ động và sáng tạo được phản ánh bằng kết quả phòng chống dịch Covid-19 năm 2020. Là thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước, có độ mở kinh tế và thu hút nhiều người nước ngoài, ngay từ khi có những thông tin đầu tiên về dịch Covid-19 trên thế giới, lãnh đạo TPHCM đã theo dõi sát sao, dự báo và đánh giá nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập TPHCM. Từ đó, TPHCM chủ động triển khai từ rất sớm các biện pháp ứng phó, kịp thời phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TPHCM. 

Đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay sau Tết Canh Tý 2020, lãnh đạo TPHCM đã triệu tập cuộc họp có đầy đủ các ban ngành để triển khai công tác ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Tiếp đó, chiều tối hàng ngày, kể cả ngày cuối tuần, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đều tổ chức giao ban với các sở ngành, quận huyện. Các đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM thường xuyên tham gia giao ban và có chỉ đạo quan trọng, kịp thời theo đúng phương châm “Chủ động phòng ngừa sớm - Phát hiện kịp thời - Cách ly triệt để - Điều trị tích cực” và phương châm 5 tại chỗ.

Nỗ lực đạt “mục tiêu kép” với hiệu quả cao nhất ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Khu chế xuất Tân Thuận tháng 4-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh ngay từ đầu, mục tiêu quan trọng nhất là làm cho người dân hiểu được cách phòng chống dịch bệnh và cùng thực hiện. Từ định hướng này, TPHCM có hàng loạt biện pháp truyền thông và thông điệp được chuyển ngay tới từng hộ dân, từng người dân. Tất cả đều nắm bắt, đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ cách thức phòng chống dịch Covid-19. Và cùng với sự chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở cách ly, TPHCM đã ứng phó chủ động với dịch bệnh, cùng cả nước đạt kết quả ấn tượng trong phòng chống dịch Covid-19, được quốc tế ghi nhận. 

Trong bối cảnh bị dịch Covid-19 tác động, lãnh đạo TPHCM đã nhận diện ngay nguy cơ doanh nghiệp trên địa bàn dễ bị “gãy đổ” và người lao động gặp khó khăn. Do vậy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, trong cơ cấu tổng sản phẩm ở TPHCM, dịch vụ chiếm tới 60%, mà cơn sốc Covid-19 lại tác động mạnh đến dịch vụ, nhất là du lịch, kéo theo là dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng... Mặt khác, hơn 90% doanh nghiệp ở TPHCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đánh giá tình hình một cách trực diện, sâu sát, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất khi thực hiện “mục tiêu kép”. TPHCM cũng là địa phương tiên phong và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trên toàn TPHCM, có hơn nửa triệu người lao động đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 607 tỷ đồng.

Nhờ kịp thời có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2020, TPHCM có khoảng 30.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, song có tới 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong lúc dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch TPHCM đã nhanh chóng tăng cường liên kết với các tỉnh thành quảng bá hình ảnh du lịch TPHCM, phát triển du lịch nội địa. Đặc biệt, năm 2020 cũng là thời điểm các doanh nghiệp chăm sóc, phục vụ tốt thị trường sân nhà và có tăng trưởng đáng khích lệ ở ngành sản xuất điện tử và ngành hóa chất - cao su - nhựa. Càng đặc biệt ấn tượng khi việc thông thương toàn cầu gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các TPHCM trong năm 2020 vẫn tăng 3,1% so với năm 2019, đạt mốc 44 tỷ USD. Với tinh thần nỗ lực đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất, TPHCM cũng thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách trong năm qua.

Sáng tạo, tạo đà mới cho phát triển

Để TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình chuyển đổi số. Tròn 1 tháng sau khi Thủ tướng ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tháng 7-2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số TPHCM, hướng TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. TPHCM có khát vọng thực hiện nhanh, đi đầu trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc nhân dân; đóng góp nhiều hơn cho cả nước, cùng cả nước, vì cả nước.

TPHCM nhận thức chuyển đổi số đang trở thành yếu tố quyết định của sự phát triển, là một dư địa cho phép tạo đột phá của TPHCM trong những năm tới. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh từ khóa trong phát triển bền vững là “đổi mới sáng tạo” và tinh thần đổi mới sáng tạo đã và đang lan tỏa tới các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân TPHCM.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM nhiều lần đề cập đến vai trò đặc biệt của TPHCM. TPHCM có diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9% nhưng đóng góp 22% kinh tế của cả nước và đóng góp cho ngân sách quốc gia 27%. Lãnh đạo TPHCM nhận diện rõ mật độ dân số cao, cường độ hoạt động kinh tế lớn làm phát sinh những vấn đề, những nhu cầu thực tiễn cần được giải quyết kịp thời. Và việc chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và thiệt hại đối với người dân. Chính vì thế, lãnh đạo TPHCM đã dành nhiều tâm huyết, tìm tòi, sáng tạo nhằm xây dựng cơ chế và mô hình mới để phát triển TPHCM.

Thời gian qua, TPHCM đã chủ động đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp có tính đột phá để tạo thế và lực phù hợp cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững hơn. Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Năm 2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

TPHCM cũng hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM, thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM, tạo ra một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hành lang cơ chế mới cùng 4 chương trình phát triển TPHCM (gồm 51 chương trình, đề án thành phần) được thông qua trong năm 2020, chính là những nền tảng quan trọng mở ra sự phát triển bền vững cho TPHCM trong năm 2021, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục