Nỗ lực chỉnh trang đô thị ở Bình Dương

Trong chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, nhiều đảng bộ địa phương của tỉnh Bình Dương đã xác định lĩnh vực chỉnh trang đô thị gắn với việc giải quyết ngập nước, ô nhiễm môi trường, nâng cấp vỉa hè, xây dựng công viên như là sự đột phá trong tiến trình phát triển một Bình Dương công nghiệp hóa, văn minh, hiện đại.

Kết quả ấn tượng

Ngày 26-6-2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1701/QĐ- UBND về phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng tổ chức không gian đô thị theo hình thái đô thị phân theo khu vực. Đô thị phía Nam xây dựng theo mô hình đô thị nén, mật độ cao, trong đó, Khu đô thị Thuận An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp; đô thị Dĩ An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông. Trong giai đoạn 2012-2020, tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị, xã với tỷ lệ quy hoạch chung thành phố, thị xã được phê duyệt đạt 100%. Đồng thời tập trung đầu tư các công trình phục vụ nâng cấp đô thị, không gian đô thị phát triển theo phía Nam, phía Bắc và trung tâm. 

Tại TP Thuận An, từ năm 2016 đến nay đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng đô thị văn minh; triển khai hiệu quả quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đến năm 2020 đạt được những kết quả tốt. Diện mạo đô thị Thuận An có những chuyển biến rõ rệt, cụ thể là đã phê duyệt thêm 56 quy hoạch chi tiết khu nhà ở, với tổng diện tích khoảng 143,761ha, góp phần chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở cho đô thị này.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối đô thị đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng sống của người dân (như tuyến đường Thuận Giao 2, Thuận Giao 10, Hưng Định 23). Bên cạnh đó, các công trình cấp thoát nước, vệ sinh môi trường được triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần làm giảm ngập cục bộ khi có mưa lớn ở một số vùng trũng như phường An Phú, Thuận Giao... 

Đối với TP Dĩ An, để nâng chất đô thị, tạo nhiều mảng xanh cho các khu vực công cộng, lãnh đạo thành phố cũng tập trung đầu tư và đưa vào sử dụng các cụm công viên cây xanh như Khu di tích lịch sử Hố Lang (34ha) tại phường Tân Bình, sân vận động 5.000 chỗ ngồi tại khu trung tâm TDTT thành phố (giai đoạn 1) phường Đông Hòa, công viên cây xanh trên đường Nguyễn An Ninh (1ha), công viên cây xanh vườn dầu khu trung tâm hành chính Dĩ An…, nâng tổng số hoa viên toàn tỉnh Bình Dương lên khoảng 121 công trình hoa viên, công viên phục vụ vui chơi, giải trí sinh hoạt thể dục, thể thao cho người dân. 

Nỗ lực chỉnh trang đô thị ở Bình Dương ảnh 1 Đường Ngô Quyền và công viên bờ kè rạch Lái Thiêu (TP Thuận An) sau khi hoàn thành chỉnh trang, nâng cấp. Ảnh: QUANG PHÚ

Trong khi đó, TP Thủ Dầu Một tạo thêm mảng không gian xanh bằng cách điều chỉnh công năng các khu đất trước đây là trụ sở cơ quan nhà nước thành công viên, hoa viên có nhiều cây xanh và sân tập thể dục. UBND TP Thủ Dầu Một đã trình UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận bàn giao 4 khu đất có nguồn gốc đất do nhà nước quản lý, để xây dựng công trình phúc lợi công cộng trong thời gian tới gồm: khu đất trụ sở Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cũ (phường Phú Cường); khu đất tọa lạc tại khu phố 5, phường Chánh Nghĩa; khu đất thu hồi của Công ty CP TM-ĐT Xây dựng Phú Cường (tọa lạc phường Phú Lợi) và khu đất trước Trường Chính trị tỉnh Bình Dương.

Gắn với xây dựng thành phố thông minh

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025 đã được vạch ra là tiếp tục xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; xác định các không gian, khu vực phát triển đô thị ưu tiên để tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; chú trọng đảm bảo kết nối và hỗ trợ phát triển giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh; huy động các nguồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo đúng lộ trình đề ra. Lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để tạo ra sự chuyển biến đô thị rõ rệt trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, xây dựng môi trường sống tốt hơn. 

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục quản lý phát triển đô thị gắn với Đề án thành phố thông minh Bình Dương; rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các đô thị; tiếp tục triển khai xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo có sự đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục