Nỗ lực bảo vệ “lá phổi” của hành tinh

Ngày 7-9, 7 quốc gia có rừng Amazon ở Nam Mỹ đã ký một thỏa thuận nhằm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Đây là kết quả sau cuộc thảo luận về cơ chế hợp tác, phối hợp giữa lãnh đạo các nước cho những vấn đề phát sinh ở rừng Amazon.
Brazil sẽ thuê các lực lượng cảnh sát môi trường để giám sát các đám cháy ở rừng Amazon
Brazil sẽ thuê các lực lượng cảnh sát môi trường để giám sát các đám cháy ở rừng Amazon

Thúc đẩy các sáng kiến

Tổng thống các nước Colombia, Bolivia, Ecuador, Peru, cùng Phó Tổng thống Suriname, Ngoại trưởng Brazil, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên của Guyana đã tham dự hội nghị về rừng Amazon tại thành phố Leticia ở miền Nam của Colombia.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết, hội nghị đã thảo luận về cơ chế hợp tác, phối hợp giữa lãnh đạo các nước cho những vấn đề phát sinh ở rừng Amazon. Lãnh đạo các nước sẽ còn gặp nhau trong một hoạt động bên lề hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc vào tháng 12 tới.

Theo thỏa thuận mới được ký kết, các nước sẽ thành lập hệ thống ứng phó với thảm họa thiên nhiên để có thể phối hợp tốt hơn như trong trường hợp xảy ra các vụ cháy quy mô lớn. Thỏa thuận cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến trồng rừng; gia tăng hoạt động theo dõi các vấn đề ở rừng Amazon thông qua vệ tinh; phát triển các sáng kiến đẩy mạnh nhận thức về vai trò của rừng Amazon cho các cộng đồng để duy trì phát triển bền vững. Ngoài ra, các nước cũng nhất trí chia sẻ thông tin về các hoạt động bất hợp pháp ở rừng Amazon, ví dụ như nạn khai thác khoáng sản trái phép.

Gian nan chống cháy

Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles ngày 7-9 cho biết, nước này không có đủ nguồn lực tài chính để tăng cường các nhân viên thực thi pháp luật thường trực nhằm đối phó với tình trạng cháy rừng ở Amazon, nhưng sẽ ký hợp đồng lao động ngắn hạn với lực lượng cảnh sát môi trường địa phương.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông R.Salles nêu rõ kế hoạch này sẽ thuê cảnh sát môi trường địa phương làm việc trong ngày nghỉ phép để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy của nhà chức trách liên bang. Bộ Môi trường Brazil đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận với các bang để kế hoạch này có thể được thực thi trước khi bước vào mùa cao điểm về phá rừng và cháy rừng trong năm 2020, thường bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, chính phủ liên bang Brazil không có đủ nguồn lực để giám sát một khu vực rộng lớn như Amazon, và cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách trầm trọng do nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo. Hiện Bộ Môi trường Brazil đang tìm cách thuyết phục chính phủ không cắt giảm ngân sách cấp cho bộ này trong năm 2020 so với ngân sách năm 2019.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại nhiều nơi trong rừng Amazon, gây ảnh hưởng tới khu vực được coi là “lá phổi xanh của hành tinh”, cung cấp khoảng 20% lượng ôxy cho Trái đất. Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Brazil cho thấy trong tháng 8 vừa qua, tình trạng phá rừng nhiệt đới Amazon tại nước này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, qua đó gia tăng thêm những mối lo ngại về các đám cháy đang tàn phá khu vực này.

Còn theo số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), từ đầu năm đến tháng 8-2019, tỷ lệ rừng Amazon bị phá đã tăng 92%, lên 6.404,8km². Chỉ tính riêng trong tháng 8, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp 3 lần, lên 1.700,8km². Theo nhà nghiên cứu Ana Paula Aguiar tại INPE, hoạt động phá rừng thường được nối tiếp bằng việc đốt rừng để giải phóng mặt bằng phục vụ trồng trọt hoặc canh tác. Do đó, tình trạng phá rừng của tháng 8 có thể báo hiệu sẽ còn nhiều đám cháy xảy ra ở Amazon trong thời gian tới.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.

Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.

Tin cùng chuyên mục