Níu kéo hay buông tay?

Khi tờ đơn ly hôn vừa đưa đến tòa, ở trong nhà, mọi đồ đạc đã được chị Hoa (quận 9, TPHCM) gói ghém cẩn thận. Thậm chí, số vàng ngày cưới hai bên gia đình cho làm của hồi môn cũng được chia theo kiểu “của ai nấy giữ” để không còn nợ nần.

Có nên dứt tình

Quen nhau qua mạng và cưới sau đó chưa đầy một năm nhưng khi con gái đầu lòng chưa đầy 6 tháng, chị Hoa đã quyết định ly hôn. “Ngày tôi sinh về từ bệnh viện, chỉ có hai mẹ con và bà ngoại hàng đêm tự chăm sóc nhau. Chồng đi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Hỏi chuyện, anh luôn miệng công việc mệt mỏi về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi”, chị Hoa mở đầu câu chuyện. Ban đầu chị nói với mẹ nên thông cảm vì chồng vốn là người tham việc lại đang có tham vọng mở công ty riêng. Nhưng, càng được nước, anh càng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt hơn.

Đỉnh điểm một lần, chị vô tình đọc được tin nhắn lạ trong điện thoại của chồng. Linh cảm của người phụ nữ đã đúng - chồng chị ngoại tình. Nghe chồng báo tin đi công tác, chị Hoa thuê người theo dõi. Những bức ảnh chồng chị và “tiểu tam” thân mật tay trong tay đã nói lên tất cả. Cả hai thường xuyên cãi vã và “kể tội nhau”. Quyết định ly hôn đến rất nhanh…

Níu kéo hay buông tay? ảnh 1

Trường hợp của anh Phú (quận Gò Vấp, TPHCM) lại khác, khi hai vợ chồng mất cả năm mới đi đến quyết định ly hôn. Từng đổ vỡ một lần, anh không muốn đi vào vết xe đổ của chính mình. Vì hiếm muộn, nên sau khi sinh con anh để vợ ở nhà chăm sóc con, còn mình lo về kinh tế. Thế nhưng, chị Lan - vợ anh bắt đầu thay tính đổi nết. Đầu tiên, số tiền chồng đưa chi tiêu trong nhà, chị bớt xén và dành cho làm đẹp: cắt mí, nâng ngực, căng da mặt…

Chưa hết, mỗi khi chồng đi công tác, chị thường tổ chức tiệc tùng linh đình với đám bạn ngay tại nhà. Chuyện đến tai anh Phú từ chính những hàng xóm trong cùng khu chung cư. Đỉnh điểm câu chuyện, nghi chồng có “bồ nhí”, chị còn lắp thiết bị giám sát vào xe máy của anh. Khi anh đề nghị nói chuyện, chị Lan không những không muốn giải thích mà chìa sẵn tờ đơn ly hôn đã ký. “Vợ tôi nói cô ấy muốn có cuộc sống khác, không ràng buộc và được làm những gì mình thích”, anh Phú kể. Vài lần hòa giải bất thành, họ ly hôn.

Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân tưởng chừng đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ nhưng cuối cùng, chính người trong cuộc đã biết dừng lại đúng lúc. Như chuyện của anh Thiện - chị Hương (quận 3, TPHCM) là một ví dụ. Chị mang bầu cuối thai kỳ, anh đưa về nhà mẹ đẻ. Ngày chị sinh, anh không ở bên cạnh, mặc cho bà ngoại chăm sóc.

Suốt mấy tháng, anh chỉ lác đác về thăm vài lần với lý do phải đi làm. Đau đớn nhất, ngày đón hai mẹ con về lại thành phố, vừa về đến nhà, anh đi biệt cả đêm. Chị như chết đứng khi nhận được bức hình “tiểu tam” gửi đang gần gũi với chồng mình. Không thể sống “bằng mặt không bằng lòng”, chị chủ động nói chuyện thẳng thắn, công khai hết mọi bí mật về sự lén lút của chồng. Sự thay đổi dần rõ rệt khi anh dứt khoát chuyện lăng nhăng, quan tâm đến hai mẹ con hơn. Những cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến một ngày chồng chị nhận lỗi và thay đổi.

Làm sao tốt cho cả hai

Ngày nay, ly hôn không còn là chuyện “động trời”. Nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi: Mình đã cho mình và bạn đời thời gian bình tâm để suy nghĩ, phân tích thấu đáo mối quan hệ của cả hai; bạn có thực tâm muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này, nghĩ đến thời gian hạnh phúc của cả hai… Không ít quyết định ly hôn đến chóng vánh, được đưa ra vào đúng giai đoạn khủng hoảng hôn nhân. Nói như chị Lan: “Không sống được với nhau thì bỏ, việc gì phải níu kéo hay tự làm khổ nhau”.

Thực tế, không phải ai cũng đủ sự tỉnh táo, “lạt mềm buộc chặt” như trường hợp của chị Hương. Sau khi biết nội tình chuyện của chồng, chị cho cả hai thời gian 3 tháng để tự thay đổi, nếu không sẽ ly hôn. Thay vì “mặt nặng mày nhẹ”, mỗi ngày chị vẫn chăm cho con, lo đồ ăn cho chồng, chu toàn việc nhà. Bé đầu tròn 2 tuổi và đang lên kế hoạch sinh con thứ 2, nhiều lúc chị không nghĩ 2 vợ chồng đã vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” đó.

Nếu những cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, đừng để ly hôn là khởi đầu cho sự đoạn tuyệt như cách của chị Hoa. Sau khi phân chia tài sản, cả hai thậm chí còn tính cả chi phí đám cưới ai bỏ ra nhiều hơn và người kia phải bồi hoàn số còn thiếu. Cho đến giờ, chị vẫn chưa hết cảm giác tức giận chồng cũ mỗi khi nhắc đến anh và luôn miệng nói mình may mắn vì được giải thoát. Suốt từ ngày ly hôn, chồng chị cũng không dám về thăm con. Lần cuối cả hai gặp nhau chính là tại tòa án.

Cách giải quyết của anh Phú, chị Lan lại hoàn toàn khác. Căn hộ cả hai từng ở chung, chị vẫn giữ chìa khóa và mỗi tuần, cả hai thỏa thuận mẹ con sẽ về thăm ba một lần, để tình cảm ba con khăng khít. Giờ ngồi lại, cả hai có thể nói chuyện với nhau như hai người bạn và chơi với con nhiều hơn.

Kết hôn hay ly hôn đều là quyết định hệ trọng trong cuộc đời, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu kết hôn là sự khởi đầu thì đừng để ly hôn là dấu chấm hết cho một mối quan hệ, nhất là các cặp đôi có con chung. Có những cặp vợ chồng sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng, càng gắn bó và hiểu nhau hơn. Và, cũng có những người hậu ly hôn, từ vợ chồng họ trở thành bạn bè, thậm chí sẵn sàng đón nhận nửa mới của người kia.

Tin cùng chuyên mục