Niềm vui từ sự sẻ chia

Xuất phát từ những tủ đồ nho nhỏ với thông điệp “ai cần đến lấy, ai dư đến cho” của một số bạn trẻ, đến nay mô hình cho - tặng này đã phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Người cho - người nhận, không ai biết ai nhưng tinh thần chia sẻ cứ tiếp nối nhau và lan rộng dần.
Một buổi họp mặt của nhóm Freecycle để các thành viên mang vật dụng, đồ đạc cho - nhận trực tiếp cùng nhau
Một buổi họp mặt của nhóm Freecycle để các thành viên mang vật dụng, đồ đạc cho - nhận trực tiếp cùng nhau

Nhân rộng lòng nhân ái

Khoảng 5 năm trước, người dân TPHCM dần quen với hình ảnh những bình trà đá, tủ bánh mì miễn phí được đặt lặng lẽ ở một góc vỉa hè. Rồi cũng từ ý tưởng ấy, người ta lại bắt gặp tủ quần áo với thông điệp “Tủ đồ dành tặng mẹ và bé miễn phí” xuất hiện trên đường Cộng Hòa của chị Huyền Trang, 27 tuổi (ngụ quận Tân Bình).

Khi đó, nhiều người còn dè chừng, chưa mạnh dạn tới nhận. Nhưng với ý nghĩa thiết thực mà nó mang lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn, dần dà những tủ đồ này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người lao động nghèo, mong muốn bớt đi chi phí trong sinh hoạt thường ngày. Chỉ một thời gian sau, rất nhiều tủ đồ, từ bánh mì, tủ quần áo đến những đồ gia dụng của các bạn trẻ mọc lên ở nhiều nơi, không chỉ là trao đi những món đồ cho người cần dùng đến mà còn là trung gian, nhận những món đồ từ những người thiện tâm trao lại cho người cần. Có thể kể đến tủ quần áo của nhóm bạn trẻ Tùng, Tư, Nguyên (ngụ tại chung cư Sơn Kỳ 1, quận Tân Phú); quầy tạp hóa miễn phí của Đoàn Thanh niên phường 7 (quận Bình Thạnh) hay những tủ đồ nho nhỏ mà chủ nhân muốn lặng lẽ trao - nhận - trao tấm lòng nhân ái mà mọi người gửi gắm…

Chị Ngô Hà Lan, 23 tuổi (công nhân tại huyện Bình Chánh), chia sẻ: “Tôi đã từng mất hết đồ đạc khi trên đường từ Quảng Trị vào TPHCM làm việc. Nhờ tủ quần áo miễn phí của các bạn mà tôi bớt được khoản tiền dự trù trong thời gian xin việc. Có thể những lúc bình thường, món đồ ấy chẳng là gì nhưng khi vào hoàn cảnh khó, nó lại là niềm an ủi rất lớn”.

Không chỉ xuất hiện ở TPHCM, mô hình này còn lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Dĩ nhiên, ở góc độ nào đó, một số tủ đồ với thông điệp “ai cần đến lấy, ai dư đến cho” tồn tại không được bao lâu, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa thiết thực của nó cũng như tâm huyết mà những người trẻ đã và đang đặt vào.

Giải bài toán lãng phí

Sau nhiều lần đắn đo, cân nhắc, chị Dương Hoài Yến (ngụ quận Bình Tân) mạnh dạn đăng lên trang Facebook Freecycle Saigon: “Vợ chồng em ra ở trọ, em đang có bầu không đi làm được nên cũng không có điều kiện mua sắm đồ đạc trong phòng. Các anh, chị có dư đồ gia dụng các kiểu thì cho em xin nhé”. Chỉ sau hơn nửa ngày mở lời, hàng chục người đã ngỏ ý tặng chị Yến đồ, từ xoong nồi, bộ chén đũa mới, bếp gas, quạt điện, tủ, nệm và cả những món hành trang chuẩn bị cho hành trình sinh nở, nuôi con… Cảm động trước tấm lòng của cộng đồng, chị Yến chia sẻ: “Thực sự, lúc đầu nghĩ xin xỏ rất ngại, nhỡ đâu người ta nghĩ mình lợi dụng này kia, nhưng khi nhận được sự chia sẻ chu đáo của mọi người, tôi cảm động lắm. Những món đồ đó mới có, cũ có nhưng đều rất thiết thực, giúp ích cho tôi rất nhiều”.

Là một thành viên của Freecycle Saigon, chị Phạm Thúy Hồng, 26 tuổi (ngụ quận 1) cho biết, trước đây, mỗi lần thay đồ mới trong nhà, chị lại gom đồ cũ lại, lâu lâu bỏ rác một lần. “Mỗi lần bỏ như vậy, tôi cũng xót nhưng để hoài thì chật nhà mà cho người quen thì họ không có nhu cầu. Kể từ khi biết đến Freecycle Saigon, bản thân tôi cũng rất vui khi tặng cho người thực sự cần những món đồ mà mình không dùng nên không cảm thấy lãng phí”, chị Hồng chia sẻ.

Trang Freecycle Saigon được thành lập trên cơ sở trang Freecycle Việt Nam - nơi trao tặng đồ miễn phí. Ra đời từ năm 2013, đến nay, Freecycle Việt Nam có hơn 40.000 thành viên và hiện có mặt tại 6 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước…

Anh Phạm Trung Kiên (Thạc sĩ Nghiên cứu Phát triển, sống tại Hà Nội) người thành lập nên Freecycle Việt Nam, chia sẻ: “Năm 20 tuổi, cuộc sống sinh viên khá khó khăn, tôi được một số đàn anh đàn chị mặc dù mới quen biết nhưng họ rất hào sảng, tặng những món đồ rất giá trị, thậm chí mới tinh, để tôi phục vụ cho việc học. Những câu chuyện đó tôi không bao giờ quên, và cũng từ đó mà tôi nhận ra cho tặng một cách vô tư, không vụ lợi cũng là một niềm vui sâu xa trong cuộc sống. Và khi mình cho đi những vật dụng ít hoặc không còn nhu cầu sử dụng, để người khác dùng vừa tiết kiệm vừa đỡ rác thải ra môi trường”.

Lên ý tưởng từ năm 2012, sang 2013 anh Kiên cùng 3 người bạn lập ra nhóm Freecycle Việt Nam. Tất cả các quản trị viên, kiểm soát viên đều có công việc, sự nghiệp riêng, mọi người tham gia vì lòng nhiệt tình muốn đóng góp cho cộng đồng, tất cả đều tình nguyện và hoàn toàn không có thù lao.

“Khi lập nhóm, tôi cũng nghĩ tới rất nhiều mô hình, kể cả kiểu gian hàng ai thừa thì mang tới, ai cần thì nhận, nhưng cuối cùng cân nhắc chọn việc lập nhóm từ mạng xã hội Facebook, vì thuận tiện và tiếp cận được nhiều người. Nhóm luôn nhấn mạnh đến việc cho tặng như một hành vi, lối sống đẹp nên các quản trị viên khi kiểm duyệt bài đăng rất chặt chẽ, đồ cho nhưng không có nghĩa là phế phẩm, rác thải mà phải đảm bảo còn dùng được”, anh Kiên chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc cho nhận các loại đồ dùng, mạng xã hội còn có nhiều nhóm cho - nhận miễn phí khác, nhóm “Thích trồng cây” (với hơn 270.000 thành viên) là nơi để mọi người trao tặng nhau các loại hạt giống, cây con. Hay “Hội cho - nhận sữa mẹ TPHCM” (hiện có hơn 4.000 thành viên), tuy nhiên, câu chuyện chia sẻ sữa mẹ này vẫn còn nhiều tranh cãi quanh vấn đề an toàn vệ sinh và chất lượng sữa. Góp phần giải quyết tình trạng này, Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ đã ra đời vào tháng 4-2019 theo hình thức phi lợi nhuận, giúp trẻ sơ sinh tiếp cận nguồn sữa mẹ đảm bảo an toàn và người có nhu cầu cho sẽ được bảo quản sữa đúng cách.

Tin cùng chuyên mục