Niềm vui từ giá mủ cao su tăng

Giá mủ cao su liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Năng suất cao, giá mua mặt hàng “vàng trắng” tại vườn tăng, giá xuất khẩu tăng nên cả nông dân và doanh nghiệp đều được lợi.

Chúng tôi theo chân anh Lê Thành Kiên vào khu vườn cao su 3ha, cho khai thác 7 năm nay, ở xã Bình Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước). Thời điểm này, nhiều người dân đang cạo mủ, tiếng cười nói rôm rả cùng những đoàn xe ra vào chở mủ về điểm tập kết. Anh Kiên cho biết, trung bình 1ha cao su tiểu điền có năng suất 1,8 - 1,9 tấn. Giá mủ hiện nay tăng lên 17.000 - 18.000 đồng/kg; cách 2 ngày cạo mủ một lần, trừ chi phí thuê nhân công 250.000 - 270.000 đồng/nửa ngày, vườn nhà anh thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Anh nói: “Trước đây, giá cao su thấp đến mức không đủ chi phí để thuê người cạo mủ, nhiều nhà đã phải thanh lý cả vườn để chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Với giá mủ cao su hiện tại, nhà nông chúng tôi phấn khởi, không còn phân vân trồng - chặt như thời gian qua”. 

Tiếp tục khảo sát các khu vực trồng cao su ở tỉnh Bình Phước những ngày gần đây cho thấy, giá mủ cao su được các thương lái thu mua tại các khu vực có diện tích cao su lớn như Tà Nốt, Tà Pét, nhà máy chế biến mủ (huyện Lộc Ninh), các huyện Phú Riềng, Bình Long… khá ổn định, với giá dao động từ 16.000  - 18.000 đồng/kg. 

Từ một nông trường với diện tích 3.000ha cây cao su già cỗi, đến nay Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú đã có diện tích trên 10.000ha cao su, với gần 8.000ha vườn cây đang khai thác. Lãnh đạo công ty cho hay, từ đầu năm đến nay, mủ cao su sau khi chế biến có giá xuất khẩu liên tục tăng và ổn định, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Giá bán bình quân mủ cao su của công ty dao động ở mức 46,3 triệu đồng/tấn, cao hơn giá bán bình quân cả năm 2020 là 35,3 triệu đồng/tấn.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, Bình Phước được xem là thủ phủ cao su của cả nước, với 246.267ha, sản lượng trên 269.000 tấn/năm. Mủ cao su từng được ví như “vàng trắng”, nhưng thời gian qua, nhiều diện tích trồng cao su được chuyển đổi sang cây trồng khác khi lợi thế so sánh cao hơn; đồng thời cao su ít mủ, giá thấp, già cỗi nên các hộ dân thanh lý sớm hơn so với chu kỳ. Hiện nay, giá mủ cao su liên tục tăng, cho thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân, doanh nghiệp trồng và chế biến mủ cao su đang rất phấn khởi. Tỉnh Bình Phước đang tập trung đánh giá, cấp chứng chỉ cho rừng cao su bền vững để bảo đảm tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cao su, khuyến khích các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và cạo mủ…Trong đó, ngành sản xuất, chế biến cao su cần đẩy mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô để cao su đạt giá trị cao trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục