Niềm vui trở lại trường

13 năm đứng trên bục giảng, vậy mà bây giờ đi dạy lại sau 3 tháng nghỉ phòng dịch Covid-19, tôi vẫn thấy bồi hồi.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 làm vệ sinh, khử khuẩn, trang trí lớp học chào đón các em học sinh trở lại trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 làm vệ sinh, khử khuẩn, trang trí lớp học chào đón các em học sinh trở lại trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong thời gian nghỉ dài, cô trò chỉ gặp nhau hàng tuần qua Zoom hay các ứng dụng công nghệ khác, tuy cũng thường xuyên đấy, nhưng lại thấy xa xôi. Chờ đợi rồi cũng đến ngày quay lại trường, cô trò hân hoan, nhưng không có cảnh tay bắt mặt mừng.

Kinh nghiệm sau những kỳ nghỉ tết trước đây, chúng tôi canh cánh lo ý thức học tập của học sinh sẽ giảm sút vì quen những ngày thoải mái đi chơi hay ngủ dậy muộn. Vậy mà không, sĩ số gần như tuyệt đối. Trước khi vào trường, học sinh và giáo viên đều phải xếp hàng đo thân nhiệt. Ai tới trước đứng trước nhưng khoảng cách thầy trò không vì thế mà đảo lộn, bởi tất cả đều hiểu rằng, chúng ta đang làm những việc tối thiểu để giữ gìn trường học, lớp học an toàn nhất.

Nhiều câu chuyện bên lề được các em kể rôm rả: “Người hàng xóm em không đeo khẩu trang ra đường, bị công an phường nhắc nhở”, “Nhà em mua thức ăn vừa đủ dùng chứ không tích trữ”, “Em đã biết cách kho thịt, trộn rau”, “Bà ngoại khen em nhổ tóc sâu đã ngứa”… Mới 3 tháng không gặp, học trò trưởng thành hơn thấy rõ. Các em cập nhật được nhiều vấn đề của đời sống, hiểu được kiến thức pháp luật, có thái độ đúng đắn và việc làm cụ thể trong mùa dịch… Những điều tương tự như thế này, trước đây thầy cô và ba mẹ nhắc nhở suốt mà có mấy em chịu làm.

Học sinh được làm quen với giả thiết có bạn nào bỗng nhiên ho, sốt, thì giáo viên đứng lớp và tất cả học sinh còn lại phải giữ nguyên vị trí, đợi cán bộ y tế trường xuất hiện. Cách ứng phó này khác với cách ứng phó quen gặp: thầy cô hoặc bạn bè xúm lại rồi cắt cử một ai đưa bạn xuống phòng y tế. Thế mới thấy, có những thói quen vẫn có thể bỏ nếu thực sự hữu ích cho nhiều người. An toàn của mình cũng là an toàn cho những người xung quanh. Học sinh ngồi giãn cách, cô thầy hạn chế bước xuống lớp và chỉ đứng ở vị trí trung tâm trên bục giảng. Sân trường có chút vắng lặng hơn, những cánh phượng rơi cũng đủ hối thúc, giục giã cả cô và trò.

Kế hoạch cho ngày đầu tiên đi dạy lại chỉ là ổn định nền nếp, tiếp tục tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch, nhưng rồi lớp cũng nhanh chóng trở lại việc học, với những câu hỏi: “Cô ơi, giảng lại cho em bài này”, “Bài em nộp qua Email được mấy điểm ạ?”… Trò nhập cuộc rất nhanh, nên thầy cô phấn chấn hẳn, tiết học đầu tiên trôi qua mà không có những phút dừng lại dọa nạt lập lại trật tự.

Có những học sinh trước kia vẫn đội sổ vì vắng học, trốn tiết, giờ lại chia sẻ: “Ở nhà riết cũng chán, đi học vui hơn cô ạ”. Hiệu quả bài dạy đến từ sự hứng thú của học sinh, thầy cô say sưa với việc củng cố kiến thức và chuyển sang bài mới. Đến trường đã thực sự là ngày vui. Sau buổi học, học sinh được phân công theo tổ ở lại lau chùi bàn ghế. Chẳng cần cô thầy giám sát, bàn ghế đã sạch sẽ, gọn gàng. Rõ ràng hành động thay đổi khi nhận thức của các em thay đổi.

Nếu không có dịch bệnh, thời điểm này các em đã thi học kỳ và chuẩn bị nghỉ hè (ngoại trừ học sinh cuối cấp). Chưa năm học nào đến đầu tháng 5 mà chương trình học kỳ 2 mới đi được nửa chặng đường. Covid-19 vẫn đang còn là hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng, nên ra vào trường phải kiểm tra sức khỏe, giữ sạch bàn tay bằng nước diệt khuẩn. Nhưng trở lại trường lúc này, giúp cô trò chúng tôi nhận ra trường học vẫn là nơi không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người. Ở đó, các em không chỉ được truyền thụ kiến thức mà còn học được cách làm người, cách chung sống cộng đồng.

Tôi viết bài này, kể về niềm vui trở lại trường sau kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19, để mong các phụ huynh và toàn xã hội có thể yên tâm về tâm thế thầy trò cùng chủ động phòng dịch và cả những điều khó lường phía trước. Mai kia ra trường, những gian khó lúc này sẽ thành kỷ niệm không thể nào quên!

Tin cùng chuyên mục