Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Chủ tịch nước tặng thưởng cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là món quà lớn dành cho các nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Ngày 23-7, tại TPHCM, Ban liên lạc Cựu nữ tù Chính trị và tù binh TPHCM tổ chức lễ đón nhận phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài (Bình Định).

Đến dự và chúc mừng các nữ chiến sĩ cách mạng có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị bị giam giữ tại Côn Đảo; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; cùng các cựu nữ tù chính trị và tù binh tại giam Phú Tài.

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 1 Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các nữ tù bình trại giam Phú Tài
Những nữ chiến sĩ kiên trung, bất khuất

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã có biết bao thế hệ cha anh kiên cường đấu tranh, không ngại nguy hiểm, hy sinh, gian khổ, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của các nữ tù binh trại giam Phú Tài.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, sự kiện về những cuộc đấu tranh trong trại giam nữ tù binh Phú Tài mãi mãi là nét son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trại giam Phú Tài là địa chỉ đỏ cách mạng, là biểu tượng sâu sắc cho ý chí và tinh thần cách mạng trong quá khứ cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay.

“Dù phải chịu những đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng các nữ chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, dám nghĩ, dám làm, lấy mục tiêu chung làm động lực của cuộc chiến đấu. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất về đường lối của Đảng, ra sức thực hiện chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang, thế trận lòng dân để chiến thắng kẻ thù. Tinh thần ấy không ngừng được vun bồi và phát huy trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cả trong thời kỳ xây dựng phát triển và bảo vệ Thành phố nói riêng, đất nước nói chung”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 2 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi lễ

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, hình ảnh kiên trung, bất khuất, không khuất phục trước đòn roi, nhục hình tra tấn hiểm độc của quân thù, các nữ chiến sĩ cách mạng - nữ tù binh Phú Tài là hình ảnh sinh động để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ sau.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận và bày tỏ sự cảm phục, sự biết ơn sâu sắc đến các Cô, các Dì nữ tù binh trại giam Phú Tài. Đồng chí kính chúc các nữ tù binh trại giam Phú Tài luôn mạnh khỏe, sống vui với con cháu. Luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc và luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho con cháu học tập noi theo.

Món quà lớn dành tặng các cựu nữ tù

Trại giam Phú Tài (xã Phước Long, huyện Tuy Phước, nay là phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được lập vào tháng 6-1967 để giam giữ tù binh là nữ chiến sĩ cách mạng. Nơi đây từng giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng trên khắp các chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Cà Mau trong thời chiến tranh.

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 3 Đồng chí Trương Mỹ Hoa trao phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nữ tù binh trại giam Phú Tài

Đây cũng là nơi minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những người phụ nữ trong tay không một tấc sắt, đã đoàn kết đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, đau đớn, đói rét và bệnh tật để tiếp tục sống và chiến đấu. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, vào ngày 15-2-1973, 904 nữ tù binh trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước).

Hơn 5 năm bị giam cầm tại đây, các nữ tù đã bị địch thực hiện chế độ đối xử khắc nghiệt nhằm làm suy kiệt dần thể xác, tinh thần. Nhưng dù cho địch có dùng đủ hình thức tra tấn, các nữ tù binh Phú Tài vẫn không hề lung lạc, vẫn giữ tinh thần bất khuất và kiên trung với đất nước. Các nữ tù binh kiên quyết đấu tranh giữ sinh mạng, phẩm chất chính trị, biến trại giam thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới, đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 4 Đồng chí Trương Hòa Bình thăm hỏi các nữ tù binh trại giam Phú Tài

Bà Trần Thị Hồng Thắm, Phó Ban liên lạc cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài bùi ngùi xúc động khi nhắc lại thời gian lao tù khổ cực của các nữ chiến sĩ cách mạng. Theo bà Thắm, ở trong trại giam Phú Tài, các nữ tù binh chịu đựng một chế độ giam giữ khắc nghiệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120 m2 nhưng giam giữ 70-80 người, có khi lên đến 100-150 người. Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh buốt.

“Ở đây là nơi giam giữ nhưng địch dùng mọi hình thức tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần chị em. Chúng bỏ đói tù bình hơn 10 ngày liền, tra tấn tù bình giữa sân nắng và nhiều hình thức man rợ khác. Trong cuộc đấu tranh này, có 8 nữ chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh, khoảng 600 nữ chiến sĩ bị thương tật vĩnh viễn”, bà Thắm chia sẻ.

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 5 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chúc mừng các nữ tù binh

Khi được trao trả, các nữ tù binh được tặng thưởng nhiều danh hiệu. Có 8 nữ chiến sĩ cách mạng được nhận danh hiệu liệt sĩ, 908 người là thương binh. Hiện tại, TPHCM có khoảng 90 nữ cựu tù binh trại giam Phú Tài.

Dịp này, 90 cá nhân được nhận phó bản danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 6 Niềm vui của các nữ tù binh trại giam Phú Tài trong ngày họp mặt

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Chủ tịch nước tặng thưởng cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước đó, vào ngày 18-5-2022, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài. 

Niềm vui nhận danh hiệu Anh hùng của tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài ảnh 7 Nữ tù binh trại giam Phú Tài đọc bài thơ được sáng tác khi còn trong lao tù

Tại buổi họp mặt, các cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài cùng lắng động trước những vầng thơ của nhà thơ Hạnh Ngộ, nhà thơ – cựu tù Nguyễn Thị Thanh Tùng với những dòng thơ được sáng tác khi trong lao tù. Theo các nữ cựu tù, trong tù không có gì ngoài niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ và những dòng thơ gửi niềm tin chiến thắng.

Tin cùng chuyên mục