Niềm tin và khát vọng của Thành phố rực rỡ tên vàng - Thành phố Hồ Chí Minh

Trải qua chặng đường 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, miền Nam được giải phóng và Thành phố chính thức mang tên Bác Hồ kính yêu, đặc biệt sau hơn 35 năm công cuộc đổi mới, lịch sử đã ghi nhận Thành phố với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí chính trị đặc biệt quan trọng của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và 26% ngân sách cả nước. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đáng tự hào ấy, Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay làm suy giảm sức chống chịu của Thành phố, đặt ra những thách thức cho vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố đối với phía Nam và cả nước; đối với mục tiêu trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta và xa hơn là Singapore.
Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu trên dây chuyền sản xuất hiện đại tại KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu trên dây chuyền sản xuất hiện đại tại KCX Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

1. Thành phố là địa phương luôn đổi mới, sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội, như: Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên, Công viên phần mềm Quang Trung là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất của cả nước, Khu công nghệ cao Thành phố có quy mô đầu tư lớn nhất; phương thức quản lý đô thị thông minh được triển khai sớm nhất; địa phương đầu tiên ban hành Đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”, chương trình “Xóa đói giảm nghèo”… Tất cả mô hình trên đã tạo nên một thành phố không những mang đậm dấu ấn khởi đầu với hiệu quả thiết thực, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Thành phố vẫn luôn trụ vững và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thành phố; vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố đối với phía Nam và cả nước đang bị “đuối tầm”; cái nôi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước sáng tạo, nhiều mô hình đổi mới, năng động ngày càng ít có hiệu quả đột phá; mục tiêu trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, các trở ngại lớn nhất là: kết cấu hạ tầng còn tồn tại nhiều bất cập; công tác quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; hợp tác phát triển trong vùng và với các địa phương còn hạn chế; khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn.

Nhận diện rõ vai trò, vị thế, thành quả đạt được, đặc biệt là thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức đến từ yếu tố chủ quan lẫn khách quan, Thành phố thấm nhuần, quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 122/TB-VPCP ngày 25-5-2021. Đây chính là hành trang, nguồn sức mạnh chính trị to lớn để Thành phố tiếp tục hun đúc niềm tin và hiện thực hóa khát vọng ấy.

Năm 2021 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao; Thành phố đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và đề ra mục tiêu trung dài hạn đến năm 2045, theo đó TPHCM tiếp tục được kỳ vọng sẽ giữ vai trò đầu tàu vì cả nước, cùng cả nước tiếp tục công cuộc đổi mới tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu khát vọng của Thành phố, đó là xây dựng nền kinh tế tri thức, đi đầu trong đổi mới sáng tạo để đến năm 2025, Thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD; năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. 

Sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Thành phố tiếp thu những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo - đó là sự đổi mới tư duy từ phòng ngự, chờ đợi thụ động sang chủ động, tiến công trên tất cả các lĩnh vực; phát huy mạnh mẽ, khí thế những thành quả đã đạt được, đẩy mạnh tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí; xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng; củng cố, phát triển mối quan hệ hài hòa giữa Thành phố với các bộ, ngành, địa phương, lấy lợi ích chung làm mục tiêu phấn đấu; thống nhất trong nhận thức và hành động với phương châm: suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt và thực hiện phải có hiệu quả; và chuyển hóa ngay vào chương trình hành động với các giải pháp cụ thể đến các cấp các ngành, đến từng quận huyện, gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược thuộc 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM) và chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển của Thành phố.

2. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19, với phương châm: khẩn trương - thần tốc - quyết liệt - đồng bộ - chủ động, thực hiện “mục tiêu kép’’ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, đồng thời vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, không chủ quan, mất cảnh giác, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và lấy tấn công làm chủ yếu, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “Vắc xin + 5K”. 

Với niềm tin biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng TPHCM xứng tầm, sánh vai cùng các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, Thành phố xác định một số nhiệm vụ chính cần triển khai theo thứ tự ưu tiên.  

Một là, đi vào giải quyết các điểm nghẽn kìm hãm phát triển, Thành phố triển khai ngay giải pháp mở nút thắt đầu tiên, đó chính là hạ tầng đô thị. Trước hết, Thành phố sẽ sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch không gian ngầm đô thị, xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội”. Từ quy hoạch chung, Thành phố đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng Thành phố nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra: kết nối liên vùng, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường... với các công trình trọng điểm: hoàn thành Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khu vực TPHCM (giai đoạn 1), sớm đưa vào vận hành tuyến Metro số 1, triển khai tuyến Metro số 2, Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, khép kín đường Vành đai 2, triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4, Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức, Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, giao thông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Để có nguồn lực thực hiện các dự án, bên cạnh việc phát huy sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nếu được Trung ương tăng tỷ lệ để lại giai đoạn 2022-2025 (dành toàn bộ để chi đầu tư phát triển), Thành phố sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, ưu tiên hình thức hợp tác công- tư (PPP). Thành phố cũng triển khai, phát huy hiệu quả Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM với tinh thần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Việc gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục áp dụng. Việc gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn tổ chức thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần”, qua đó thể hiện sự năng động, sáng tạo triển khai các giải pháp hiệu quả để tạo quỹ đất là nguồn lực quan trọng cho đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Hai là, Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo Thành phố, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Chuyển đổi số đi vào hoạt động; triển khai giai đoạn 2 Đề án xây dựng đô thị thông minh; triển khai quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố - Thành phố Thủ Đức trở thành “hạt nhân”, một “cực tăng trưởng mới” năng động, sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển giáo dục thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh mẽ y tế thông minh, đầu tư phát triển Thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của phía Nam và khu vực Đông Nam Á. Hình thành trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bằng công nghệ cao, phát triển du lịch y tế thu hút khách trong và ngoài nước đến TPHCM kết hợp du lịch và khám chữa bệnh. Phát triển toàn diện kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, để đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của Thành phố.

Lấy nâng chất hạ tầng kỹ thuật đô thị làm trọng tâm, đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển thực sự, Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược của Trung ương, được vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa phù hợp tình hình Thành phố. Có chính sách đầu tư nguồn lực xứng tầm vào nghiên cứu R&D, thương mại hóa kết quả và tập trung vào các sản phẩm chủ lực công nghệ cao; xây dựng cơ chế hợp tác giữa các trường đại học,viện nghiên cứu với doanh nghiệp và Nhà nước. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái Fintech phát triển mạnh trong thời gian tới. Tập trung đầu tư vào các trung tâm dự báo, trung tâm dữ liệu để nâng tầm công tác dự báo, hình thành dữ liệu lớn, phục vụ cho công tác điều hành trong thời gian tới. 

Xây dựng hoàn thành Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM - đây là đòn bẩy kinh tế quan trọng để Thành phố thu hút và phát triển các lĩnh vực theo đúng định hướng đề ra. Tiếp tục phát huy các khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung và mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, hình thành khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất và cung ứng giống cây, giống con chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính là một yêu cầu thiết yếu nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội giai đoạn 2017 - 2022; xây dựng chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả tại TPHCM theo Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020; triển khai xây dựng và thực hiện nghị định thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM.

Năm 2021 với chủ đề: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó xác định xây dựng chính quyền đô thị với hệ thống cơ quan hành chính Thành phố đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thực hiện khen thưởng kịp thời, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ, chính là thời cơ để Thành phố phát triển nhanh hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao chất lượng sống an toàn, nghiên cứu giảm bớt các khâu thủ tục hành chính không cần thiết, kiến tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, trên nền tảng kinh tế số, để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức, công ty, tập đoàn lớn. 

Bốn là, xác định tầm quan trọng của nguồn vốn con người như một nguồn lực cơ bản cho phát triển kinh tế, Thành phố sẽ không ngừng đổi mới chính sách để thu hút nguồn lực phát triển kinh tế tri thức, vừa chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, trong đó tập trung 08 ngành: công nghệ - thông tin, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị; vừa nâng cao chất lượng sống để thu hút và giữ chân nhân lực nước ngoài, đảm bảo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, đi tắt đón đầu để tận dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cải thiện năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Ngoài ra, hoàn thiện khung quy định để tạo tính linh hoạt của thị trường lao động, thu hút đa dạng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, doanh nghiệp tầm cỡ thế giới để mang lại nguồn lực con người, giúp Thành phố tăng trưởng và khẳng định vị thế trong khu vực.

Năm là, Thành phố tiếp tục quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; triển khai thực hiện Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TPHCM giai đoạn 2020 - 2030. Thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đi cùng với nhiệm vụ tuyệt đối giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của những nhiệm vụ nêu trên, đó là phải khơi gợi lòng nhiệt quyết, sứ mệnh chính trị của đội ngũ cán bộ công chức, chấp nhận thay đổi tư duy, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn nâng cao đạo đức công vụ. Đồng thời chung tay đẩy lùi sự trì trệ, yếu kém trong từng phòng ban, từng đơn vị, sở ngành, quận huyện; kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “quyền anh, quyền tôi”, “trên nóng, dưới lạnh” tiếp diễn. Từ đó tạo thành khí thế mới, tinh thần làm việc mới, tư duy mới, hợp tác chia sẻ trong đội ngũ cán bộ công chức của Thành phố. Khắc ghi ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Rất cần thiết khơi dậy lòng tự hào của nhân dân TPHCM, bởi với truyền thống TPHCM rực rỡ tên vàng, Thành phố đi đầu trong đổi mới, đồng bào kiên cường, dũng cảm. Đảng bộ Thành phố phải thấy rõ vị trí tầm quan trọng của mình để từ đó chúng ta xác định trách nhiệm phải làm thế nào cho xứng đáng với danh hiệu không nơi nào có được - Thành phố mang tên Bác*. Mỗi người dân Thành phố, mỗi cán bộ công chức hãy khơi dậy lòng tự hào về Thành phố Anh hùng, vững niềm tin vào sức mạnh, sự đoàn kết, năng động sáng tạo, sự đồng thuận của Nhân dân cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
-----------------------------
(*) Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của Bộ chính trị với Ban thường vụ TPHCM thông qua văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

NGUYỄN THÀNH PHONG 
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục