Niềm tin mù quáng


Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên mức án tử hình về tội giết người đối với bị cáo Phạm Thị Thiên Hà, kẻ chủ mưu trong vụ án “thi thể trong bê tông” từng gây chấn động dư luận. 
Bị cáo Phạm Thị Thiên Hà tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Phạm Thị Thiên Hà tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây đã xảy ra những vụ án mạng do niềm tin mù quáng, lầm lạc nghe theo sự xúi giục của các giáo phái kỳ lạ. Năm 2014, tại TPHCM, một người mẹ cùng bạn bè đã dùng dây siết cổ đứa con trai 15 tuổi đến chết để làm lễ “thánh hồi sinh” vì nghĩ con được “thánh nhập”. Năm 2017, một phụ nữ tại tỉnh Thanh Hóa do tin lời thầy bói đã nhẫn tâm sát hại đứa cháu nội mới 20 ngày tuổi, vứt xác vào bãi rác rồi thuê 2 đối tượng nghiện ngập dàn dựng vụ bắt cóc. Năm 2019, một người đàn ông hành nghề xem bói tại tỉnh Nam Định nghĩ mình bị bỏ bùa nên đã ra tay truy sát cả gia đình một người làm nghề thầy cúng, khiến một người trọng thương và 3 người thiệt mạng…

Thực tế cho thấy, các tôn giáo chân chính đều hướng con người đến điều thiện, biết yêu thương, đồng hành và sẻ chia với những người kém may mắn trong cuộc sống. Các tôn giáo chân chính không hề ép buộc bằng mọi cách, không hề quy định mức đóng góp, hoặc nếu có thì chỉ tùy tâm, lại càng không hề kêu gọi người khác làm điều vi phạm pháp luật, trái với đạo lý ở đời.

Còn các tà đạo thì làm ngược lại, bởi họ luôn có những mưu đồ nhất định, ẩn chứa bên trong những lời lẽ hoa mỹ, chiêu dụ. Người theo tà đạo sẽ bị những ràng buộc nhất định về vật chất lẫn tinh thần cùng những đòi hỏi vô cùng nghiệt ngã. Có nhiều đệ tử, tín đồ của những giáo phái cuồng tín không phải là người ít học, nhưng vẫn nhẹ dạ, cả tin đến mê muội, tuyệt đối nghe lệnh của người cầm đầu, sẵn sàng phạm pháp, thậm chí là giết người. Đã có những cái chết oan uổng, thương tâm, gia đình tan nát vì có người thân theo tà đạo. 

Điều 24 Chương II Hiến pháp nước ta đã quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Vì thế không nên cuồng tín. Niềm tin phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức chân chính, có chiều hướng tích cực, phù hợp với các giá trị đạo đức và tuân theo pháp luật.

Tin cùng chuyên mục