Niềm đam mê văn chương của thầy giáo tuổi “thất thập cổ lai hy”

Nhà văn Nguyễn Thế Quang là trường hợp đặc biệt khi ông xuất thân là nhà giáo, lại ở tỉnh, nhưng đến tuổi “thất thập cổ lai hy” ông đã vụt sáng trên văn đàn, với những tác phẩm đặc sắc đến với độc giả khắp mọi miền. Chỉ trong thời gian ngắn, ông liên tục ra mắt 4 tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, 4 tác phẩm này đều được vinh danh ở những giải thưởng uy tín trong nước lẫn khu vực.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang
Nhà văn Nguyễn Thế Quang

 Duyên nợ với Nguyễn Du

Hành trình văn chương của nhà văn Nguyễn Thế Quang bắt đầu từ năm 2010 với tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du. Ngay từ lần đầu xuất hiện, lập tức tác phẩm đã mang về cho ông giải A giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010) của UBND tỉnh Nghệ An. Sau 2 năm, tác phẩm được tái bản, và vào năm 2015, tiểu thuyết Nguyễn Du tiếp tục được NXB Trẻ tái bản để giới thiệu đến đông đảo bạn đọc. Đến với văn chương khi đã xấp xỉ 70, nhưng nhà văn Nguyễn Thế Quang nói rằng, muộn còn hơn không. Ông bảo, nhờ 40 năm đi dạy, bình giảng bao nhiêu cái hay cái đẹp của các nhà văn giúp ông hiểu sâu hơn về văn chương. “Nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại có thể viết tiểu thuyết về 4 nhân vật lớn trong lịch sử. Đó chính là nhờ quá trình tích lũy ấy”, nhà văn Nguyễn Thế Quang bộc bạch.

Sau tiểu thuyết Nguyễn Du, vào năm 2013, nhà văn Nguyễn Thế Quang ra mắt tác phẩm thứ hai: Khúc hát những dòng sông, do NXB Hội Nhà văn ấn hành (được NXB Trẻ tái bản vào năm 2020). Tiểu thuyết là một nỗ lực của ông nhằm tái hiện con người và cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong hoàn cảnh không có nhiều tư liệu. Một tác phẩm đáng kể nữa là Đường về Thăng Long, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành vào năm 2019. Thông qua tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã khắc họa nên chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là sự phát triển cao hơn vấn đề quyền lực và trí thức, khẳng định vai trò và khả năng lớn lao của trí thức mà ông đã viết trong hơn 3 năm.

Nhưng có lẽ, sau tiểu thuyết Nguyễn Du thì Thông reo Ngàn Hống (NXB Trẻ năm 2015, tái bản năm 2018) mới là tác phẩm tiếp theo làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Tiểu thuyết tái hiện chân dung Nguyễn Công Trứ cùng vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ trước sự hưng vong của đất nước. Đầu năm 2016, cùng với tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh, Thông reo Ngàn Hống đã vượt qua 65 tác phẩm văn xuôi (trong tổng số 176 tác phẩm được đề cử) để nhận giải thưởng văn xuôi năm 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó không lâu, tác phẩm này nhận thêm giải thưởng Văn học ASEAN 2016.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi đó, đánh giá: “Người đọc cảm thấy như ông khóc cười cùng nhân vật. Vì thế mà ông làm cho những nhân vật lịch sử cùng với thời đại của họ hiện lên như mới hôm qua. Đấy chính là nền tảng cơ bản nhất của tác giả Nguyễn Thế Quang để ông thành công trong thể loại văn xuôi này”.

Kiên trì với con đường đã chọn

Dẫu khởi hành với văn chương tương đối muộn, nhưng ở nhà văn Nguyễn Thế Quang lại cho thấy đam mê mãnh liệt cùng một thái độ nghiêm túc với văn chương.

Tiểu thuyết Nguyễn Du được nhà văn Nguyễn Thế Quang sáng tác trong 3 năm, từ năm 2007 - 2009. Ngoài đọc hàng ngàn trang sách, các pho sách đồ sộ, có độ tin cậy cao như Đại Nam chính biên liệt truyện hay Đại Nam thực lục, ông còn bỏ công sức và tiền bạc, tự mình đi điền dã, lần theo bước chân thăng trầm của Nguyễn Du. Từ Nghệ An, ông ngược ra Bắc, đến Thái Bình rồi Hà Nội; sau đó ông lại vào Hà Tĩnh rồi Quảng Bình, Huế… “Viết tiểu thuyết lịch sử, nhất là về danh nhân, có người hoàn toàn dựa vào sử liệu và trí tưởng tượng mà không hề đi điền dã. Đó là lựa chọn của họ. Nhưng với tôi, phải đến đó, sống với không khí, cảnh quan mà nhân vật đã từng sống thì những trang viết của mình mới thực sự có hồn”, nhà văn Nguyễn Thế Quang bày tỏ.

Có một điểm chung từ 4 tác phẩm đã ra mắt của nhà văn Nguyễn Thế Quang: hầu hết đều viết về các danh nhân, nhân vật lịch sử. Đó là cách mà ông xác quyết cho “con đường thiên lý” mang tên văn chương của mình, từ lúc cầm bút cho đến sau này. Ông bảo, đó giống như một cuộc khám phá quá khứ để đối thoại với thực tại, và đây là một thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, các nhân vật đó quá lớn và quen thuộc, đã nằm trong tâm thức của mọi người. Chính vì vậy, người viết phải viết làm sao để người đọc không thấy chán, không phải thốt lên “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Ngoài ra, người viết cũng phải dựng cho được nhân vật gần với tầm cỡ của họ.

Bước vào tuổi 79, nhà văn Nguyễn Thế Quang vẫn thể hiện sự minh mẫn cùng niềm đam mê văn chương bất tận. Hiện ông đang tập trung viết về một nhân vật độc đáo, giàu cá tính, đó là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhà văn Nguyễn Thế Quang nói rằng, khi viết tiểu thuyết về danh nhân, phải cố gắng khách quan, nói cả mặt tích cực lẫn mặt hạn chế. Có điều, theo khuynh hướng lẫn mục đích là viết để giáo dục, để tôn sùng cái đẹp, phải bớt lại những mặt trái của nhân vật.

40 năm làm thầy giáo dạy văn ở huyện Thanh Chương, rồi Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An), hầu như năm nào ông cũng dạy về Nguyễn Du qua kiệt tác Truyện Kiều. Phần vì công việc, thêm vào đó là sự kính trọng, cảm phục nên ông đã tìm hiểu nhiều và sâu hơn về Nguyễn Du. Vào năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông viết tiểu thuyết Nguyễn Du với mong muốn truyền đạt, chia sẻ những suy nghĩ về cách hiểu của Đại thi hào đến đồng nghiệp lẫn học sinh của mình..

Tin cùng chuyên mục