Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng

Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được người dân lâu nay biết đến là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Không những vậy, nơi đây còn đang lưu giữ một bộ sưu tập hơn 1.000 loại ốc, sò... của ngư dân đánh bắt tại khắp vùng biển miền Trung, trong đó có những vỏ được đem về từ hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là Hoàng Sa - Trường Sa.

Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 1 Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi vừa tiếp nhận và trưng bày bộ sưu tập hơn 1.000 loài ốc 

Bộ sưu tập quý giá

Những ngày cận tết, ông Nguyễn Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa thông báo với chúng tôi rằng, nhà trưng bày vừa tiếp nhận một bộ sưu tập cực kỳ độc đáo, góp phần thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do một nhà sưu tầm gửi tặng.

Đó là bộ sưu tập của ông Phan Thanh Toại (46 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với hơn 1.000 loại vỏ ốc, sò biển mà ông đã dành 15 năm theo đuổi, nghiên cứu và tìm tòi sưu tầm. Toàn bộ những loại ốc trong bộ sưu tập này được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam, đặc biệt là khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 2 Ông Phan Thanh Toại giới thiệu lai lịch của một vỏ ốc sò đá mà ông may mắn sưu tầm được
Trong 15 năm sưu tầm ốc biển, ông Toại đã rong đuổi khắp các miền biển trên đất nước Việt Nam để tìm được những loại ốc biển đặc biệt. Đối với những loại đặc hữu chỉ xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Toại đặt hàng những ngư dân chuyên đánh bắt ở vùng biển này để đem về cho mình.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 3 1.000 loại ốc là thành quả 15 năm ông Toại dày công sưu tầm, nghiên cứu 
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 4 Để giữ được màu sắc, các vỏ ốc được xử lý ngay khi mới được khai thác lên khỏi biển
Qua 15 năm, đến nay ông Toại đã sưu tầm, tìm hiểu và đã phân loại được hơn 1.000 loại ốc đủ các chủng loại và kích cỡ. Ngoài các loại ốc có ở ven biển, ông còn sưu tầm được những loại ốc biển ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như: ốc kim khôi, anh vũ, ốc mực giấy, sò gai…

Nhận thấy việc bảo quản tại gia đình không được hiệu quả cũng như muốn chia sẻ với mọi người biết rằng, vùng biển Việt Nam rất phong phú chủng loại nên ông đã liên hệ hiến tặng bộ sưu tập của mình đến Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Nâng cao nhận thức về chủ quyền với thế hệ trẻ

Theo ông Nguyễn Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, việc người dân ra khơi bám biển, khai thác được những mẫu vật trong bộ sưu tập này là minh chứng khẳng định chủ quyền và sự thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, bộ sưu tập cũng khẳng định sự phong phú của các loài thủy, hải sản của Việt Nam, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa.

Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 5 Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu về một vỏ ốc
Ông Nguyễn Tiến Công cho biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đang lưu giữ bộ sưu tập với khoảng 1.000 loại vỏ ốc, sò, hóa thạch ốc... Do chưa sắp xếp kịp không gian, hiện chỉ có khoảng 60% - 65% bộ sưu tập ốc được trưng bày, còn lại vẫn đang được lưu kho chờ xử lý, phân loại.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 6 Những mẫu vật được đưa ra triển lãm
Trong bộ sưu tập được trưng bày tại đây còn có vỏ ốc hoa của nhân chứng Phạm Khôi và vỏ ốc tù và bông của nhân chứng Lê Châu. Cả hai mẫu vật này đều được mang về từ quần đảo Hoàng Sa và được trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa, sau này Nhà trưng bày Hoàng Sa tiếp nhận và lưu giữ.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 7 Vỏ ốc hoa do ông Phạm Khôi  (nhân chứng Hoàng Sa) sưu tầm được Nhà trưng bày Hoàng Sa lưu giữ
Bộ sưu tập ốc không chỉ có ý nghĩa chủ quyền hợp pháp của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà còn cho thế hệ sau biết đến sự đa dạng sinh học tại vùng biển miền Trung. Việt Nam hiện chưa có nhiều chuyên gia nghiên cứu về ốc biển nên công tác phân loại, đánh giá, phân tích mẫu vật vẫn còn nhiều khó khăn.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 8 Nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu tác phẩm sắp đặt "Non nước Việt Nam" bằng vỏ ốc và các hóa thạch với một sinh viên đến thăm quan
Dẫu vậy, nhờ tập hợp được bộ sưu tập vỏ ốc phong phú về chủng loài, ông Nguyễn Tiến Công hy vọng bộ sưu tập ốc tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, bên cạnh ý nghĩa chủ quyền, còn mang ý nghĩa về mặt nghiên cứu sinh học, để lại kho lưu trữ thông tin hữu ích phục vụ công tác nghiên cứu sau này.
Những vỏ ốc từ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Đà Nẵng ảnh 9
Đại diện Nhà trưng bày Hoàng Sa mong muốn, song song với việc trưng bày tư liệu truyền thống gồm các bản đồ, kỷ vật, hình ảnh… việc các mẫu vật sinh động này sẽ là một hướng tiếp cận mới cho các học sinh nhỏ tuổi. Phương hướng trong thời gian đến của Nhà trưng bày Hoàng Sa là tiếp tục thu hút nhóm khách trẻ tuổi, nâng cao nhận thức của thế hệ kế cận về vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Tin cùng chuyên mục