Những vi phạm của VIMEDIMEX cần phải làm sáng tỏ

Những ngày gần đây, Báo SGGP liên tiếp nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh về việc Công ty cổ phần Y dược phẩm VIMEDIMEX  ngưng chi trả tiền cho các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào Tòa nhà văn phòng Citilight Tower (tòa nhà Citilight) tại 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1 (TPHCM). 

Ngoài ra, bạn đọc còn phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIMEDIMEX, ngang nhiên ra quyết định thành lập ban quản trị mới của tòa nhà mà không xin ý kiến của các nhà đầu tư. 

Chúng tôi đã liên hệ lãnh đạo công ty để mong làm rõ vụ việc. Ngày 15-1-2020, bà Phạm Thị Sen, quyền Tổng Giám đốc VIMEDIMEX, gửi văn bản cho biết sẽ trả lời báo chí sau 30 ngày. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi không hề nhận được sự phản hồi nào của lãnh đạo VIMEDIMEX. 

Từ việc xóa bỏ ban quản trị tòa nhà Citilight

Dự án Tòa nhà Citilight do Công ty Xuất nhập khẩu y tế  II (nay là Công ty cổ phần Y dược phẩm VIMEDIMEX) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn tự có 30% của công ty và 70% vốn huy động các cổ đông bên ngoài (do VIMEDIMEX kêu gọi góp vốn).

Dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2007. Ngày 27-6-2012, hội nghị nhà đầu tư tòa nhà được tổ chức và bầu ra ban quản trị tòa nhà nhiệm kỳ 2012-2015. Ngày 23-7-2012, Công ty VIMEDIMEX phê chuẩn quy chế hoạt động của ban quản trị tòa nhà Citilight. Sau khi hết nhiệm kỳ đầu tiên, hội nghị nhà đầu tư tòa nhà tiếp tục bầu ra ban quản trị nhiệm kỳ 2015-2018.

Ngày 18-9-2019, do chưa tổ chức được hội nghị nhà đầu tư tòa nhà nên VIMEDIMEX đã gửi thông báo đến các nhà đầu tư duy trì ban quản trị cũ nhiệm kỳ 2015-2018 đến năm 2021. Vậy mà, đến ngày 7-12-2019, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT VIMEDIMEX, ban hành quyết định thành lập ban quản trị mới thay thế ban quản trị nhiệm kỳ 2015-2018.

Điều đáng nói, ban quản trị mới đều do người của VIMEDIMEX nắm giữ, trong khi đó về mặt luật, đến thời điểm hiện nay, công ty này chỉ tham gia góp vốn 30% diện tích tòa nhà.

Đến việc ngang nhiên tạm dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư

Không chỉ ngang nhiên bãi bỏ ban quản trị tòa nhà Citilight, cũng trong ngày 7-12-2019, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT VIMEDIMEX, cũng ban hành văn bản về việc tạm dừng chi trả tiền thuê và các lợi tức có liên quan đến khai thác tòa nhà Citilight. 

Theo chúng tôi được biết, từ năm 2003, khi thực hiện dự án xây dựng tòa nhà Citilight, do thiếu vốn nên VIMEDIMEX kêu gọi hợp tác đầu tư, và đã có 68 nhà đầu tư tham gia với diện tích vốn góp 70%. Các nhà đầu tư đều ký hợp đồng góp vốn xây dựng với VIMEDIMEX.

Năm 2007, sau khi hoàn tất xây dựng, 25 nhà đầu tư có nhu cầu nhận diện tích đã được VIMEDIMEX bàn giao mặt bằng. 43 nhà đầu tư còn lại không nhận diện tích cụ thể. Tất cả các nhà đầu tư sau đó đã ký hợp đồng ủy quyền khai thác tòa nhà với VIMEDIMEX. Trong hợp đồng, ngoài việc ấn định giá thuê còn có điều khoản thanh toán tiền theo tháng hoặc quý. Không hiểu vì lý do gì, vào tháng 12-2019, VIMEDIMEX dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hiền, người đầu tư hơn 100m2 tại tòa nhà Citilight, bức xúc: “Với diện tích trên, theo hợp đồng hàng tháng, VIMEDIMEX trả cho tôi 35 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, tôi cũng như các nhà đầu tư đều nộp thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân cho Chi cục Thuế  quận 1 và gửi toàn bộ chứng từ về VIMEDIMEX. Việc hợp tác thỏa thuận này được thực hiện hơn 12 năm nay. Tuy nhiên, 4 tháng nay VIMEDIMEX không hề chuyển tiền cho tôi”.

Còn theo ông Nguyễn Thành Đồng, thành viên ban quản trị tòa nhà, nếu đúng hợp đồng, ngày 25-1-2020, VIMEDIMEX phải chuyển cho ông hơn 108 triệu đồng tiền thuê quý 1-2020. Tuy nhiên, đến nay ông chưa nhận được tiền, trong khi đó, hàng tháng VIMEDIMEX vẫn đều đặn thu tiền của khách đang thuê. Rõ ràng VIMEDIMEX đã vi phạm hợp đồng và đang chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. 

Bà Lâm Thị Thu Hằng, cựu cán bộ Cục Thuế TPHCM, người đầu tư 120m2 tại Citilight cho biết, khi biết VIMEDIMEX tạm ngưng chi trả tiền, bà và một số nhà đầu tư đã lên gặp ban lãnh đạo VIMEDIMEX để tìm hiểu ngọn ngành, yêu cầu VIMEDIMEX phải trả tiền.

Lãnh đạo VIMEDIMEX trốn tránh trách nhiệm, chỉ cử nhân viên ra tiếp để “ghi nhận sự việc”. Theo bà Hằng, việc VIMEDIMEX ngưng chi trả tiền không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong quý - tức là ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước. 

Trước những việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, thậm chí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội của ban lãnh đạo VIMEDIMEX, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ!

Tin cùng chuyên mục