Những trải nghiệm về vật liệu mới

Hội nghị khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới”, do Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức mới đây, đã ghi nhận rất nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng cho Việt Nam.

Cũng từ đây, hình thành các quan hệ trao đổi hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp - viện nghiên cứu để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu thị trường.

Những trải nghiệm về vật liệu mới ảnh 1 GS Munir Nayfeh và PGS-TS Lê Hoài Quốc tìm hiểu sản phẩm sơn từ vỏ trấu
Hội tụ chuyên gia công nghệ

Tại hội thảo, GS Sumio Iijima (Đại học Meijo, Nhật Bản) đã chia sẻ nhiều thông tin mới về công nghệ nano mà ông và các đồng sự trên thế giới đang nghiên cứu. GS Sumio Iijima là nhà khoa học đã phát minh ra vật liệu carbon nanotube ở Nhật Bản năm 1991, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển vật liệu nano không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Ông đã dành 20 năm để chứng minh kích thước của sợi nanotube là 10nm.

Theo nhà khoa học này, sợi carbon nanotube có những tính chất “thần kỳ” như độ cứng cao, dẫn nhiệt, dẫn điện... nên có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: pin thứ cấp, transistor (linh kiện bán dẫn), thiết bị y khoa điều trị ung thư. Hiện nay, ông đã nghiên cứu thành công sợi nano được làm từ pseudoboehmite, vốn có nhiều trong các mỏ quặng bauxite.

“Tôi biết Việt Nam là quốc gia có trữ lượng bauxite đứng thứ 3 thế giới. Đây là nguồn nguyên liệu quý giá để phát triển nanotube, ứng dụng vào những ngành chế tạo công nghệ cao”, GS Iijima nói, đồng thời cho biết cần có nhiều công nghệ, kết cấu khác nhau để tăng độ bền của nanotube, đây là hướng đi mở với các nhà khoa học Việt Nam. 

Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, vật liệu mới là một trong 4 lĩnh vực đơn vị này đang chú trọng. Từ những thành tựu mới nhất về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, vật liệu nano được trình diễn, SHTP hy vọng sẽ có thêm cơ hội kết nối, hợp tác và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nano.

GS Munir Nayfeh (Đại học Illinois, Mỹ) là “khách quen” trong các hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Ông là nhà khoa học đã phát minh ra vật liệu nano silicon có tính chất phát quang, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh học và trị liệu ung thư.

GS Nayfeh cho biết: “Thế giới nano có kích thước từ 1nm đến 100nm. Nano không chỉ được dùng trong nhiều lĩnh vực như quần áo, vật liệu, linh kiện, vũ trụ hàng không… mà còn xuất hiện trong nhiều sản phẩm trong y khoa, thiết bị thông minh. Nhờ kích thước nhỏ, “thuốc nano” sẽ tìm và diệt tế bào ung thư”. 

TS Dương Minh Hải (Đại học Quốc gia Singapore) trong chuyến “về quê” lần này đã mang theo công nghệ vật liệu mới với tên gọi dân dã là “miếng nhựa” (Aerogels), được sản xuất từ nguyên liệu là rác thải công nghiệp. Với 99% là không khí, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp nên dùng vật liệu Aerogels để sản xuất hàng tiêu dùng, chăm sóc cá nhân, y tế, phòng độc, áo giữ nhiệt/vật liệu cách nhiệt - cách âm, lọc bụi... Khi nén Aerogels và đưa vào bao tử, vật liệu này sẽ nở ra dùng để rửa ruột và các tế bào chết trên thành trong ruột, nhằm ngăn chặn xuất huyết.

Ứng dụng đa lĩnh vực

Đến từ doanh nghiệp trong nước, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Công ty Sơn Kova, “chào hàng”  dòng sơn có nguồn gốc từ vỏ trấu. Theo bà, ban đầu Kova sản xuất sơn bằng nguyên liệu nhập, nhưng gần đây sơn của hãng được sản xuất từ trấu, sử dụng công nghệ nano vô cơ nên có khả năng chống mốc, rêu tảo và giá cũng rẻ hơn, dễ cạnh tranh.

Ở Singapore, theo lời bà Hòe, Kova đã sơn một bức tường bằng sản phẩm của mình cách đây 10 năm, đến nay bức tường vẫn chưa bị rong rêu. Kova đã sản xuất thành công loại sơn chống lửa đặc biệt, có thể chịu nhiệt 670oC. Sản phẩm này được sử dụng nhiều ở Malaysia, Singapore… Đặc biệt, kỹ sư của công ty đã nghiên cứu và sản xuất sơn chống đạn với chứng minh: cùng với lực tác động từ viên đạn nhưng áo 2 lớp đã bị xuyên thủng, còn chiếc áo cùng chất liệu với 1 lớp nhưng có sử dụng sơn chống đạn đã không bị xuyên thủng. “Ấn Độ, Mỹ, Nga... thích loại sơn này, nhưng nếu sản xuất ở Nga phải chuyển vật liệu từ Việt Nam sang vì ở họ không có trấu”, bà Hòe thông tin. 

TS Đặng Mậu Chiến, Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano - Đại học Quốc gia TPHCM, cũng nói về vật liệu mới. Đó là điện từ bùn thải và phân thải của tôm theo công thức tuần hoàn năng lượng: bùn sinh ra điện, điện lại chạy cho các thiết bị nuôi tôm, tôm cho chất thải…; chất thải làm phân để trồng trọt và chất thải được trộn với trấu sau đó sấy khô để làm ra phân bón.

Theo TS Đặng Mậu Chiến, dự án hiện nhận được sự tài trợ của Chính phủ Việt Nam và Tổ chức JICA (Nhật Bản). Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu triển khai của SHTP cho biết, gần đây cũng đã nghiên cứu thành công một số sản phẩm vật liệu nano như nanocurumin (sản xuất thực phẩm chức năng), nano bạc, nano vàng kim tự tháp (sản xuất các sản phẩm chăm sóc da); viên chống nắng nano, băng dán vết thương từ tế bào gốc nhung hươu và Nanocellulose. Hiện trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu nano từ hạt tiêu, dó bầu, để ứng dụng vào sản xuất thực phẩm chức năng, trà túi lọc,…

Tại hội thảo, các viện trường, doanh nghiệp cũng trình diễn các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này, như: cảm biến quang tử nano và điện sinh hóa cho chẩn đoán y sinh, chế tạo dung dịch keo hạt nano bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma Cobalt - 60, vật liệu và công nghệ bán dẫn dành cho phương pháp trị liệu ứng dụng Bionano…

Tin cùng chuyên mục