Những tồn tại ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM: Lãng phí...

Trên mặt bằng chung, nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao là một trong những lĩnh vực nghệ thuật được đầu tư khá lớn để phát triển song hành cùng các thể loại âm nhạc khác, các lĩnh vực nghệ thuật khác, là nhịp cầu giao lưu, phát triển và hội nhập cùng văn hóa thế giới. Trong khi đang cần sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, tìm thêm sàn diễn để thu hút khán giả thì nội bộ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM có những lục đục, gút mắc, tồn tại và những vi phạm chưa được quan tâm giải quyết rốt ráo.
Những tồn tại ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM: Lãng phí...

Trên mặt bằng chung, nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao là một trong những lĩnh vực nghệ thuật được đầu tư khá lớn để phát triển song hành cùng các thể loại âm nhạc khác, các lĩnh vực nghệ thuật khác, là nhịp cầu giao lưu, phát triển và hội nhập cùng văn hóa thế giới. Trong khi đang cần sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, tìm thêm sàn diễn để thu hút khán giả thì nội bộ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM có những lục đục, gút mắc, tồn tại và những vi phạm chưa được quan tâm giải quyết rốt ráo.

Ngọc trai đỏ - một chương trình hiếm hoi quảng bá những tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

Ngọc trai đỏ - một chương trình hiếm hoi quảng bá những tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

  • Từ mặt bằng đến nhạc cụ

Bài viết đăng trên Báo SGGP ngày 8-7 đã thông tin đến độc giả về một số dấu hiệu vi phạm của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM. Theo điều tra sâu hơn, hiện tại Nhà hát Nhân Dân là địa điểm tập luyện, biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch chỉ có duy nhất hoạt động của quán bán nước, kinh doanh theo dạng căn tin nhà hát, ai muốn giải khát thì cứ chạy xe thẳng vào bên trong khuôn viên nhà hát, dựng xe trước cửa chính rồi chọn ghế ngồi nhâm nhi ly nước.

Một người dân sống khu vực này cho biết: “Hồi trước còn có mấy chương trình biểu diễn ca nhạc tạp kỹ, cải lương để bà con mình vô coi, chứ 2-3 năm nay nhà hát đóng cửa im ỉm, vắng tanh”.

Nhìn cảnh đìu hiu của một nhà hát khá lớn mới được sửa chữa nâng cấp khoảng 3 tỷ đồng mà chạnh lòng, càng xót xa thay cho sự lãng phí tiền tỷ của Nhà nước, sửa chữa rồi bỏ không, thật khó chấp nhận trong tình hình xã hội hiện nay vốn đang cần tiết kiệm.

Nhà hát Nhân Dân bỏ không sau khi đã chi khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa.

Nhà hát Nhân Dân bỏ không sau khi đã chi khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa.

Nói chuyện tiền tỷ lại nhớ vụ việc mua dàn nhạc cụ hơn 47 tỷ đồng (khoảng hơn 2 triệu USD vào thời điểm năm 2009). Ngay khi có thông tin Nhà nước đầu tư mua về cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM dàn nhạc cụ hàng triệu USD đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều vì trị giá của lô hàng này quá lớn!

Với anh em nghệ sĩ của nhà hát, đó là sự vui mừng, hạnh phúc, vì được đầu tư đúng niềm mong ước để phát triển nâng cao tay nghề, hỗ trợ cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhà hát. Tuy nhiên, theo nhiều người, việc đầu tư một lô nhạc cụ với giá trị lớn như thế trong khi chưa có nơi biểu diễn và tập luyện ổn định, chưa có kho chứa và bảo quản nhạc cụ đúng chuẩn quốc tế… là kiểu “vung tay quá trán”!

Trên thực tế, hai cây đàn piano lớn đã phải chia ra để ở Nhà hát thành phố một cái và một cái chứa trong kho ở rạp Thanh Vân. Bên cạnh việc giao nhạc cụ cho các nghệ sĩ tự bảo quản, hiện tại còn đến 6 chiếc đàn piano đứng nằm trong kho mà chưa hề sử dụng đến.

Chưa kể, chuyện mua sắm dàn nhạc cụ này còn có những nghi vấn về nơi xuất xứ, giá cả và chất lượng nhạc cụ. Trong bài phản ánh trước, chúng tôi đã thông tin nhạc cụ Tam Tam (một loại nhạc cụ giống cồng chiêng Việt Nam nhưng rất lớn, dùng trong dàn nhạc giao hưởng) có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trong bảng giá lại ghi nơi sản xuất ở Hà Lan (châu Âu).

Một khi đã có sự kê khai sai lệch như thế trong việc mua lô hàng nhạc cụ có giá trị lớn thì không thể thoát khỏi sự ngờ vực của những người quan tâm đến sự việc này. Liệu có bao nhiêu nhạc cụ trong lô hàng nhập nhằng giữa hàng châu Âu và hàng Trung Quốc dẫn đến việc chênh lệch về giá cả, chất lượng? Chỉ có thanh tra toàn diện vụ việc này mới rõ ràng hoặc có tiêu cực hoặc có sự hiểu lầm.

  • Uẩn khúc trong các hợp đồng sáng tác

Theo tài liệu chúng tôi có được, nội bộ ban giám đốc nhà hát có những nhập nhằng, uẩn khúc trong các khoản thu chi cho những hợp đồng ký kết mang ý nghĩa đầu tư sáng tác các tác phẩm trong nhiều năm trước. Một số “hợp đồng trách nhiệm” về việc xây dựng tiết mục múa cho nhà hát đã được ký, chi trả tiền thật nhưng lại không có tác phẩm nào ra đời, trong đó có vở vũ kịch “Sài Gòn”, vũ kịch “Hoa dừa đỏ”.

Đặc biệt, ngạc nhiên và bất ngờ nhất phải kể đến các “hợp đồng trách nhiệm” biên đạo và dàn dựng vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” được nhà hát ký kết thực hiện đến 2 lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Vào tháng 2-2006, vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” (số tiền tác quyền là 180 triệu đồng) đã lập biên bản thanh lý hợp đồng vào tháng 12-2006, dù không hề có tác phẩm.

Ngay sau đó, đầu tháng 1-2007, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch là NS Võ Đăng Tín lại ban hành quyết định về việc đầu tư tác phẩm mới năm 2007 – dựng vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” với kinh phí 250 triệu đồng.

Câu chuyện của vở vũ kịch “đặc biệt” này chưa dừng ở đây, vì theo điều tra của phóng viên, vào ngày 4-4-2007, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM cũng đã thực hiện Hợp đồng trách nhiệm số 01/HNSM và ngày 15-8-2007 làm “Hợp đồng đầu tư tác phẩm quỹ hỗ trợ sáng tác” ký với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thỏa thuận về việc thực hiện hợp đồng xây dựng tác phẩm múa “Tiếng đàn thiêng” (gồm tiền biên đạo, dàn dựng, kịch bản sáng tác, làm âm nhạc, bồi dưỡng diễn viên tập luyện, đạo cụ, thuê phục trang biểu diễn…) với chi phí hợp đồng 100 triệu đồng. Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM đã xuất phiếu thu số 218 ngày 30-11-2007 và biên lai thu tiền ghi nhận đã thu số tiền trên làm 2 đợt vào các ngày 9-10-2007, 30-11-2007.

Một tác phẩm lại có đến 3 lần được thực hiện công đoạn làm hợp đồng biên đạo, dàn dựng… trong vòng chỉ 2 năm là một điều lạ. Khi phóng viên hỏi thăm các nghệ sĩ, nhạc sĩ của nhà hát thì không ai biết gì đến vở vũ kịch này. Ngay đến thời điểm này, vở vũ kịch cũng chỉ có trên giấy tờ hợp đồng, phiếu thu chi. Nên chăng cần gọi đúng tên hành vi này là phạm luật? 

* Sở VH-TT-DL vừa tiến hành giải quyết vụ việc vi phạm của Ban giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM đã xảy ra trong một giai đoạn dài và đưa ra một số kết luận cho thấy có những sai phạm rõ ràng.

Trong đó có nội dung: “Việc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM lập chứng từ khống nhằm rút tiền từ ngân sách nhà nước là đúng sự thật” (tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm của một số cá nhân phụ trách chứ không phải của tập thể nhân viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ nhà hát - PV), “Số tiền đầu tư sáng tác từ năm 2003 đến năm 2007 đã được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM thu hồi, tồn tại quỹ là 365.000.000 đồng (ba trăm sáu mươi lăm triệu đồng)”, “Ông Võ Đăng Tín – nguyên giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm chế độ chính sách (chế độ độc hại) của nhà hát đối với nghệ sĩ từ năm 2005 đến 2010”...

* Cũng theo văn bản kết luận của Sở VH-TT-DL, ông Võ Đăng Tín, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM có trình bày: “Tiếng đàn thiêng” đã hoàn thành, tác phẩm đã biểu diễn nhưng thiếu phần nghiệm thu. Trong khi đó, hỏi thông tin về tác phẩm này, anh em nghệ sĩ nhà hát khẳng định tác phẩm âm nhạc viết cho vở vũ kịch “Tiếng đàn thiêng” chưa hề xuất hiện thì lấy đâu ra tác phẩm để biểu diễn!

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục