Những toa thuốc nối dài sự sống

Rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư phải bỏ dở quá trình điều trị vì không có tiền cho các toa thuốc hóa trị, xạ trị có giá khá cao. Giúp đỡ người bệnh trong hoàn cảnh khó khăn ấy, nhiều nhóm thiện nguyện tại TPHCM đã liên lạc với y, bác sĩ Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM để hỗ trợ chi phí mua thuốc cho bệnh nhân. Việc làm ý nghĩa này giúp bệnh nhân có thêm niềm tin, ý chí và lạc quan chữa trị, nối tiếp sự sống.
Bà Phạm Thị Hương (thứ hai từ phải sang) và nhóm thiện nguyện trao toa thuốc đến các bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM
Bà Phạm Thị Hương (thứ hai từ phải sang) và nhóm thiện nguyện trao toa thuốc đến các bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Tiếp sức điều trị

Một ngày đầu tháng 3, bà Phạm Thị Hương (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nhận được điện thoại của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại phụ khoa BV Ung bướu TPHCM. Bác sĩ Tiến thông báo có 6 bệnh nhân hoàn cảnh quá khó khăn, bệnh đang rất nặng cần được hỗ trợ. 2 giờ sau, bà Hương cùng vài người trong nhóm thiện nguyện đã có mặt ở BV để trao tặng chi phí thuốc men cho người bệnh. Lần hỗ trợ này không nằm trong kế hoạch hàng năm của nhóm bà Hương, nhưng khi đột xuất có bệnh nhân cần trợ giúp, bà lại mở lòng, trích khoản tiền dành dụm của riêng mình và kêu gọi bạn bè thân quen. 

Trong 6 người được nhận toa thuốc đợt này có bà N.T.H., ngụ tỉnh Bình Phước. Bà H. mang khối u trong cơ thể nhưng vì không có tiền nên đành chịu đựng nhiều năm qua. Nay khối u quá to, bà được hàng xóm đưa đến BV. Tuy nhiên, khám xong, không có tiền nộp viện phí, bà H. đành xin trở về quê. Thấy hoàn cảnh bà H. cùng các bệnh nhân khác quá khó khăn, bác sĩ Tiến gọi điện mở lời nhờ nhóm bà Hương giúp đỡ. Chỉ vài giờ sau, nhận được thông báo toa thuốc xạ trị đã có người thanh toán giúp, bà H. cứ nghĩ mình đang nằm mơ. “Cô ấy đến và báo với tôi đã có toa thuốc, hãy an tâm điều trị. Tôi chỉ biết khóc và nói lời cảm ơn mà thôi!”, bà H. nghẹn ngào lau nước mắt. 

Tặng chi phí toa thuốc xạ trị (mỗi toa 3-5 triệu đồng) cho bệnh nhân mắc ung thư là một trong những việc ý nghĩa mà nhóm bà Phạm Thị Hương làm gần 7 năm qua. Thông thường, bà và các nhà hảo tâm trong nhóm đến BV trao tặng toa thuốc vào dịp cuối năm hoặc vào tháng 7 âm lịch, nhưng cũng có những lúc đột xuất như lần này, khi có người bệnh cần giúp đỡ gấp.  

Việc có ích thì làm

“Trước đây, chúng tôi thường đến các BV để tặng quà, tiền. Mỗi người được tặng vài trăm ngàn đồng, chỉ giúp họ mua thức ăn hàng ngày. Nhưng một lần gặp bác sĩ Tiến, chúng tôi nghe câu chuyện về những bệnh nhân ung thư không tiền điều trị, phải bỏ viện về quê. Từ gợi ý của bác sĩ Tiến, sau đó, thay vì tặng quà, chúng tôi đã chuyển sang tặng toa thuốc xạ trị để giúp bệnh nhân có thêm cơ hội sống”, bà Hương tâm sự.

Ban đầu, chỉ có bà Hương và con cháu trong nhà gom góp để hỗ trợ bệnh nhân. Về sau, thấy việc làm có ý nghĩa thiết thực, bạn bè xa gần cùng các nhà hảo tâm khác góp thêm mỗi người một chút. Nhờ đó, bà có thêm nguồn quỹ “dự phòng” để khi có người cần là có thể hỗ trợ ngay. Chia sẻ về việc làm có ích cho nhiều bệnh nhân, bà Hương chỉ nói “thấy việc có ý nghĩa thì làm”. Giúp được người khác trong lúc bệnh tật, ngặt nghèo, bà cảm thấy rất hạnh phúc. Rồi cứ thế, bà Hương duy trì việc làm này nhiều năm qua. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại phụ khoa BV Ung bướu TPHCM, mỗi năm các nhóm thiện nguyện đóng góp khoảng 1 tỷ đồng cho việc hỗ trợ toa thuốc giúp người bệnh khó khăn tại BV. Chi phí này không trao trực tiếp cho bệnh nhân mà sẽ thanh toán thay cho người bệnh. “Nhiều bệnh nhân khi nhận giấy báo đã được đóng tạm ứng xạ trị thì mừng lắm. Trước đó, họ lo lắng, xin xuất viện về nhà vì tiền nong đã cạn. Nay thì an tâm tập trung lo sức khỏe bản thân”, bác sĩ Tiến thông tin. Hàng ngày, chứng kiến cảnh bệnh nhân vì thiếu tiền mà bỏ việc điều trị, bác sĩ Tiến luôn trăn trở.

Khi kết nối được với các nhà hảo tâm, rồi từng toa thuốc được trao đến tay người bệnh, bác sĩ Tiến thấy nhẹ lòng. “Mỗi toa điều trị tốn nhiều tiền và kéo dài, nên khi được hỗ trợ vài toa, người bệnh sẽ cố gắng để có chi phí lo tiếp các toa sau. Chúng tôi thường kêu gọi hỗ trợ đối với những bệnh nhân quá nghèo, với mong muốn nối dài thêm sự sống cho họ”, bác sĩ Tiến bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục