Những thiên thần mắc đọa

Những thiên thần mắc đọa là tên một tùy bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đã rất xúc động khi đọc tùy bút này, nó thực sự chạm vào tâm hồn của những người làm cha mẹ. Và kể từ đó, mỗi khi tình cờ gặp một đứa trẻ tự kỷ, trong tôi lại hiện lên ý nghĩ, mình đang thấy một thiên thần mắc đọa...
Hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ là có những đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường
Hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ là có những đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường
Những đứa trẻ đặc biệt
Một lần tôi bước vào thang máy cơ quan, đột nhiên tôi giật mình vì một cái bóng lướt vào theo, đó là một cậu bé chừng 12-13 tuổi, đứng cao xấp xỉ tôi. Có lẽ lúc chờ thang máy, cậu bé đứng sau lưng mà tôi không biết. Tôi bấm số tầng và hỏi cậu bé muốn lên tầng mấy. Cậu bé im lặng. Đó là một cậu bé có bề ngoài không khác những cậu bé khác. Thang máy chuyển động, cậu bé đứng sát vào tôi, tựa đầu lên vai tôi. Thoáng bất ngờ khiến tôi lúng túng không biết phải phản ứng thế nào. Tôi hỏi: Con là con ai? Vẫn im lặng. Thang máy dừng, tôi bước ra, cậu bé đứng trong thang máy nhìn theo... 
Năm 2013, trong một hội thảo quốc tế về chứng tự kỷ (ASD) của tổ chức phi chính phủ ICare4Autism, các nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về ASD đã chia sẻ với các bậc cha mẹ có con bị ASD: Tuy trẻ em bị ASD có nhiều hạn chế, nhưng các bé vẫn có khả năng làm được nhiều thứ. Chúng ta cần tập trung mạnh hơn vào điều bé “có thể làm” hơn là điều bé “không thể làm!”.
Đừng cố gắng “sửa chữa” bé mà hãy tìm cách hiểu bé và giúp bé phát huy thế mạnh của mình, biến những thứ bé quan tâm trở thành những kỹ năng của riêng bé. Tuy rằng bạn không thể thay đổi gen di truyền của bé, nhưng có rất nhiều thứ khác bạn có thể thay đổi và giúp bé tốt hơn.
Nếu bạn có thể cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc, hoàn toàn thư giãn, không bị tổn thương về thể chất cũng như tâm lý, thì khả năng phát triển theo chiều hướng tích cực của bé sẽ là rất cao. Tình yêu, sự kiên nhẫn và thấu hiểu/đồng cảm với thế giới của bé là những yếu tố không thể thiếu trong suốt quá trình điều trị.
Kể lại câu chuyện cho một đồng nghiệp nghe, cô ấy bảo, đó là con của chị tạp vụ cơ quan. Có lẽ nghỉ hè, không ai coi nên chị ấy đưa đi làm cùng. Thằng bé bị tự kỷ. Lần khác, tôi gặp mẹ cậu bé và kể chị nghe chuyện cậu trong thang máy. Chị tỏ vẻ ngạc nhiên: Lạ quá, thằng bé nhút nhát lắm, chưa bao giờ có hành động như vậy với người lạ. Nó thích chơi thang máy, em đã cấm, nhưng chỉ cần mẹ lơi mắt là nó lại tót vào. Nhưng nó thường chọn lúc không có người để chơi. Rồi chị kể tôi nghe về thằng bé.
“Chắc lỗi do em, hồi sinh bé ra em đang là thợ làm tóc, em thuê một căn nhà nhỏ có cái gác xép để vừa làm tiệm, vừa sinh sống. Công việc bận rộn cả ngày, em thường bỏ con một mình trên gác, đến giờ ăn thì lên cho ăn, còn con thì tự chơi. Khi bé lớn một chút, em thảy cho con cái iPad và thế là xong. Rồi thằng bé có biểu hiện lạ, không thích nói chuyện, tiếp xúc với ai, tính cộc, dễ la hét khi bị phật ý...".
Tôi nhớ lại hình ảnh lúc gặp cậu bé. Một chút gì đó nhẹ nhàng, tình cảm, ánh mắt cậu bé nhìn theo tôi - ánh mắt của một thiên thần mắc đọa.
Cách đây khoảng chục năm, tôi gặp và phỏng vấn một đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng. Có lẽ, cho đến nay, anh vẫn là người chiếm kỷ lục về làm các chương trình ca nhạc, phim cổ tích dành cho thiếu nhi ở nước ta. Khi tôi hỏi anh một câu: Nguyên nhân vì đâu anh chọn đối tượng thiếu nhi để làm các chương trình?
Thoáng im lặng, rồi anh cười nói rất nhẹ: “Tôi làm vì con tôi. Cháu là đứa trẻ bị tự kỷ. Mỗi một chương trình làm xong, tôi đều mang về cho cháu xem trước. Việc cháu thích thú, say mê coi khiến tôi hạnh phúc. Mỗi khi bắt tay vào một chương trình mới, tôi lại nghĩ đến con, lại tự hỏi, nếu là con, con có thích chương trình này không? Và tôi lại cố gắng sáng tạo, chỉ mong muốn được thấy con cười!”.
Tâm sự của anh khiến tôi xúc động. Từ đó, mỗi lần thấy chương trình có tên anh làm đạo diễn, tôi lại hình dung ra gương mặt của một thiên thần mắc đọa đang cười thích thú.
Cô ngoài 30, là một nhà báo, đồng thời là nhà văn. Trước đây cô là phóng viên chính thức của một tờ báo, sau đó để có nhiều thời gian cho con hơn, cô đã xin nghỉ làm, trở thành nhà báo tự do và viết văn. Vô tình tôi biết được, cô có đứa con trai bị tự kỷ. Tôi bắt đầu quan tâm đến những bài viết của cô. Đó là những bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nó rất dễ khiến người ta phải rưng rưng. Cô cũng có rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi...
Một ngày, tôi đọc trước những dòng tâm sự của cô về nam diễn viên Quốc Tuấn, cô bảo anh là idol (thần tượng) của cô. Sự hy sinh cho con của nam diễn viên này khiến cô xúc động. Tôi nhắn tin đề nghị cô hãy viết giúp tôi một bài báo nhỏ về chủ đề này, vì cô là người trong cuộc. Cô nhận lời và viết chỉ trong vòng 30 phút.
Cô viết: Cho tới giờ, tôi vẫn bên những hành lang lớp học đặc biệt của con mình. Thời gian không thể tính bằng ngày bằng tháng, mà tính bằng những mùa mưa. Mùa mưa này, đã là năm thứ 5 theo con và cũng chẳng biết tới bao giờ hành trình ấy kết thúc. Chỉ biết tin ở ngày mai, khi sau mỗi mùa mưa, con lại tiến bộ hơn trước… Khi con bạn là đứa trẻ đặc biệt… thì chẳng có cách nào khác, đồng hành cùng đứa trẻ đặc biệt ấy và tin vào ngày mai. Bởi chắc rằng, nếu bạn không tin ở ngày mai thì chẳng có sức mạnh nào có thể khiến bạn đồng hành cùng con mình đi tới hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi
Rồi con gái đang học lớp một của tôi có một bạn cùng lớp cũng mắc chứng tự kỷ. Tôi thường gặp ba của cháu bé mỗi lần đưa đón con đi học. Đó là một người đàn ông còn trẻ có gương mặt thân thiện và cởi mở. Hành động dịu dàng của anh đối với con không phải người cha, người mẹ nào cũng làm được. Cô chủ nhiệm lớp con tôi nói, cô bé ấy mắc “bệnh” không tập trung. Trong giờ học, bé cứ đi lòng vòng trong lớp, hoặc tự ý ra ngoài, cô nói không nghe...
Rồi cũng có một số phụ huynh phản ứng, họ cho rằng đứa nhỏ làm ảnh hưởng tới các bạn, điểm thi đua của lớp sẽ bị hạ... Anh nghe được, lặng lẽ gặp từng phụ huynh thuyết phục và mong sự thông cảm. Hơn ai hết, anh biết con anh sẽ tiến bộ nếu được hòa nhập cùng những đứa trẻ bình thường khác. 
Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ bị tự kỷ. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Trong 10 năm gần đây, số trẻ tự kỷ đến khám để được xác nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương không phải tăng với con số 10, 20 lần mà 26, thậm chí hàng trăm lần tùy từng giai đoạn, một phó giáo sư thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết.
Hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ đôi khi thật giản đơn, đó là có được những đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường. Với những người có con bị tự kỷ, đó là cả một khao khát. Khao khát “con được người đời yêu thương như một đứa trẻ bình thường”, như cái kết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ví nụ cười của một người mẹ có con tự kỷ: “Mặt trời cũng rạng rỡ cỡ vậy, là cùng…”

Tin cùng chuyên mục