Những nhân chứng cuối cùng - tiếng vọng từ quá khứ


Nhà văn, nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich (sinh năm 1948) là chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2015. Vào thời điểm đó, việc bà nhận giải thưởng danh giá dành cho văn chương đã tạo nên dư luận trái chiều.
Những nhân chứng cuối cùng - tiếng vọng từ quá khứ

Bởi những tác phẩm của Svetlana Alexievich thuộc thể loại phi hư cấu, thiên về báo chí nhiều hơn so với những tác phẩm thuần văn chương như truyền thống của giải Nobel. 

Tuy nhiên, với những tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam như: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Lời nguyện cầu từ Chernobyl và mới đây là Những nhân chứng cuối cùng (Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ ấn hành), Alexievich đã cho thấy sức hấp dẫn từ những tác phẩm của mình không kém những tác phẩm hư cấu. Thậm chí, bà còn đưa đến những luồng cảm xúc thực sự mãnh liệt, vừa chân thực vừa nóng hổi qua các tác phẩm.

Dường như với Svetlana Alexievich, chiến tranh là một đề tài đầy ám ảnh, cần phải nhắc nhớ. Bởi lẽ, nếu không được nhắc nhớ, chắc chắn rồi có những con người, những câu chuyện sẽ chìm dần vào quên lãng. Một quá khứ nào đó sẽ bị xóa trắng và biết đâu khi đó một sai lầm lại tái diễn trong tương lai. Bởi vậy, sau Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, bà tiếp tục trở lại với đề tài này bằng tác phẩm Những nhân chứng cuối cùng. Cả 2 tác phẩm đều cho thấy sự cất công cũng như nỗ lực của Alexievich trong việc gặp gỡ những nhân chứng sống của chiến tranh. 

Trong Những nhân chứng cuối cùng, nhà văn Svetlana Alexievich đã ghi lại lời kể của những nhân vật trẻ em, cũng chính là nạn nhân trong thời Chiến tranh Vệ quốc (1941 - 1945), khi họ đã trưởng thành. Vào thời điểm năm 1941, lúc chiến tranh bắt đầu nổ ra, những đứa trẻ mới chỉ độ 4, 5 đến 12 tuổi. Có hàng trăm đứa trẻ như vậy trong câu chuyện này. Vasya Kharevski, cậu bé 4 tuổi năm nào nay đã là kiến trúc sư nhưng ký ức về cuộc chiến thì vẫn còn ám ảnh khôn nguôi. Sau này, Vasya Kharevski tâm sự: “Chiến tranh - đó là cuốn sách giáo khoa lịch sử của tôi. Sự cô đơn của tôi. Tôi đã bỏ mất thời ấu thơ, nó đã rời khỏi đời tôi. Tôi là người không có tuổi thơ, bởi tuổi thơ trong tôi chính là chiến tranh”. 

“Mất tuổi thơ”, đó là điểm chung của hàng trăm đứa trẻ trong cuốn sách Nhân chứng cuối cùng. Không riêng gì Vasya Kharevski, đó còn là Misha Maiyorov, Zhenya Selenya, Inna Levkevich, Marina Karyanova… Lại có những đứa trẻ gia đình ly tán bởi chiến tranh, như trường hợp của Zina Kosyak, để rồi hơn 40 năm sau, khi đã 51 tuổi, có 2 con, nhưng trong lòng vẫn không thôi thổn thúc: “Và tôi vẫn còn muốn mẹ”. Triền miên trong cuốn sách này là những ám ảnh không dứt, đã trở thành vết hằn in đậm trong tâm trí… 

Hơn 100 câu chuyện của những đứa trẻ sống ở Belarus - nước đầu tiên thuộc Liên Xô (cũ) bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22-6-1941, chính là thông điệp Svetlana Alexievich đặt ra: “Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào”. Khi mà trên thế giới vẫn còn chiến tranh, thì những câu chuyện của các “nhân chứng cuối cùng” này sẽ là bài học chân thực nhất, là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất để phản đối chiến tranh.

Tin cùng chuyên mục