Những người “vác tù và hàng tổng”

Từ sau ngày đất nước thống nhất, tại TPHCM, có những người đã đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ dân phố cho đến nay. Công việc “làm dâu trăm họ” với đủ thứ chuyện trong nhà, ngoài phố mà phụ cấp thì gần như không đủ chi phí xăng xe, điện thoại, nhưng vì cái tình mà họ đã “vác tù và…” gần nửa thế kỷ. 

“Khu phố mà, có khi nào hết chuyện”

 “Anh Ngưu ơi, tôi tính sửa lại cái nhà, thủ tục phức tạp không, anh chỉ tôi nha”, “Bả làm lại CCCD, bữa giờ đợi người ta trả, mà giờ có chút việc cần, phải làm sao hả chú?”… Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Lâm Ngưu, Tổ trưởng Tổ dân phố 37 (khu phố 4, phường 12, quận 11) liên tục bị gián đoạn bởi những công việc ở khu dân cư như vậy. Khi thì điện thoại gọi tới, lúc có người tới tận nhà tìm, với ai, ông Lâm Ngưu cũng ân cần chỉ dẫn cặn kẽ, nhắc họ đem theo những loại giấy gì, tới phường gặp ai để công việc được nhanh gọn. 

Ông Lâm Ngưu cho biết, gần 50 năm nay, ông đã quen với việc hỗ trợ bà con, nên khi có ai hỏi gì, ông đều tạm gác việc riêng để giải đáp, chỉ dẫn. “Người thân hay chọc tôi là người có thâm niên “vác tù và hàng tổng” nhất nhì ở thành phố này. Lúc nào cũng lo việc thiên hạ, ưu tiên việc người ta trước rồi mới lo đến việc của mình. Tánh tôi vậy thì phải chịu, chứ không hồi đó tôi đã né cho rồi, phải không cô?”, ông Lâm Ngưu thật thà tâm sự.

Những người “vác tù và hàng tổng” ảnh 1 Ông Lâm Ngưu trao đổi, chia sẻ, động viên bà con trong tổ dân phố của mình

Ông kể, hồi đó miền Nam vừa được giải phóng ít bữa, bộ đội vào tiếp quản Sài Gòn. Đặc thù địa bàn khu 4, phường Phú Thọ Hòa (nay là khu phố 4, phường 12, quận 11) hơn 80% là người Hoa, trong khi cán bộ tiếp quản lại là người miền Trung. Ngôn ngữ vùng miền gây khó khăn cho hai bên trong giao tiếp. Như có năng khiếu bẩm sinh, ông Lâm Ngưu nghe giọng miền Trung mạch lạc, rõ ràng nên đã đứng ra giúp các bên hiểu nhau. Thấy vậy, cán bộ tiếp quản mời ông tham gia cùng họ hỗ trợ người dân. Lúc đó khoảng tháng 6-1975, ông Lâm Ngưu mới ngoài 20 tuổi, chuyện gì cũng phải làm quen, học hỏi.

Ngày mới giải phóng, ông Lâm Ngưu cũng tính sẽ ra ngoài làm việc này việc kia, nhưng mỗi lần tính vậy, việc của khu phố lại níu chân ông.

“Thời trẻ, tôi cũng muốn bay nhảy đây đó, nhưng thấy bà con xung quanh mình vướng chuyện này, khúc mắc chuyện kia mà không ai đứng ra hỗ trợ được, tôi lại tự dặn mình giúp bà con thêm một thời gian nữa, khi mọi thứ vào guồng, muốn làm gì thì làm. Thế nhưng vấn đề ở khu phố mà, có khi nào hết chuyện. Cứ chuyện này nối tiếp chuyện khác, sau tôi quyết định làm công việc truyền thống của gia đình để có thời gian hỗ trợ bà con”, ông Lâm Ngưu chia sẻ. Với ông, may mắn là khi nghề thủ công mỹ nghệ mây tre lá của gia đình đã giúp ông có kinh tế ổn định và sự chủ động về thời gian để tham gia công tác tại địa phương. 

Không nề hà việc gì

 Ở khu phố 4 (phường 1, quận 3) cũng có bà Nguyễn Thị Chiếm  giữ chức Tổ trưởng Tổ dân phố 38 đến 47 năm. Bà Chiếm tâm sự, vừa học xong phổ thông, còn đang tìm việc thì chị gái bà nhờ làm thay chức tổ trưởng. “Chị tôi chỉ thông báo là đã đề đạt với tổ chức rồi, được mọi người thống nhất. Lúc đó tôi ngây ngô lắm, không hiểu làm tổ trưởng là làm những công việc gì. Mọi người bảo tôi có tấm lòng, hay giúp đỡ người khác nên chắc chắn làm được. Thấy mọi người tin tưởng vậy thì làm, vừa làm vừa học”, bà Chiếm kể cái duyên gắn bà với vị trí tổ trưởng tổ dân phố từ đó đến tận bây giờ.

Những người “vác tù và hàng tổng” ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Chiếm trao đổi, chia sẻ, động viên bà con trong tổ dân phố của mình

Là người chứng kiến cả chặng đường cống hiến của bà Chiếm, bà Lương Thị Thanh Nhàn (ngụ tổ 38, khu phố 4, phường 1, quận 3) nhận xét: “Đúng là bà Chiếm rất hợp với công việc này. Bà ấy từng giữ nhiều chức vụ ở địa phương, như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường; Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch HĐND phường; sau này còn làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 1 đến lúc nghỉ hưu. Ngần ấy năm công tác, trải qua nhiều vị trí như vậy mà bà Chiếm vẫn luôn gắn bó với vai trò tổ trưởng tổ dân phố, một tay bà lo toan, vun vén chuyện của bà con ở đây. Chuyện chung, thậm chí là chuyện riêng, cứ bà con cần là bà ấy có mặt để hỗ trợ”.

Bà Chiếm cho biết thêm, công việc ở tổ dân phố nếu không có gì cấp bách quá, bà thường giải quyết sau giờ làm việc, bởi ban ngày bà tập trung cho những công việc chuyên môn ở đơn vị công tác. “Hồi đó, cứ tối đến là giờ hoạt động của tôi ở tổ dân phố. Bà con thấy vậy nên ban ngày có việc gì gấp gáp lắm mới kiếm, còn lại đều chờ đến tối, có khi làm đến khuya, tôi cũng không nề hà. Ngày nghỉ thì xách giỏ đi xin quà cáp, kinh phí cho người nghèo, xây cầu, làm đường bê tông cho người dân miền Tây. Năng lượng dành cho người dân thì tôi nhiều vô kể”, bà Chiếm nói vui.   

Chỉ về phía cụ bà Nguyễn Thị Diên (80 tuổi) ngồi phía ngoài điểm sinh hoạt cộng đồng khu phố 4, bà Chiếm cho biết, đó là cụ bà neo đơn ở khu phố. Nhiều năm nay, bà Chiếm trở thành người thân của cụ Diên. Mỗi ngày, không thấy bà Chiếm đảo qua nhà, kiểu gì cụ Diên cũng phải ghé điểm sinh hoạt cộng đồng để kiếm, hỏi han chuyện khu phố, chuyện bà con rồi mới an tâm đi về.

Gồng gánh việc của tổ dân phố từ sau ngày giải phóng, hơn nửa đời người vui buồn cùng người dân, cả ông Lâm Ngưu và bà Nguyễn Thị Chiếm đều khẳng định, chưa khi nào thấy mệt mỏi, thấy phiền hà vì việc của thiên hạ. Động lực để họ gắn bó với công việc ở địa phương còn là tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hy sinh cả đời vì dân tộc. Có sự hậu thuẫn từ những động lực to lớn ấy nên lúc nào bà con trong tổ dân phố cũng chỉ biết đến một bà Nguyễn Thị Chiếm hay một ông Lâm Ngưu tổ trưởng tổ dân phố luôn chân luôn tay, mặt tươi rói, đụng việc gì cũng xong.

Tin cùng chuyên mục