Những người thầy “vác tù và” giữa đại dịch

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã trở thành trận chiến cam go nhất của người dân thành phố khi mà biểu đồ hiển thị số ca nhiễm, tử vong đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Giữa muôn vàn khó khăn, mệt mỏi, nhiều nguồn lực cạn kiệt… ấy, tất cả những sẻ chia, chung tay của bất kỳ ai trong nỗ lực để cùng thành phố vượt qua dịch bệnh lúc này đều trở nên đáng giá và đáng quý hơn bao giờ hết. Và câu chuyện của những người thầy ở Trường Đại học Sài Gòn có lẽ cũng khởi đi từ mong mỏi được đồng hành, được góp sức cho trận chiến sẽ còn rất dài này…

Tiếp thêm những “lá chắn” 

Giữa những ngày TPHCM hứng chịu sự tổn thương bởi dịch Covid-19, những người thầy ấy đã quyết định lựa chọn dấn thân vào hành trình đầy cam go, chấp nhận đối mặt rủi ro và thậm chí cả hiểm nguy để chia lửa cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch của thành phố. 

Thầy Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, tâm sự: “Ai cũng hiểu lúc này vaccine là lá chắn cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, càng nhiều người được tiêm, vùng xanh sẽ dần được mở rộng. Chỉ cần nghĩ tới việc càng có nhiều người được tiêm vaccine càng giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh hoặc ít nhất khi có bệnh cũng hạn chế khả năng tử vong, tôi nghĩ mình không thể chần chừ”. Vậy là, sau khi tiêm vaccine mũi một, thầy Thật đã có ý định lập một tổ tiêm hỗ trợ địa phương.

Đem suy nghĩ này trao đổi với thầy hiệu trưởng, thầy Thật bất ngờ khi gần như lập tức nhận được cái “gật đầu”. Chẳng những thế, thầy Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng trường - như thường lệ đã trở thành “quân sư” hỗ trợ đắc lực, từ tư vấn cách làm, giám sát cách tổ chức đến hỗ trợ nhân sự, phương tiện…

Cứ thế, thầy Quân chỉ đạo từ xa, thầy Thật “thực chiến” ở hiện trường. Khởi đầu thuận lợi, thầy Thật rủ thêm bạn bè làm y, bác sĩ, xin phép địa phương, chuẩn bị xe cứu thương và trang thiết bị cần thiết, lên phương án nhân sự, công tác tổ chức hậu cần… Kết quả, sau 2 ngày mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng.

Những người thầy “vác tù và” giữa đại dịch ảnh 1 Thầy Võ Văn Thật điều phối, hỗ trợ tại điểm tiêm chung cư Giai Việt (quận 8)

Khi được UBND quận 8 cho phép và cung cấp nguồn vaccine, ngay những ngày đầu tháng 8, tổ tiêm lưu động ban đêm đầu tiên của TPHCM “sáng đèn” tại chung cư Giai Việt (phường 5, quận 8) với 3 bàn tiêm phục vụ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Về lý do chọn buổi tối để tổ chức tiêm, thầy Thật lý giải, người có tuổi hoặc bệnh nền cần có người nhà hỗ trợ khi đi tiêm, nên bố trí sau giờ hành chính sẽ thuận tiện hơn. Ngoài ra, thời gian này cũng thuận lợi hơn cho những thành viên “đá trái sân” trong tổ tiêm. 

“Khách hàng” đầu tiên của tổ tiêm là những người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền - thuộc đối tượng được ưu tiên của chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Tổ tiêm quy tụ hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện, trung tâm y tế tham gia thăm khám sàng lọc và giám sát sau tiêm. Không chỉ chú trọng an toàn về chuyên môn, vốn là những nhà giáo nên các thầy cũng đặc biệt quan tâm việc mang đến sự hài lòng cho người đến tiêm.

Không ít cô chú ra về sau khi tiêm tấm tắc khen tổ tiêm dễ thương và chu đáo khi bố trí sẵn ghế bố cho người lớn tuổi nằm chờ theo dõi; bác sĩ chốc chốc lại hỏi thăm, rồi đo huyết áp... Chưa kể, xe cứu thương luôn túc trực cũng khiến các cô chú yên tâm rất nhiều.

Thành phố trời tháng 8 có những tối mưa dầm dề. Thế nhưng, bất chấp điều kiện thời tiết có chiều lòng người hay không, tổ tiêm ở chung cư Giai Việt vẫn “sáng đèn” từ 16 giờ 30 đến 24 giờ, thậm chí có bữa kéo dài đến hơn 1 giờ sáng, chỉ cần bà con đến là sẽ không để ai phải thất vọng quay về.

Tất cả thành viên tổ tiêm đều tâm niệm, mỗi một đơn vị kháng thể sinh ra trong cơ thể người được tiêm vaccine là thêm niềm hy vọng để thành phố sớm trở lại cuộc sống bình thường. Có những đêm cao điểm, hơn 60 con người từ y, bác sĩ cho đến tình nguyện viên miệt mài tiếp thêm “lá chắn” cho hàng ngàn người dân thành phố và con số vẫn đang không ngừng tăng... 

Cứ thế, tổ tiêm sau 2 tuần đi vào hoạt động đã không còn những chệch choạc của buổi ban đầu. Việc tính toán phải chuẩn bị bao nhiêu găng tay, băng keo cá nhân, cồn sát khuẩn, điều phối dòng người ra sao, hậu cần tổ chức thế nào… cũng trở nên quen thuộc với một người vốn là giáo viên chuyên dạy học.

“Có hôm tổ tiêm tạm nghỉ theo kế hoạch của địa phương, bà con điện thoại lo lắng hỏi thăm có khỏe không? Cảm nhận sự kỳ vọng cũng như tình cảm ấy, mình như được tiếp thêm năng lượng, đang ngủ cũng ngồi bật dậy lên kế hoạch cho đợt tiêm kế tiếp. Chưa kể, nhiều người sau khi tiêm còn quay lại làm tình nguyện viên”, thầy Thật hào hứng khoe. 

“Sinh viên của mình, mình không lo thì ai lo”

Câu chuyện về hành trình chung tay cùng thành phố vượt qua đại dịch của những người thầy ở Trường Đại học Sài Gòn không dừng ở như thế. 

Những ngày cuối tháng 8, nhiều sinh viên các tỉnh vẫn còn kẹt lại thành phố, trong đó có không ít sinh viên của Trường Đại học Sài Gòn. Các em phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước tình cảnh đó, trường đã vận động các nguồn để chăm lo cho gần 1.200 sinh viên gặp khó khăn xoay xở sinh hoạt. Khi thành phố trưng dụng ký túc xá của trường làm khu cách ly, khoảng 60 sinh viên vẫn đang ở đó.

“Để các em ra ngoài ở không chỉ khiến các em gặp khó khăn về tiền bạc mà thật tình mình cũng không an tâm. Vậy là trường cho sắp xếp lại một dãy phòng học, mua giường xếp, đưa các em về ở rồi chăm lo luôn việc ăn uống. Sinh viên của mình, mình không lo thì ai lo”, thầy Phạm Hoàng Quân chia sẻ. 

Từ khi thành phố có chủ trương để F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà, các thầy một lần nữa thành lập đội tình nguyện chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà. Trước là hỗ trợ cho “người trong nhà” gồm cán bộ, viên chức, sinh viên của trường cùng người thân đang mắc Covid-19. Sau sẽ xoay vòng bác sĩ và trang thiết bị hỗ trợ cộng đồng. 21 máy tạo oxy có thể cùng lúc hỗ trợ 21 gia đình có F0, hàng chục máy đo SpO2 và một số thuốc cơ bản phục vụ điều trị F0 tại nhà đã được trang bị đến nhiều gia đình đang cần kíp. Nhóm cố gắng sắp xếp, đo lường tình huống để hỗ trợ người cần kịp thời. 

Không chỉ tiêm vaccine hay chăm sóc bệnh nhân F0, trong nhiều chuyến xe cứu thương đang ngày ngày chạy khắp các nẻo đường chở bệnh nhân khó khăn đi điều trị, đưa người bệnh không có điều kiện được về nhà… ngoài kia, có không ít chuyến xe do các thầy đứng phía sau đóng góp, vận động người quen hỗ trợ.

Từ khi còn là một giảng viên, thầy Quân thường vét hết tiền lương hàng tháng để giúp đỡ những học sinh nghèo mà thầy vô tình được nghe bạn bè nhắc đến. Khi những khoản tiền đóng góp ngày càng lớn, số học sinh được giúp đỡ cứ thế tăng lên, nhiều người đề nghị thầy đặt một cái tên để dễ gọi, dễ nhớ. Thầy chỉ tủm tỉm cười: “Học bổng vô danh. Tôi muốn làm bằng tấm lòng, không muốn lấy tiếng gì”…

Khi mà đại dịch vẫn từng giờ từng khắc tấn công vào mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, đè nặng sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân của thành phố, chọn lựa băng mình vào tuyến đầu chống dịch của những người thầy ấy không chỉ là tấm lòng, sự trắc ẩn mà còn mang cả trách nhiệm - trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của những người chọn trở thành gạch nối quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

LTS: Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt lần 2, năm 2020-2021 được Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động từ ngày 19-6-2020. Theo kế hoạch, ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi đến ngày 31-5-2021 và lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021). 

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 47 năm Báo SGGP ra số báo đầu tiên, 5-5-2022. Rất mong nhận được sự thông cảm của các tác giả và bạn đọc. Ban tổ chức tiếp tục đón nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 20-4-2022. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục