Những người ăn tết với… Omicron

Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà tất bật trang trí nhà cửa, mâm quả… để dâng cúng tổ tiên, đón năm mới với mong muốn “mưa thuận gió hòa”. Riêng nhân viên y tế ở bệnh viện dã chiến vẫn đang bền bỉ, tận lực trên “mặt trận” chống dịch.
Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 trang trí trong khuôn viên bệnh viện đón Tết Nhâm Dần. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 trang trí trong khuôn viên bệnh viện đón Tết Nhâm Dần. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chăm chút không khí tết

Ngày cuối năm, chúng tôi có mặt ở Bệnh viện dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) - nơi được thành phố trưng dụng từ tháng 7-2021 làm bệnh viện dã chiến và giao cho Bệnh viện Da liễu TPHCM phụ trách. Ngay tầng trệt tòa nhà A (6 block), gần chục y, bác sĩ, điều dưỡng tất bật trang trí bàn thờ Bác Hồ và các chậu bông cây kiểng trong căn phòng khoảng 50m2, tiếng nói cười rộn vang.

BS-CKII Đoàn Văn Lợi Em, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, kiêm nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 (BVDC) vui hỏi: “Chiều nay, có mạnh thường quân đến tặng thêm cây mai và bánh tét. Các bạn thấy đủ chưa?”. Các y, bác sĩ đồng thanh nói: “Có bao lì xì của anh nữa là đủ”, tiếng vỗ tay, cười đùa rộn vang. 

Trao đổi với chúng tôi, BS-CKII Đoàn Văn Lợi Em cho biết, anh đã bám trụ ở bệnh viện được gần 6 tháng. Công tác quản lý, điều trị khác nhiều so với khi ở bệnh viện thông thường. Điều anh và đồng nghiệp hạnh phúc nhất là cả chuỗi ngày dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, gần 14.000 người bệnh được điều trị khỏi, khỏe mạnh trở về với gia đình. Chỉ có 1 trường hợp tử vong do mắc nhiều bệnh nền. Để chuẩn bị ứng phó với biến thể mới, BVDC sẵn sàng với công suất dự kiến 4.000 giường; bệnh nhân sẽ được phân luồng, sàng lọc, phát hiện người có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron.  

Ngày tết, ai cũng muốn sum họp với gia đình, người thân ở nhà, nhưng là thầy thuốc, các y, bác sĩ đều nhận thức trách nhiệm với người bệnh. Gần 90 người ở BVDC xác định tư tưởng thoải mái, đón tết tại bệnh viện vui tươi. Chỉ mong không có ca bệnh trở nặng và hết người cách ly để mọi người trở lại với công việc bình thường. 

Để người dân an vui đón tết

Cầm trên tay xấp hồ sơ của những người cách ly có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19, chị Nguyễn Ngọc Sen, điều dưỡng khu lâm sàng BVDC số 12, dặn dò: “Các anh nhớ bám sát theo em do khu điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron như “mê hồn trận”, đi không cẩn thận sẽ không biết đường ra đâu nghen”. 

Tại tầng 17, sau khi gõ cửa phòng 17.01 và gọi tên bệnh nhân, một người phụ nữ ngoại quốc xuất hiện. Nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và biết mình sẽ được về ngay trong buổi chiều, chị Francoise de Mulder luôn miệng “Thank you!” với điều dưỡng Sen. Phía xa, cuối dãy hành lang, một người phụ nữ ngoại quốc khác vẫy tay tỏ ý muốn được trao đổi.

Bước nhanh về hướng người cần gặp, chị Sen vừa đi vừa chia sẻ: “Francoise de Mulder và người phụ nữ vừa gọi là chuyên gia người Pháp. Ngày 20-1, cả hai nhập cảnh Việt Nam, xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi được đưa về cách ly tại bệnh viện. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng họ rất dễ mến, phối hợp với chúng tôi rất tốt trong việc thăm khám mỗi ngày”.

Chị Sen cho biết thêm: “Bệnh viện cố gắng cung cấp đầy đủ đồ dùng thiết yếu cho người bệnh, để mọi người an tâm điều trị, cách ly. Còn phần tâm lý thì mình cố gắng giải thích từ từ để mọi người hợp tác. Ở đây, ai cũng dặn mình phải cố gắng hơn. Bệnh nhân, người cách ly cũng tình cảm lắm, nhiều người ra về mà quyến luyến với y, bác sĩ”.

Tết Nhâm Dần cũng là cái tết đầu tiên chị Sen phải xa con. Để vơi bớt nỗi nhớ thương, chị và đồng nghiệp tập trung cao độ cho công việc, tận tụy, chăm sóc chu đáo những bệnh nhân chưa hồi phục.

Biết biến thể Omicron đang bùng phát trên thế giới, có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể khác nên BS Lợi, BS Hồng, điều dưỡng Sen và hàng trăm nhân viên y tế khác tiếp tục xung phong ở lại các BVDC, khu cách ly… chiến đấu với “giặc Covid-19” để người dân thành phố an vui đón tết cổ truyền.

Những ngày Tết đến xuân về, ai cũng mong muốn đoàn tụ cùng gia đình, bên mâm cơm chiều cuối năm, nhưng hơn 600 nhân viên y tế, tình nguyện viên Bệnh viện dã chiến 3 tầng Covid-19 số 16 lại xin đăng ký ở lại bệnh viện để làm việc.

Còn tại Bệnh viện dã chiến số 12, Bác sĩ Đào Văn Lợi Em, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến 12 tâm sự: “Chúng tôi đã tổ chức gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn ngày Tết ngay tại bệnh viện nhằm phần nào giúp nhân viên vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày tết”.

Tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19 của TPHCM cũng rộn ràng những ca khúc mừng xuân. Hơn 700 nhân viên y tế, tình nguyện viên đã cùng tham gia bữa cơm tất niên ấm cúng tại bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục