Những ngày cách ly ở “thủ phủ của người Mường”…

10 ngày cách ly tập trung đã mau chóng trôi qua, nhưng chúng tôi - những người trở về từ Mỹ trên chuyến bay VN001 ngày 8-5, vẫn chưa tin được, trong lúc vô cùng lo lắng giữa trận dịch Covid-19 đang cao điểm ở nước ngoài, bỗng được trở về, được sống những ngày vô cùng lạ lẫm trong một doanh trại quân đội ở tỉnh Hòa Bình.

Nơi đây, không chỉ có con sông Đà hùng vĩ, thơ mộng như cố nhà văn Nguyễn Tuân đã thể hiện trong Tùy bút Sông Đà (năm 1960), có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình 1.920MW nổi tiếng, mà còn là thủ phủ của xứ Mường ở miền Tây Bắc đất nước với bốn bề núi phủ, mây giăng…

Tác giả cùng cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ đang phục vụ tại khu cách ly tỉnh Hòa Bình
Những “lớp học” thâu đêm trong doanh trại


Mỗi ngày, cứ canh vào đúng 5 giờ 30 sáng, khi tiếng kèn lệnh của Trung đoàn 814 rộn rã vang lên là một số cô bác vội xỏ dép đi nhanh ra hành lang với một vẻ háo hức đến hồn nhiên, bởi đây là lần đầu, và có thể là duy nhất trong đời, họ có cơ hội “tiếp cận” với một sinh hoạt đặc thù trong quân ngũ! Tiếng kèn lệnh cũng vô tình thúc giục mọi người bắt đầu ngày mới bằng những động tác thể dục buổi sáng, để có thêm sức khỏe, tăng khả năng phòng chống dịch.

Trong số 80 người cách ly ở đây, có đến 58 du học sinh (DHS). Khác người lớn tuổi, với những bạn trẻ đang cách ly ở đây thì “sự tình” gần như “đảo ngược”! Tiếng kèn lúc bình minh thường trùng với thời điểm các em vừa kết thúc một đêm dài học trực tuyến hoặc phải hoàn thành nhiều bài tập với sự hướng dẫn và kiểm soát của các thầy cô ở bên kia bờ đại dương. Do vậy, lúc này thường là các em sẽ xếp bút nghiên, tập thể dục nhẹ, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi… đi ngủ!

Hôm đầu tiên đến đây, tôi được xếp cùng phòng với 4 cô bé DHS trạc 16-18 tuổi. Nhưng qua hôm sau, vì biết các em phải thức đêm học, sợ tôi bị ảnh hưởng giấc ngủ, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 814 - là người trực tiếp quản lý hoạt động cách ly ở đây, đã linh hoạt chuyển tôi sang phòng khác.

Do học ở các tiểu bang khác nhau ở Mỹ nên chương trình, môn học, lịch học của các em cũng khác nhau. Lê Thùy Dương (17 tuổi, nhà ở Hương Thủy, Huế) đang học  lớp 11 tại Andrews Osborne Academy, Ohio, cho biết, ngày nào em cũng học từ 1 đến 6 giờ sáng. Hầu hết các giờ học, buổi học, nếu không phải lên lớp trực tuyến thì cũng phải hoàn thành và nộp bài tập theo đúng giờ quy định mà giáo viên có thể kiểm soát được. Trần Thụy Minh Nguyệt (18 tuổi, nhà ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đang học lớp 12 tại Kennedy Catholic High School, Washington; chương trình nâng cao (AP - Advanced Placement) là chương trình khó, nên những buổi học trực tuyến em đều phải theo sát và học thật nghiêm túc. Văn Thị Hoài Tín (18 tuổi, ở Đà Nẵng) đang học năm thứ nhất tại Seattle Central College, Washington, chuyên ngành Business Management. Do em đăng ký môn học theo kỳ (mỗi 3 tháng) nên việc hoàn thành các phần học sẽ tính theo số môn đã học xong. Tạ Ngọc Lan Anh (17 tuổi, ở Đà Nẵng) học lớp 11 tại Lee High School, Virginia; dù năm học ở trường đã kết thúc, nhưng thấy bạn cùng phòng ai cũng chăm chỉ học nên Lan Anh cũng thức cùng bạn để xem lại bài vở và làm thêm bài tập.

Nhỏ nhất là Lý Triển Toàn (13 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM), học lớp 7 tại San Joseph Catholic School, Florida. Từ lúc em còn ở San Fancisco chờ Vietnam Airlines hoàn tất giấy phép bay, phụ huynh của em và các bác ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Fancisco đã “gởi gắm” em cho Nguyễn Khải Doanh (18 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM). Doanh đang học tại Peninsula College, Seattle, Washington; ngoài việc giúp đỡ Toàn trong suốt hành trình về Việt Nam, tại khu cách ly, Doanh cũng vừa theo học chương trình của mình, vừa tiếp tục nhắc nhở Toàn. Bản thân Toàn cũng rất có ý thức, hàng đêm, em tập trung vào chương trình học trực tuyến chăm chỉ như các anh chị khác…

Trừ đêm đầu tiên từ sân bay Vân Đồn về đây do việc nhận phòng và ổn định chỗ ở hoàn tất muộn (lúc 3 giờ sáng), từ ngày hôm sau trở đi, hầu hết các phòng ở của các em đều sáng đèn suốt đêm, vì đó là giờ học ban ngày ở Mỹ. Qua tìm hiểu, tôi được biết, hầu hết các em đều còn khoảng 2 tuần học trực tuyến nữa là kết thúc chương trình của năm học. Thử đứng ở góc nhìn của một phụ huynh có 2 con từng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, tôi có cảm giác trong 2 tuần cách ly này, nơi đây giống như một ngôi trường nội trú thật sự. Tại đây còn có thêm “những yếu tố đặc biệt” khác, các em không chỉ có chỗ học, chỗ ở, được chăm lo các bữa ăn, mà còn được theo dõi sức khỏe với 2 lần đo thân nhiệt mỗi ngày và 2 đợt kiểm tra virus SARS-Cov-2 (có một tin vui là trong lần test đầu, cả 80 người đều có kết quả âm tính).

Một ngày ở khu cách ly

Tuy chỉ có 80 bà con đến cách ly, nhưng số người phục vụ trực tiếp đã tới 33 người. Bao gồm 20 người ở “vòng ngoài” (chỉ làm việc bên ngoài hàng rào cách ly) và 13 người ở “vòng trong” (phục vụ từ hàng rào trở vào đến các phòng cách ly ở 2 tầng lầu trên). Bà con cách ly ở “vòng trong nữa”, chỉ được đi dọc hành lang của tầng mình ở, không được xuống đất hoặc lên lầu. Công việc của 20 quân nhân phục vụ “vòng ngoài” là lo tất cả vấn đề kỹ thuật như điện, nước, internet cho toàn khu; quần quật từ sáng đến khuya để chuẩn bị và nấu nướng cho bà con những suất ăn đủ dinh dưỡng 3 bữa/ngày. Đến bữa, họ phân chia suất ăn sẵn cho từng người rồi đưa đến tập trung tại một chiếc bàn đặt ngay hàng rào cách ly. Ở “vòng trong”, có 5 y bác sĩ thuộc sở y tế tỉnh và lực lượng quân y của trung đoàn, có nhiệm vụ theo dõi sát sao sức khỏe mỗi ngày cho toàn trại. Ngoài ra, túc trực ở “vòng trong” là 1 chỉ huy và 7 quân nhân khác. Họ chia ca canh gác liên tục ngày đêm, vừa để bảo đảm quy định cách ly, vừa phục vụ hàng trăm thứ việc không tên cho bà con như phân phát thực phẩm, bổ sung chăn màn, lấy thêm nước uống, sửa vòi nước hư, sửa quạt máy, tìm bình nấu nước, bổ sung ổ cắm điện, thuốc chống muỗi...

Trừ lực lượng phục vụ ở “vòng ngoài”, những quân nhân và cán bộ y tế làm nhiệm vụ ở “vòng trong” và có tiếp xúc gần với người cách ly đều là đối tượng cách ly với thời gian “bằng nhiều đợt cách ly cộng lại”. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên trên chuyến xe quân sự vượt quãng đường dài 300km từ sân bay Vân Đồn về đây, Đại úy Nguyễn Hồng Thịnh, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương và Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3, cho biết, do liên tục đưa bà con về các khu cách ly từ cuối tháng 1 đến nay nên các anh cũng thuộc diện cách ly dài hạn và chưa thể về nhà. Thiếu tá Phạm Quang Huy thông tin, tại điểm cách ly ở Trung đoàn 814 này, từ ngày 26-3 đến nay đã liên tục tiếp nhận 4 đợt cách ly với 350 công dân Việt Nam trở về từ Đức, Hàn Quốc, Mỹ. Lực lượng quân đội, y tế phục vụ ở đây vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ nếu còn những đợt đưa bà con về nước.

Hàng ngày theo thông tin trong nhóm liên lạc giữa các thân nhân, nhất là phụ huynh của các DHS, họ luôn bày tỏ mối quan tâm, lo lắng cho con em từ sức khỏe, tinh thần tới miếng ăn, giấc ngủ. Đó là điều hoàn toàn chính đáng! Tôi cũng là một người mẹ và đang cùng cách ly, tôi thầm nghĩ, giá như các cha mẹ được nhìn thấy con mình có những ngày thật mạnh khỏe và vui vẻ tại đây. Loại trừ một số bất tiện nho nhỏ về tiện nghi (không nên so sánh với lúc ở nhà riêng), hầu hết các em khi được hỏi đều cho biết: “Chúng con ở đây rất vui, rất ổn!”. Đã hơn một lần tôi chứng kiến Thiếu tá Phạm Quang Huy bắc loa nhắc nhở các em phải bảo đảm quy định cách ly, không được “trốn” sang tầng lầu khác… để chơi với bạn! Việc nhắc nhở mang “phong cách quân đội”, có phần “quyết liệt và nghiêm khắc”. Đã có một hình ảnh khiến tôi xúc động: rất nhiều cô bé ở tầng 2 cùng chạy ra hành lang líu ríu nói vọng xuống: “Con xin lỗi chú Huy! Con cảm ơn chú Huy!”. Ôi các cháu thật ngoan ngoãn và lễ phép, dù tôi không chắc là với khoảng cách đó, chú Huy có thể nghe được những lời này.

Lưu luyến xứ Mường

Còn vài hôm nữa, sau khi test virus lần 2, nếu kết quả tốt như lần trước, các bậc cha mẹ sẽ vỡ òa hạnh phúc khi thật sự được đón những đứa con yêu thương trở về nhà. Tôi cũng sẽ lưu luyến chia tay các em DHS, các bạn trẻ mà những ngày qua giữa chúng tôi đã có được tình cảm đẹp. Đặc biệt, trong đó có những em tôi vô cùng trân quý, như Bùi Xuân Chính, Bùi Văn Nhật, Phùng Anh Tuấn, Quách Tất Tùng… - những bạn tuổi 20, con em của đồng bào Mường, một dân tộc chiếm trên 63% dân số của tỉnh Hòa Bình (vì vậy mà Hòa Bình còn được mệnh danh là thủ phủ của người Mường). Suýt soát tuổi của các bạn DHS, nhưng các em đã là những người lính thuộc Đại đội Trinh sát, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sau những tháng dài làm nhiệm vụ ở “vòng trong” của khu cách ly, các binh nhất của chúng ta không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà với tôi, các em còn là những sứ giả đặc biệt của xứ Mường, để hình ảnh của Hòa Bình sẽ đẹp mãi trong tôi, dù khi đã rời xa!

Tin cùng chuyên mục