Những “lỗ hổng” oằn vai người bệnh

Vụ nâng khống giá máy xét nghiệm RT-PCR xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì mới đây dư luận cả nước lại vô cùng bức xúc trước vụ việc vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan khi tiến hành liên danh, liên kết lắp đặt thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám chữa bệnh theo hình thức xã hội hóa. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an đã nêu rõ, trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Bệnh viện Bạch Mai, một số cá nhân của Công ty cổ phần Công nghệ y tế (BMS), Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) đã gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống giá hệ thống Robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, khiến người bệnh khi sử dụng thiết bị này phải trả chi phí khấu hao máy tới 23 triệu đồng/ca bệnh thay vì 4 triệu đồng/ca bệnh theo đúng giá trị thực của máy. Bằng thủ đoạn nâng khống, thổi giá hệ thống Robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh này, từ năm 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca bệnh, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh tới trên 10 tỷ đồng.

Rõ ràng, từ vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm xảy ra tại CDC Hà Nội trong giai đoạn cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, cho tới vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Bệnh viện Bạch Mai qua hình thức xã hội hóa trang thiết bị y tế đã cho thấy những lỗ hổng rất lớn trong khâu thẩm định, định giá tài sản đầu tư và quản lý trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Tệ hơn, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế đang bị không ít kẻ lợi dụng để biến tướng, kiếm chác, trục lợi với số tiền hàng tỷ đồng từ những người vốn đã vất vả, mệt mỏi vì bệnh tật nay lại phải gồng mình chi trả những chi phí khám chữa bệnh phi lý, cao gấp nhiều lần số tiền thực tế họ phải trả. Những kẻ lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng bệnh tật của người khác để kiếm chác, làm giàu cho bản thân không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là những kẻ táng tận lương tâm! 

Xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng đắn, tốt đẹp, giúp giải bài toán khó khăn về ngân sách đầu tư ngành y tế. Xã hội hóa y tế cũng giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người bệnh được sử dụng các thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công với các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài đã khiến đầu tư công - tư lẫn lộn và nảy sinh những vấn đề tiêu cực, tạo ra những bất công và sự phân biệt đối xử ngay trong chính hệ thống cơ sở y tế. Từ vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất cả nước, người dân và dư luận xã hội không chỉ phẫn nộ mà còn có quyền đặt ra câu hỏi đối với các bệnh viện lớn khác sẽ như thế nào? Còn bao nhiêu cơ sở y tế nữa đang móc túi, trục lợi trên sự đau khổ, bệnh tật của người bệnh và Quỹ Bảo hiểm y tế từ các trang thiết bị, thuốc men dưới hình thức xã hội hóa?

Chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng nhưng xã hội hóa theo kiểu móc nối, nâng khống giá, trục lợi phi pháp là không thể chấp nhận được và cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Để chấm dứt tình trạng trên, đòi hỏi Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý đối với các bệnh viện công trong việc đầu tư trang thiết bị y tế, thuốc men, hóa chất... dưới hình thức liên danh, liên kết. Đồng thời cần sớm công bố, công khai toàn bộ giá thành mọi trang thiết bị y tế đầu tư trong bệnh viện công để người dân giám sát, nhất là tại các bệnh viện lớn. Cùng với đó, phải tách bạch nguồn đầu tư công - tư một cách rõ ràng để mọi nguồn lực đầu tư cho y tế đều đúng mục tiêu, sử dụng đúng mục đích nhằm mang lợi ích cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục