Những lá thư từ Beirut

Trong khuôn khổ triển lãm Venice Architecture Biennale (kéo dài đến ngày 21-11), Letters from Beirut (Những lá thư từ Beirut) là bức tường dài 6m gồm 2.000 bức thư viết tay. Tác phẩm sắp đặt của 2 chị em người Ba Lan gốc Lebanon (Tessa và Tara Sakhi) là thông điệp của những người sống sót sau vụ nổ ở cảng Beirut cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, vào tháng 8-2020.
Những lá thư từ Beirut thu hút nhiều sự chú ý
Những lá thư từ Beirut thu hút nhiều sự chú ý

Mặc dù Lebanon đã chứng kiến một loạt cuộc xung đột căng thẳng trong quá khứ, nhưng thảm họa gần đây, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài và nền chính trị bất ổn dường như đã để lại dấu ấn không giống với bất kỳ sự kiện nào trước đây. “Cuộc sống của chúng tôi đảo lộn từ ngày này sang ngày khác”, Tara nhớ lại. Và mọi thứ, cả bạo lực, khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội… cứ thế khiến Lebanon ngã quỵ. 

Theo Arab News, để làm lại từ đầu, 2 chị em, những người đồng sáng lập Công ty Kiến trúc và thiết kế T Sakhi đã quyết định chuyển đến Venice. Càng dành nhiều thời gian ở đó, họ càng nhận ra nhiều điểm tương đồng giữa các trung tâm lịch sử của Beirut và Venice, về văn hóa và cả nếp sinh hoạt. “Chúng tôi cảm thấy giờ là lúc có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Lebanon từ bên ngoài và hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ quay trở lại”, Tessa nói.

Một trong những cách họ cống hiến cho quê nhà là truyền bá tiếng nói thông qua tác phẩm. Cả 2 chị em đang ở Beirut khi xảy ra vụ nổ, và theo họ, đến giờ những nạn nhân ngày đó chưa nhận được bồi thường. Cuộc sống của họ vẫn vô vọng, chưa có lối thoát... Để đưa dự án thành hiện thực, 2 chị em đã thiết lập một nền tảng trực tuyến, mời người dân chia sẻ suy nghĩ của họ. Sau đó, Tessa và Tara chép ra trên những mảnh giấy tái chế. Các bức thư (bằng tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Pháp) chứa đựng sự đau buồn, tức giận, phản kháng và cả những câu chuyện về tình yêu. Những dòng chữ “Cảm giác như thế nào khi được sinh ra ở nơi khác?”,  “Tại sao loài người lại bị hủy hoại như vậy?”, “Beirut đang chết”…như những mũi kim khiến người đọc nhói lòng, cảm nhận được nỗi đau của mọi người qua từng câu chữ.

Các bức thư được 2 chị em nhét vào túi vải. Mỗi túi chứa một vài hạt giống nhỏ của một loại rau hoặc thảo mộc có tính biểu tượng, nhất là rau mùi và bí xanh được trồng ở Lebanon. Những chiếc túi này được dệt thủ công từ nỉ, do Hội đồng thủ công đương đại Irthi có trụ sở tại UAE, một tổ chức bảo tồn di sản ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ về mặt kinh tế và xã hội, trao tặng. 

Những bức thư từ Beirut là tác phẩm nghệ thuật, nhưng cũng là một đài tưởng niệm tương tác và đoàn kết. Du khách đến thăm triển lãm có thể lấy một chiếc túi cho đến khi tất cả biến mất khỏi bức tường. Theo một cách nào đó, sự tham gia này cho phép tiếng nói của nạn nhân được lắng nghe và ghi nhớ trên khắp thế giới. “Có những người quyết định đóng khung các bức thư và treo lên tường nhà. Đối với chúng tôi, điều này thật tuyệt khi chứng kiến tác phẩm của mình có một cuộc sống tiếp diễn”, Tara xúc động kể. Khách tham quan cũng được mời quét mã vạch tại trang web, cho phép họ quyên góp tiền cho các tổ chức phi chính phủ Lebanon đang hỗ trợ các nỗ lực khôi phục và giáo dục trẻ em ở Beirut sau vụ nổ. “Đó là một quá trình chữa lành”, Tara khẳng định.

Tác phẩm sắp đặt của 2 chị em Sakhi cũng là điểm nhấn cho triển lãm được tổ chức mỗi 2 năm, với chủ đề trọng tâm năm nay là “Chúng ta sẽ chung sống như thế nào?”. Trong trường hợp của Lebanon, theo 2 chị em nhà Sakhi, cách để sống cùng nhau là công dân các thế hệ và từ nhiều ngành nghề đoàn kết lại, cùng khắc phục những hậu quả đau thương. Đó cũng chính là tinh thần chia sẻ và cùng nhau đối thoại một lần nữa.

Tin cùng chuyên mục