Những ký ức nông thôn

Năm Tân Sửu kết thúc sau khi oằn mình trải qua suốt một thời gian dài với những cung bậc cao nhất của cảm xúc về sự chết chóc, sợ hãi… trong đời sống con người, bởi dịch Covid-19. Rồi thì mùa Xuân Nhâm Dần cũng đến, cũng mai cúc vàng rộ, cũng những cánh én chao lượn ở lưng trời xanh biếc. Muôn đời xuân vẫn bất diệt như thế. 
Những ký ức nông thôn

Thời gian giãn cách vì dịch dã giúp người ta sống chậm lại, khi họ hiểu được sức mạnh của mình, biết mình nhỏ bé đến đâu, rồi chợt quý yêu cuộc sống, quý yêu mùa xuân đang về.

Tôi ngồi giữa mùa xuân mà suy nghĩ miên man, thiết tha nhiều chuyện.

Mấy năm trước tôi kéo vợ con về nhà chị Hai tôi dự đám cưới của thằng Út Dư. Đây là đám cưới thứ 5, cuối cùng của 5 đứa con chị, nên bà con nội ngoại hai bên và bạn bè chí thiết tề tựu đông đủ. Đêm nhóm họ vui lắm, tay bắt mặt mừng ca hát, rồi nhậu nhẹt tưng bừng. Ở Tây Nam bộ, ngày chính của đám cưới chỉ là ngày diễn ra phần lễ, còn ngày trước, đêm trước, gọi là đêm nhóm họ, mới là thời gian của tình cảm dòng họ, bạn bè. Ai đến nhóm họ thì chắc mẻm là người thân của gia đình. Nếp sống này có từ rất lâu đời, nó là nếp sống của làng, là lối sống của người dân quê, người ta đến với nhau để chung vui, chia buồn khi hữu sự và cũng để giúp gia chủ. Như một sự sắp đặt của ông bà xưa, một nếp sống tuyệt vời của đồng ruộng. Bà con, bạn thân thiết đến, không ai sai bảo ai, họ tự giác đi tát đìa, dựng rạp, mượn bàn ghế, làm heo, làm bánh, nấu nướng.... Mặc dù bây giờ dịch vụ đám cưới đã làm cho công việc nhóm họ giản tiện hơn nhưng tình cảm đến với nhau đêm nhóm họ cũng ít bị thay đổi. Nhìn vào cứ thấy yêu quý làng quê của mình, tiền bạc thì nghèo đó, nhưng tình người bao la bát ngát như cánh đồng trước mặt.

Đêm nhóm họ ở nhà chị Hai tôi càng về sau thì càng tình cảm. Tiếng cụng ly rôm rốp, tiếng cười vỡ rạp, tiếng ca vọng cổ càng mùi, càng thiết tha, lãng mạn trong xóm làng. Và cũng trong lúc ấy tôi phát hiện thiếu sự có mặt của vợ chồng con cái thằng Cảnh - em cô cậu ruột của tôi và chị Hai. Đây là một điều bất thường của dòng họ tôi, của đồng quê này. 

Má tôi quê gốc ở cồn Ấu, Cần Thơ, mới 11-12 tuổi, ông bà ngoại tôi đã qua đời, má tôi và cậu Út (ba thằng Cảnh) phải qua ở với ông chú bà thím. Sau đó, ông chú lại qua đời nên năm 19 tuổi, có chồng về Bạc Liêu, má tôi phải dắt díu theo một người em mồ côi mồ cút. Má tôi cưới vợ cho cậu Út rồi cất nhà cho ở riêng. Ba tôi thì hiền và rộng rãi, việc má tôi lo cho em trai, ông cũng thấy đó là việc phải làm. Khoảng năm 1966, mới 21 tuổi, cậu Út chết vì chiến tranh, lúc đó thằng Cảnh mới 3-4 tuổi.

Một năm sau, mợ Út đi lấy chồng khác, má tôi khóc hết nước mắt rồi bồng thằng Cảnh về nuôi. Năm thằng Cảnh 20 tuổi, ba má tôi đứng ra cưới vợ cho nó. Đó là cái đám cưới nhỏ mà vui, chị Hai tôi có chồng xa cũng về đứng ra chỉ huy nướng bánh phục vụ đám. Sau đó, ba má tôi cất nhà cho nó ra riêng, lại cho thêm 5 công đất mà sinh sống. Vợ nó 5 năm đẻ soàn soạt 5 đứa con và với 5 công đất đó, đời nó lâm vào cảnh khốn cùng.

Hồi còn sống, má tôi khổ lắm, cứ canh cánh nỗi lo cho đời thằng Cảnh, lâu lâu bà xuống nhà dúi cho một chai nước mắm, vài lít gạo... Nó đi cắm câu bà đi bán cá dùm. Khi má tôi qua đời, tại đất này, dòng họ nội tôi thì chật đất nhưng bên ngoại chỉ còn có thằng Cảnh. Mỗi lần cúng giỗ má tôi, tôi thắp nhang tưởng nhớ tổ ngoại chợt thấy bên ngoại buồn, cô quạnh hắt hiu như một chân trời xa xăm trong buổi chiều tàn.

Hồi còn sống trong những lúc buồn, nhớ quê, má tôi mắc võng trên đầu giường chúng tôi ngủ rồi kể về quê ngoại, ông bà ngoại, rằng ông bà ngoại tôi làm tá điền nghèo lắm và dường như biết mình vắn số nên bao nhiêu tình thương có được đều dồn hết cho má và cậu Út tôi. Câu chuyện ấy cùng với lối sống đùm bọc em trai, con cháu của đời má tôi cứ giống như một câu đồng dao mộc mạc mà sâu lắng ru đời chúng tôi lớn lên, tặng chúng tôi những ký ức. Những ký ức đó nó có sức mạnh như một ngọn lửa làm bùng cháy tình cảm dòng tộc, làm ray rứt tình cảm anh em. 

Vậy mà giờ đây sự không có mặt của vợ chồng con cái của thằng Cảnh ở nhà chị Hai tôi đêm nhóm họ, thử hỏi không bất bình thường sao được. Tôi hỏi chị Hai, chị bảo: “Hôm đám con nó, nó không mời tao, giờ tao không mời lại”. Đám cưới xong, tôi chạy xộc về nhà thằng Cảnh hỏi cho rõ nguồn cơn. Thì cả vợ lẫn chồng nó ngồi buồn so mà kể: “Năm ngoái chế Hai hùn nuôi tôm với Út Mỹ, sát vách nhà em. Chế Hai nuôi vịt xiêm, ai bắt mất 2 con, chế Hai đi đằng xóm nói rằng cha con em ăn cắp, nên em giận, đám con em, em không mời”.

Tôi rũ áo ra về, nhận ra một điều hệ trọng của dòng họ mà ứa nước mắt. Tôi thổn thức nói thầm rằng: Chị Hai ơi, nếu là em, khi thấy cha con thằng Cảnh bắt 2 con vịt xiêm của mình, em sẽ trốn nó, không cho nó thấy em trong niềm đau đớn xấu hổ. Em sẽ giấu đến tuyệt tích chuyện này cho đến một ngày cảm thấy tình cảm anh em đủ để thương nhau thì em sẽ nói. Em nói rằng: “Thói hư tật xấu của mày hôm nay có một phần lỗi của anh là không bảo ban dạy dỗ mày hồi còn trẻ”. Chỉ vậy thôi, em sẽ không nói thêm một tiếng. Chị Hai ơi, đời chị em mình nghèo nhưng ta có thể nuôi 100, 1.000 con vịt. Còn để mất thằng Cảnh làm sao chị nuôi, chị tìm cho được? 

Em năm nay 61 tuổi còn chị đã 70. Em đã về hưu sống cùng với vạn đại. Đó là cộng đồng của mình, làng quê nơi cất giữ núm ruột của mình. Đó cũng là lúc em nhìn lại mình, thiên hạ nhìn mình xem cuộc đời ta có tặng cho ai những ký ức đẹp. Và không bao lâu nữa chị và em sẽ lần lượt đi về cái đích cuối cùng của cuộc đời. Ta chẳng thể giữ lại gì cho mình cả, có còn chăng là một nấm mồ và một lối sống. Cái lối sống ấy sẽ trở thành ký ức của em út, con cháu sau này. Nếu ký ức đẹp nó sẽ có sức mạnh làm thổn thức, ray rứt lòng người trong kiếp sống, nó làm xanh cành nảy lộc cây dòng tộc huyết thống - một thứ cây đang tỏa bóng mát xanh ngát đồng quê về tình yêu thương gắn kết làng xóm. Bằng ngược lại, những ký ức xấu sẽ làm héo úa cây đời, cho nông thôn khô héo rã rời.

Tin cùng chuyên mục