Những hy sinh để sự sống được nối dài

Những ngày cuối năm, những chuyến xe đong đầy tình yêu thương của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM lại lên đường tìm đến tri ân với gia đình những người hiến tạng. Một tay vịn vào thành ghế, một tay cầm micro giọng run run vì xúc động, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ rẫy, cho biết, từ những câu chuyện hiến tạng gây xúc động đã khiến cộng đồng có cái nhìn cởi mở hơn về việc hiến tạng cứu người.
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Một ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Vượt gần 500km từ TPHCM đến Đắk Lắk từ sáng sớm những ngày đầu tháng 12 lạnh căm căm, chúng tôi tìm về gia đình ông Hà Minh Tâm (ngụ khu phố 12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) - gia đình mà tròn 1 năm trước sau sự ra đi của người con trai đầu là Hà Minh Nhật (37 tuổi) đã quyết định hiến tạng con cho y học. Để rồi hôm nay, nỗi đau cứ dai dẳng bám víu lấy họ như chẳng muốn dừng với những lời cay độc từ bà con, chòm xóm rằng: bán tạng con. Ngồi hơn 9 giờ trên xe, cả đoàn chỉ vỏn vẹn có 4 người không ai ngủ, mong cho đường bớt xa đến trước bữa cúng giỗ đầu của Nhật, “minh oan” cho gia đình. Nhớ lại “ngày này năm ấy”, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, chia sẻ, tai họa ập đến với Nhật vào một buổi tối tháng 12-2018. Hôm ấy, khi đang chạy xe máy trên đường về phòng trọ sau giờ làm, Nhật bất ngờ bị tai nạn giao thông. Anh được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, rồi do chấn thương sọ não quá nặng nên được tiếp tục chuyển lên BV Chợ Rẫy cấp cứu. Khi nhập viện, các bác sĩ đã tiên lượng Nhật khó qua khỏi. Nhật được gia đình đồng ý hiến tặng cho những người “ở lại” một lá gan, phổi, hai quả thận và hai giác mạc. “Hầu hết tạng của Nhật để lại ghép thành công, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân khác. Đến nay, những người được ghép đều đáp ứng rất tốt, tất cả đều khỏe mạnh”, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu cho hay.

Mọi chuyện tưởng như êm đẹp, để rồi hôm nay tin nhắn của người nhà Nhật lại làm thổn thức vị bác sĩ dành phần lớn thời gian cho y học, cho công tác điều phối hiến ghép tạng nước nhà. Ngậm ngùi thắp nén nhang cho Nhật, TS-BS Thu chỉ biết nắm chặt bàn tay của người mẹ già vừa mất con, lại mang tiếng oan bán tạng, mong bà mạnh mẽ bước tiếp. Ngay trong buổi chiều hôm ấy, TS-BS Thu cùng với gia đình lặn lội lên UBND thị trấn Ea Knốp tìm gặp chính quyền với mong muốn duy nhất là “giải oan”. Câu chuyện của bác sĩ Thu, của anh Nhật đã làm lay động chính quyền và từ mong muốn của gia đình, ông Trần Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Knốp, hứa rằng bản thân sẽ trực tiếp tìm hiểu, đến tận địa bàn để giải thích cho bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc hiến tạng này.

Hỏi đường đến nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai), một người đàn bà trung tuổi hỏi lại chúng tôi, chú tìm đến nhà bà bán tạng chồng đấy à. Trong căn nhà nhỏ, bà Yến gạt nước mắt kể, đã gần 3 cái tết qua nhưng nỗi đau mất chồng lẫn “tiếng oan” bán tạng chồng lấy tiền để được “ăn sung mặc sướng” vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng bà. “Khi chồng tôi bị chết não nằm điều trị trong BV Chợ Rẫy vào năm 2016, tôi được các bác sĩ tư vấn về việc hiến tạng. Sau khi bàn bạc với các con, tôi quyết định hiến tạng của chồng để cứu 6 người khác”. Ấy thế nhưng ngày đưa thi thể của chồng về nhà lo tang lễ cũng là ngày sóng gió nổi lên khi bà phải đối mặt với sự nghi ngờ của gia đình chồng và hàng xóm. “Mấy chị em bên chồng làm ầm ĩ tại đám tang, hàng xóm bàn tán, đến cả những người bán vé số ngoài đầu hẻm cũng đồn đại tôi bán tạng của chồng kiếm tiền tỷ”, bà Yến kể trong nước mắt. Nỗi đau mất chồng cộng với sự khủng hoảng tinh thần từ người thân, dư luận khiến bà Yến kiệt quệ. Dù biết là làm việc tốt cho đời nhưng khi ấy không ít lần bà cảm thấy hối hận. 

Cũng rơi vào cảnh “oan thấu trời” là bà Nguyễn Hồng Son (62 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) - người trước đó đã hiến hai quả thận của người con trai Trần Quốc Tiến khi anh này qua đời tại BV Chợ Rẫy. “Ban đầu, tôi cũng không đồng ý hiến tạng đâu nhưng sau khi nghe các bác sĩ phân tích, tôi đồng ý vì miễn là làm việc thiện thì tôi nghe theo”, bà Son nhớ lại. Những tưởng “làm nhiều việc thiện tâm ắt an”, thế nhưng việc làm của bà gây chấn động làng quê nghèo Vũng Liêm (Vĩnh Long) ngày ấy. Cũng vì quá sợ hãi dư luận, trong 3 năm, bà Son phải chuyển nhà mấy lần và cuối cùng dừng lại ở vùng đất Củ Chi (TPHCM). Đến năm 2015, khi được đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” thì nỗi oan của bà Son mới được gột rửa.

Tin cùng chuyên mục