Những hệ lụy từ bệnh thành tích

Mấy ngày nay, các em học sinh ở quê tôi đang tất bật thi học kỳ 1. Tôi có một người em họ đang học lớp 9, khá thông minh nhưng lại mê game. Ba mẹ cậu bé nhờ tôi kèm em để chuẩn bị cho kỳ thi. Trong một lần dò bài, thằng em than vãn: “Anh dò bài làm gì? Mai thi xong em cũng quên. Học làm gì cho nhiều, em trở thành game thủ còn kiếm được nhiều tiền hơn. Lên trường, thầy cô toàn nói cái gì không đâu. Đứa nào không đi học thêm, chỉ có xuất chúng mới có thể hiểu”.

Nói xong, thằng bé đưa cho tôi 1 xấp giấy gọi là đề cương. Nó nói, thầy cô bảo chỉ ôn trong này là làm được bài thi. Riêng phần Speaking (nói) của môn tiếng Anh thì phải tự soạn. Cô giáo dạy thêm không ôn tập phần này nên hầu như các học sinh đều lúng túng và lo lắng. Vì thương thằng em, tôi cũng soạn cho nó một bài nói đúng quy trình cô giáo đã gợi ý sẵn. Tôi cũng gợi ý cho em trả lời những câu hỏi mà cô giáo sẽ hỏi.

Câu chuyện trên như một lời vạch trần cho việc học đối phó của một bộ phận học sinh hiện nay. Đó là hệ lụy nhãn tiền mà ai ai cũng có thể nhận ra từ căn bệnh thành tích. Chỉ cần vượt qua kỳ thi hoặc một môn học nào đó, các em học sinh sẽ không còn quan tâm đến kiến thức hay lời giảng của giáo viên nữa. Chính điều này khiến lượng kiến thức của học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường bị thu hẹp và hạn chế. Nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc mất căn bản trầm trọng với những môn học sinh tự cho là không cần thiết. Và để chạy theo thành tích, chính giáo viên cũng đã tiếp tay cho các em quen dần với việc học đối phó này.

Tôi nhớ, đã có lần dư luận lên tiếng về việc các học sinh ngày nay không nắm bắt được lịch sử nước nhà, bởi các em chỉ học môn lịch sử theo lối học vẹt, học mà chẳng hiểu gì, học không có hệ thống. Và có lẽ, nếu có nhớ các em cũng dễ dàng bị nhầm lẫn giữa năm này với sự kiện lịch sử của năm kia. 

Hệ lụy thứ hai từ việc chạy theo thành tích chính là “ảo tưởng về khả năng của bản thân”. Nhiều em học sinh ngày nay luôn cho mình là giỏi trước những bảng điểm đẹp với điểm số cao ngất ngưỡng. Thế nhưng, đằng sau những con điểm đó là vô vàn giọt mồ hôi của các em khi phải tất bật chạy ngược chạy xuôi để đi học thêm với chính thầy cô bộ môn. Nhiều học sinh trở nên kiêu căng với bạn bè về vốn kiến thức của chính mình. Các em không hề biết chính các em là “chú ếch đang ngồi ở đáy giếng” và phía trên là bầu trời kiến thức rộng lớn, bao la.
Hệ lụy tiếp theo chính là “ý thức học tập” của một bộ phận học sinh xuống cấp nghiêm trọng. Cách cụ thể, cách đây không lâu, Linh Ka – một bạn trẻ nổi tiếng trên cộng đồng mạng đã nói rằng: “Điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp 3 và đại học mà”;  Hay nàng hotgirl Tiktoker Trần Thanh Tâm cũng đã từng phát ngôn: “Thà học ngu mà kiếm ra tiền còn hơn mấy đứa thi được 25, 30 điểm mà không kiếm được đồng nào”; Nhiều dòng trạng thái khác cũng bày tỏ quan điểm ngán ngẫm việc học như: “Mong Tết năm nay được nghỉ như năm ngoái!”, “Mong dịch để được nghỉ từ Tết đến hè”… Hay như lời của người em họ của tôi: “Học làm gì cho nhiều, em trở thành game thủ còn kiếm được nhiều tiền hơn”....
Điều này có thể được dẫn chứng khi người em họ của tôi mang chương trình Đường lên đỉnh Olympia ra so sánh với một trận đại chiến game hay các gameshow truyền hình. Phần thưởng của việc học luôn ít hơn các trò chơi giải trí và đôi khi đó là giải trí nhảm nhí. Lượt quan tâm, tương tác của các chương trình học tập cũng ít hơn. 

Bên cạnh đó, việc học còn bị xem nhẹ, bởi chính giáo viên có trong tay quyền lực ban phát những con số đẹp nếu các em cần. Thành tích đẹp, giáo viên cũng được khen thưởng. Vì lợi ích bản thân, một số giáo viên đã quên mất lương tâm nghề giáo của chính mình. Với quan điểm cá nhân, xét điểm – xét học bạ trong các kỳ thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học đã và đang là hình thức trá hình của bệnh thành tích. Đừng để lời của cô bé Linh Ka nói trở thành sự thật. Vì khi đó, nền giáo dục nước nhà sẽ tụt dốc nghiêm trọng. Ý thức hệ của lớp trẻ cũng bị chênh chao, mất định hướng.

Để có thể giải quyết một cách triệt để được những hiện tượng trên, mọi người, mọi tầng lớp phải cùng chung tay góp sức. Trước hết, cần cải thiện ý chí học tập của học sinh; Phía phụ huynh, cần có những định hướng, quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con cái;  Phía nhà trường, cần có những biện pháp làm giảm tải áp lực thi cử, cho học sinh, không để giáo viên dạy thêm cho điểm cách tràn lan; Phía ban ngành các cấp cần can thiệp và làm rõ những vụ việc “chạy theo thành tích” đã đang và sẽ diễn ra.

Hãy cùng lên tiếng để ngăn chặn, bài trừ căn bệnh thành tích, từ đó góp phần cho đất nước phát triển giàu mạnh, có thể sánh ngang cùng bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục