Những giáo viên kiên nhẫn và bao dung vì trẻ khuyết tật

Mặc dù không trải qua trường lớp sư phạm, thế nhưng, những nhân viên tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) như những thầy giáo, cô giáo đã giúp trẻ khuyết tật ở đây có một cái nghề để ổn định cuộc sống.

Cô Lê Thị Tuyết đang hướng dẫn các em khuyết tật đường may cơ bản. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Cô Lê Thị Tuyết đang hướng dẫn các em khuyết tật đường may cơ bản. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Giáo viên kiêm shipper khi tan học

Vì cảm mến những đứa trẻ khuyết tật, 14 năm trước, cô Lê Thị Tuyết (SN 1973, trú quận Liên Chiểu) từ một thợ may gia công chuyển nghề trở thành một nhân viên thuộc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện.

Những ngày đầu, cô Tuyết khá bối rối khi chưa hề có kỹ năng giao tiếp với các em. Sau đó, cô Tuyết mượn sách của các em đã học ở trường Chuyên biệt Tương Lai (quận Hải Châu) để học hỏi thêm kết hợp rèn luyện thực tế thông qua những cử chỉ, lời nói bập bẹ của các em.

Theo cô Tuyết, người bình thường học nghề chỉ tốn khoảng 5-6 tháng còn các em ở đây ít nhất 1 năm mới thạo nghề. Lớp cô Tuyết có 17 học sinh là 17 hoàn cảnh, số phận khác nhau. Khi nhận một học sinh khuyết tật, cô Tuyết phải suy nghĩ là phải dạy như thế nào cho phù hợp. Từ những câu chuyện kể của phụ huynh, có em sẽ dỗ ngọt, có em thì nghiêm khắc.

Những giáo viên kiên nhẫn và bao dung vì trẻ khuyết tật ảnh 1 Sản phẩm của các em học sinh lớp cô Tuyết. Ảnh: XUÂN QUỲNH 

Điển hình như em H. (14 tuổi) bị khuyết tật trí tuệ. Lúc đầu, ngày nào em cũng ôm đầu, la hét, đập bàn, đập ghế và không chịu hợp tác. Qua lời động viên của cô, H. dần thay đổi. Thấy H. làm tốt, cô Tuyết sẽ khen để em làm tốt hơn. Thấy em bướng bỉnh, cô cũng nghiêm khắc chỉ bảo. Nhờ vậy, H. biết phân biệt đúng, sai.

Cô Nguyễn Thị Hà (SN 1975) kể, ở đây không bắt buộc người học phải theo nghề mà trung tâm theo người học để mở nghề.

Chính vì vậy, lớp học đầu tiên cô Hà đảm nhận là lớp đan lát. Nhìn thì dễ nhưng sự khéo léo khi làm thì các em khuyết tật khó theo được, sản phẩm của các em thường bị méo. Vì vậy mà lớp đan lát mở được một thời gian phải dừng lại.

Trong một lần đi tham quan, cơ duyên đã giúp trung tâm và cô Hà có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với nghề làm hương (nhan) công nghiệp. Sau khi học khoảng 3 ngày, cô bắt đầu về trung tâm chỉ dạy cho các em.

Cô Nguyễn Thị Hà vừa dạy vừa xem các em thực hiện. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Dù các em khác biệt nhưng sản phẩm của các em cũng bán ra thị trường nên chất lượng phải đạt chuẩn. Đồng nghĩa với việc, trách nhiệm của cô Hà càng nặng nề hơn.
Ngoài chỉ dạy các em, cô còn đảm nhận các khâu khác, cô Hà nói, “Ngoài giờ, tôi đi lấy nguyên liệu hoặc giao sản phẩm cho những đầu mối từ các phường, tổ chức đoàn thể. Có khi 1 tháng phải giao 60.000 cây hương. Cực thì cực nhưng sản phẩm của các em được bán ra, tôi vui lắm”.

Chọn những người có tay nghề, có nhiệt tâm

Đến nay, gần 20 năm, gần 1.000 lượt trẻ khuyết tật ở Quảng Nam – Đà Nẵng được Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện dạy nghề và có việc làm ổn định trong xã hội. Để làm được vậy, theo ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện, đó là một quá trình dài, cùng với những quyết định khó khăn.

Khi Sở LĐTB-XH Đà Nẵng giao cho trung tâm dự án dạy nghề theo quy định trong vòng 6 tháng với khoản kinh phí không hề nhỏ trong thời điểm đó, ông Hồng đã làm nhiều người ngạc nhiên khi từ chối. Với ông, đây không phải là trẻ bình thường mà là trẻ khuyết tật. Với trẻ khuyết tật, việc dạy nghề phải khó khăn hơn theo kiểu cầm tay chỉ việc cho đến khi nào các em thạo nghề mới thôi, vì vậy 6 tháng thì chưa đủ.

Hiện vài em khuyết tật trong lớp cô Hà đã thạo nghề. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Với những đối tượng đặc biệt, cách thức ông Hồng tuyển những nhân viên dạy trẻ cũng đặc biệt. Điều kiện tiên quyết của ông Hồng lúc bấy giờ là cần những người có tấm lòng. 

“Khi bước vào “ngôi trường” này, tôi đã bảo không yêu cầu giáo viên phải có trình độ đại học, cao đẳng, mà tôi chỉ những người có nhiệt tâm. Bởi để dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã không dễ, thì với những đứa trẻ đặc biệt này lại khó khăn gấp bội. Khi la hét, khi khóc lóc, khi lại thích một mình, mỗi trẻ lại có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau, chỉ cần không vừa ý là các em nổi nóng ngay. Việc này đòi hỏi những người hướng dẫn phải thật sự kiên nhẫn và bao dung”, ông Hồng cho biết. 

Những nhân viên tại trung tâm là người hướng dẫn những kỹ năng cơ bản trong đời sống thường ngày của các em. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Thầy, cô giáo tại trung tâm không chỉ là những người “cầm tay chỉ việc” trong dạy nghề, mà còn là cha, là mẹ trong cuộc sống của các em. Tại đây như một gia đình lớn, mọi người luôn hòa đồng, san sẻ yêu thương, cùng nhau học tập, lao động để có cuộc sống tốt hơn. Qua những ngày chung sống dưới mái ấm trung tâm, đã có những mảnh đời bất hạnh đồng cảm để rồi gắn kết, tiến tới hôn nhân, chia sớt vui buồn cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục