Những dòng sông chết ngạt

Nhiều năm trở lại đây, việc khai thác quặng tràn lan ở vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” quặng đã khiến sông suối, bến nước “chết ngạt”. 
Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) chia sẻ, đối với đồng bào dân tộc Thái, về mặt tâm linh, sông suối là nơi gột rửa linh hồn của người chết. Khi đón vía trong nghi lễ cúng vía thì bến nước cũng là nơi hồn vía đáp xuống đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc khai thác quặng tràn lan ở vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” quặng đã khiến sông suối, bến nước “chết ngạt”. 

Đầu nguồn là mỏ quặng

Không ít lần lên huyện Quỳ Hợp, qua cầu Dinh, nhìn xuống dòng sông Dinh nước gợn đục ngầu mà không khỏi rùng mình. Không chỉ sông Dinh, mà 2 con sông lớn khác trên địa bàn huyện là Nậm Huống và Nậm Tôn cũng bị “bức tử” bởi khai thác quặng. Sự cố nổi cộm nhất ở “thủ phủ” quặng thời gian qua là việc đập chứa bùn thải thiếc trên núi Lan Toong (ở xã Châu Thành) của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bị vỡ. Hàng trăm mét khối bùn thải ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển đổ tràn xuống suối, chảy ra sông Nậm Huống. Hàng tạ cá ở các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang... bị chết. 
Sau sự cố vỡ đập, vào giữa tháng 4 chúng tôi trở lại Quỳ Hợp. Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó phòng TN-MT huyện cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bùn, nước sau sự cố vỡ đập vẫn chưa có. Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã đền bù cho người dân 2 xã Châu Quang và Châu Cường 34 triệu đồng. Còn về lúa bị ảnh hưởng, phía công ty này đang chờ mùa thu hoạch sắp tới mới có phương án đền bù cụ thể. Hiện tại, ở Quỳ Hợp có tới 107 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 12 mỏ quặng thiếc, 29 mỏ đá trắng, 16 mỏ đá xây dựng và 1 mỏ nước khoáng. Trong số 107 mỏ này hiện 58 mỏ đang khai thác, 49 mỏ hết hạn (trong đó có 12 mỏ đang xin cấp lại). Sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải, qua kiểm tra sơ bộ của các ngành chức năng Nghệ An, có 11 công ty khai thác quặng sai phạm và bị xử phạt 1,3 tỷ đồng.
Những dòng sông chết ngạt ảnh 1 Bà Vi Thị Mậu ở bản Thắm (xã Châu Cường) trên dòng Nậm Huống cạn trơ đáy, ngổn ngang đất đá
Châu Quang là xã có diện tích lúa lớn nhất huyện Quỳ Hợp với 417ha. Nhưng mấy năm nay, xã này đang phải chuyển đổi từ lúa sang các cây trồng khác như mía để hạn chế dùng nước, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Có những thời điểm như năm 2008-2009, trâu bò không có nước để uống, mặc dù sống cạnh nguồn nước, vì dòng Nậm Tôn và Nậm Huống bị ô nhiễm nặng nề. Một số xóm, bản trong xã đã “được” mang tên mới là “xóm nước đỏ” như: xóm Quang Hưng, bản Còn, bản Cà… Cả xã có 26 xóm, bản thì 20 xóm, bản bị ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nậm Tôn, Nậm Huống.
Gần 40 năm chưa một ngày hết đục
Giữa trưa nắng, chúng tôi gặp bà Vi Thị Mậu (ở bản Thắm, xã Châu Cường), bà đang đuổi mấy con vịt trên sông Nậm Huống nồng nặc mùi hôi thối, lòng sông cạn trơ đáy, ngổn ngang đất đá. Chỉ mấy con vịt, bà Mậu bảo: “Các chú coi đó. Mấy con vịt ni tôi nuôi lâu rồi, nhưng uống nước sông ni nên nhỏ như nắm tay rứa đó”. 
Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó phòng TN-MT Quỳ Hợp ví von, sông Nậm Huống như dòng “sông nâu”, còn Nậm Tôn như dòng “sông đỏ”. Ông Khôi thừa nhận, mặc dù đã làm hết sức và thường xuyên kiểm tra, nhưng các đơn vị khai thác quặng vẫn xả trộm thải ra môi trường, xuống sông. Đặc biệt, những mỏ thiếc đều nằm trên núi cao nên gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát. Khi các đơn vị khai thác thiếc xả thải trộm hoặc xảy ra sự cố thì nước và bùn thải đổ về các suối, sông rất nhanh. Những năm 1980, việc cấp phép khai thác quặng theo kiểu “phát triển nóng”, có thời hạn chỉ từ 3 - 5 năm. Các công ty được cấp phép (cả chưa và không phép) tranh thủ ngày đêm khai thác bằng mọi giá, cộng với công nghệ lạc hậu đã khiến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Ông Khôi than: “Cho đến bây giờ, sau gần 40 năm dòng Nậm Tôn chưa một ngày hết đục”. 
Ông Trương Văn Thuật, Phó phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết, cả huyện hiện có khoảng 2.600ha lúa, nhưng diện tích này đang giảm dần. Năm 2016, huyện đã hỗ trợ cho một số xã như Châu Quang, Châu Cường chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng mía để hạn chế phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Sau sự cố vỡ đập bùn thải thiếc, một số hộ dân sống bên sông Nậm Huống, do không biết, đã ăn cá và bị ngứa cổ. Ngay sau sự cố, huyện đã chỉ đạo các xã liên quan không cho trâu bò uống nước sông. “Với diện tích bị ngập bùn thải chảy từ sông vào thì không cây chi sống được”, ông Thuật cho hay. Ông cũng khẳng định, từ trước đến nay, huyện đã đề nghị tỉnh, Trung ương cho đánh giá các tác động từ ô nhiễm bùn thải quặng đối với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn chưa có nhà khoa học nào về, ngoại trừ khi có sự cố như vỡ đập bùn thải thiếc ngày 10-3 vừa qua. Còn lại, mỗi khi có sự việc, dân phản ánh, cán bộ huyện về chỉ biết ghi nhận và lại báo cáo lên cấp trên. 
Nỗi lo nguồn nước, nguồn sống
Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Tam ở bản Nhọi (xã Châu Cường) khi bà đang ra cánh đồng bên sông Nậm Huống thăm lúa, ngô. Bà Tam nói vui, gọi là “thăm” nhưng thực chất là ra xem lúa, ngô chết đến đâu rồi. Riêng về ngô, vụ này nhà bà và các hộ dân trong bản phải gieo đi gieo lại từ 3-4 lần. Với 1kg ngô giống có giá 120.000 đồng thì sau mấy lần gieo các hộ dân bắt đầu thấy nản và chấp nhận bỏ hoang. 
Ông Quang Cảnh Dung, cán bộ môi trường và xây dựng xã Châu Cường nói: “Ngày xưa, phù sa từ Nậm Huống vào ruộng thì mừng, còn nay rất lo. Vì phù sa bây giờ chính là bùn thải từ khai thác quặng”. Chỉ riêng trận bão số 4 năm 2016, nước sông dâng cao, “phù sa độc” tràn vào ruộng đã khiến xã này mất 75ha. Với diện tích đất bị nhiễm bùn thải, người dân có sản xuất thì năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 50%. Trước đây, 1 sào lúa cho thu hoạch khoảng 3 tạ thì giờ chỉ còn khoảng 1,2 tạ. Xã có 11 xóm, bản thì có 7 xóm, bản sống theo sông Nậm Huống bị ảnh hưởng.
Ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang kể, hồi nhỏ ông vẫn được vẫy vùng trên những dòng sông, khe suối với nhiều tôm cá, sông suối trong veo, mát lành. Nhưng từ khi việc khai thác mỏ diễn ra rầm rộ, nhất là từ năm 2000 thì môi trường đã bị tàn phá nghiêm trọng. “Năm 2013 trên tỉnh về kiểm tra và có kết luận các chỉ số về nước, bùn dưới ngưỡng cho phép. Dưới ngưỡng cho phép sao lúa lại chết? Người dân chúng tôi rất băn khoăn về nguồn nước, vì nó liên quan đến bệnh tật, hỏng đất đai, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Hiện người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm và không biết đến khi nào mới chấm dứt”, ông Thanh lo lắng.

Tin cùng chuyên mục