Những điểm hẹn cùng thành phố

“Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi còn đâu” (lời bài hát Mặt trời bé con - nhạc sĩ Trần Tiến), câu hát vang lên đúng lúc trời đổ mưa, nhưng khán giả vẫn che dù để ở lại cùng ca sĩ và ban nhạc. Những giai điệu rộn ràng trong không gian âm nhạc trẻ trung, nhịp nhàng bên bờ sông Sài Gòn vào dịp nghỉ lễ cuối tuần…
 Chương trình “Có hẹn với Sài Gòn” tổ chức tại Bến Bạch Đằng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chương trình “Có hẹn với Sài Gòn” tổ chức tại Bến Bạch Đằng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
1. Công viên Bến Bạch Đằng mới đi vào hoạt động đã trở thành điểm đến thu hút người dân thành phố. Một hình thái “trên bến dưới thuyền” mới, nhiều góc chụp ảnh “sang xịn” níu chân người trẻ. 
Và nếu điểm dừng chân của những tấm hình check-in ở Công viên Bến Bạch Đằng với hậu cảnh là cầu Thủ Thiêm 2 vừa thông xe hay những tòa cao ốc hiện đại là trang cá nhân trên mạng xã hội thì điểm nhấn và dừng chân cho khách dạo phố khu vực này là nhà ga bến tàu thủy Bạch Đằng - Saigon Waterbus với chương trình âm nhạc đường phố “Có hẹn với Sài Gòn” diễn ra vào mỗi thứ bảy hàng tuần với những chủ đề khác nhau.
Nán lại đến cuối chương trình dù trời đổ mưa, chị Huỳnh Thị Thu Trang (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tôi thích nghe nhạc hát trực tiếp như thế này hơn là những bản thu âm. Cộng thêm không gian quá xứng đáng để mình nán lại, đàn hát bên bờ sông như thế này vừa lãng mạn vừa gần gũi, không gian công cộng nhưng không chen chúc, rất nghệ thuật và rất tình”.
Vào thời điểm pháo hoa rực sáng trên bầu trời thành phố, 21 giờ ngày 30-4 năm nay, chị Trang kể: “Không phải tuổi teen mà hào hứng chuyện đi coi pháo hoa, nhưng lúc này mới thấy giá trị. Hai năm dịch dã quá vất vả, tiếng pháo hoa lúc này lại thấy bình an và mừng vì hôm nay, gia đình tôi vẫn còn đủ mặt người thân và nhóm bạn đi chung cũng vậy”.
Những điểm hẹn cùng thành phố ảnh 1 Một suất diễn múa rối nước chật kín khán giả tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG 
2. Ngày thường uống cà phê thì ngày lễ cũng uống cà phê, nhịp sống đường phố ở đô thị này luôn là vậy. Chiều ngày 1-5, từ Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), đến không gian phía trước Bưu điện thành phố, cà phê vỉa hè rôm rả khách trò chuyện và ngẫu hứng cùng ban nhạc đường phố. Những ca khúc quốc tế xen kẽ những bản nhạc Việt không ngớt, khách ngồi nghe nếu thích thì hòa điệu, hòa giọng cùng ban nhạc.
Ly cà phê vỉa hè chẳng thể so bì với quán sang, nhưng đậm đà và giữ chân khách bởi không gian vừa gần vừa thân. “Nhộn nhịp vầy mới đúng thành phố mình, nhớ hồi giãn cách thèm ra đường, thèm ly cà phê vỉa hè thế này thôi. Tôi vẫn còn kịp công việc trực tuyến, nên lễ này chưa thể đi du lịch, tranh thủ mấy ngày nghỉ đi vòng quanh thành phố mình cũng có nhiều cái hay lắm”, anh Nguyễn Văn Thanh (43 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ.
3. Và trong những cái hẹn với thành phố để người ta ra đường dạo chơi, chính là các không gian văn hóa, nghệ thuật trở lại sau những tháng dài gián đoạn do phòng chống dịch Covid-19. Hai ngày 30-4 và 1-5, 8 suất diễn của vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM luôn kín khách, anh Nguyễn Văn Mãnh (múa rối nước Rồng Phương Nam - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) cho hay: “8 suất trong 2 ngày lễ luôn kín khách, chủ yếu là khách trong nước, mọi người coi xong mà vẫn còn nấn ná với sân khấu thêm chút nữa. Ngày lễ, chúng tôi tăng cường 4 suất diễn trong ngày, bù lại cho mấy tháng dài phải ngưng mọi hoạt động vì dịch, anh em vui lắm”.
Kết hợp một cụm tham quan từ Thảo Cầm Viên sang Bảo tàng Lịch sử TPHCM và xem rối nước, Thu Hằng (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn) chia sẻ: “Nghỉ lễ này, tôi có nhóm bạn từ Đà Nẵng vào, nên đưa các bạn đi tham quan cho trọn vẹn. Tôi đến đây khá nhiều lần nhưng lần đầu xem rối nước, buổi trình diễn chỉ tầm nửa tiếng nhưng rất thu hút, say sưa xem mà quên xin chụp hình cùng nghệ sĩ biểu diễn luôn”.
Và không khí nhộp nhịp cũng đến với ngoại thành, đêm diễn với tên gọi Non sông thống nhất tối 30-4 và 1-5, tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân (khu dân cư Tân Tạo, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và Khu Công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM phụ trách, các nghệ sĩ gần như đội mưa để diễn nhưng vẫn hào hứng. 
“Không chỉ có hát bội mà đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp có xiếc, ca nhạc, ảo thuật… Đêm diễn 30-4, mưa càng lúc càng lớn, nhưng tới tiết mục kết chương trình bà con vẫn hỏi: “Ủa hết rồi hả?”, khán giả ở lại với mình đến phút cuối, nên anh em trong đoàn hào hứng lắm, có đội mưa để diễn mình cũng thấy vui, vì bà con ủng hộ nhiệt tình quá”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Tổ chức biểu diễn - Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, chia sẻ.
Nhịp đập của thành phố trẻ hôm nay, không chỉ là sự rộn ràng của một kỳ nghỉ lễ, mà đó còn là sự bình an trở lại trên phố phường sau những tháng dài tổng lực chống dịch. Và đâu đó là sức sống mới từ những không gian sinh hoạt công cộng, phát huy giá trị của mạch nguồn văn hóa để làm nên bản sắc cho thị thành.
“Lâu rồi mới thấy hát bội, hồi xưa tui coi ở đám đình không à, hai năm nay dịch quá trời nên đâu có Kỳ Yên, hát bội gì… Bữa nay, coi được trích đoạn chút mà vui ghê”, bà Nguyễn Thị Xê (70 tuổi, ngụ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cho hay khi xem đêm diễn Non sông thống nhất.

Tin cùng chuyên mục