Những cuộc trở về của nghệ sĩ gốc Việt: Về Việt Nam và vì Việt Nam

“Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng rất lớn đối với tôi. Bởi tôi yêu những gì thuộc về văn hóa vùng đất mình sinh ra. Đó là những điều luôn luôn hướng tôi về, kết nối tôi với con đường âm nhạc. Không có lý do gì mình không về, không làm những dự án, hoạt động xã hội, văn hóa, âm nhạc trong nước. Tôi muốn đưa những gì tinh túy của âm nhạc Việt ra thế giới”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ trong một buổi chiều tháng 5, khi anh đang ở Việt Nam.

1. Đây có lẽ là lần nghệ sĩ Ngô Hồng Quang ở lại Việt Nam khá lâu sau nhiều chuyến đi đi về về giữa Hà Lan và Việt Nam, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Trước đó, hơn 10 năm ở Hà Lan, khi có cơ hội quay về Việt Nam, anh đều tham gia nhiều chuyến điền dã để sáng tạo nghệ thuật, thực hiện các dự án góp phần làm đa dạng và đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng. Anh là ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam trong việc thể nghiệm kết hợp nhạc cụ dân tộc với các thể loại nghệ thuật đương đại, mang thanh âm truyền thống của Việt Nam vươn ra thế giới.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (ngoài cùng, bên phải) biểu diễn nhạc cụ 
dân tộc Việt Nam cùng các nghệ sĩ quốc tế
Về Việt Nam, anh vừa ra mắt album Tình đàn vào đầu năm 2021, bằng âm thanh mộc mạc đầy tính biểu cảm của cây đàn tính, hòa quyện âm sắc tự nhiên đầy chất bản địa của đàn đó, trống chum, trống lãng, sáo thiu, đàn môi. Album sử dụng chất liệu chính từ yếu tố bản địa trong âm nhạc Việt Nam, nhưng đồng thời truyền cảm hứng từ những trải nghiệm và tiếp xúc với âm nhạc quốc tế trong những chuyến công diễn của anh. “Tình đàn giống như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới, tổng kết lại chặng đường đi của tôi trong thời gian qua. Tôi đặt Tình đàn bởi vì đó là tình cảm, lời tri ân của mình với nhạc cụ đã song hành qua bao nhiêu năm nay. Những gì mộc mạc, tinh túy được giới thiệu với khán giả quốc tế, để họ thấy âm nhạc Việt Nam là như thế”.


Nhiều người nước ngoài thích âm nhạc của anh vì có tính kết nối với họ, nhưng theo anh, nếu muốn đi rộng hơn, thật sự phải hiểu không gian văn hóa của mình đứng trong không gian văn hóa của họ như thế nào và việc kết nối đó ra sao. Anh chia sẻ: “Tôi làm nhiều dự án khác nhau vì lý do là phải đậm màu sắc âm nhạc Việt Nam. Tôi xuất thân từ người chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam và hiểu rất rõ âm nhạc dân tộc đó là gì, và tình yêu của mình ở mức độ nào… Phải hiểu và biết cách tạo ra hiệu ứng tốt nhất có thể mà không mất đi tinh thần, sự tinh túy. Đó là ứng xử tôn trọng với âm nhạc dân tộc”.

Không chỉ là người biểu diễn, anh còn sáng tác, sáng tạo không gian âm nhạc của riêng mình qua những chương trình, sản phẩm âm nhạc đặc biệt như album Nhìn lại hòa quyện xẩm, ca trù và âm hưởng nhạc Tây Nguyên; liveshow Nam nhi kết hợp nhạc trẻ và quan họ, Hanoi Duo kết hợp giữa jazz và các giai điệu Tây Bắc thực hiện chung cùng nghệ sĩ Pháp gốc Việt - Nguyên Lê… Theo anh, việc kết hợp các nghệ sĩ Việt trên thế giới mang lại nhiều kết quả có giá trị: “Để thành công phải có nhiều người cùng làm với tâm thế, tư duy, mong muốn nâng cao giá trị cốt lõi của âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

2. Biên đạo múa tài năng Alex Tú về Việt Nam lần đầu vào năm 2003 và quyết định ở lại Việt Nam làm việc. Là một trong những biên đạo tài năng với khả năng sáng tạo mạnh mẽ, anh muốn gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, văn hóa qua ngôn ngữ múa đến khán giả.

Alex Tú nói rằng muốn hỗ trợ phát triển các thế hệ vũ công trẻ tại Việt Nam ngày một chuyên nghiệp. Từ mong muốn đó, anh đem về TPHCM giáo trình bài bản từ ISTD (The Imperial Society of Teachers of Dancing - một trong những hội đồng thi đánh giá về vũ đạo hàng đầu thế giới đến từ London, Anh) để đào tạo vũ công Việt. Và sau đó, các chương trình, dự án liên tiếp được thực hiện, giúp biên đạo múa nói tiếng Việt còn chưa sõi này tiếp cận gần hơn với những ước mơ của mình khi trở về Việt Nam. Đó là dự án nghệ thuật Vietnam The world tour được thực hiện dài hơi, là chương trình từ thiện gây quỹ giúp đỡ trẻ em khiếm thính Việt Nam Moving feet, Moving hearts; là việc thành lập nhóm Young Liricist với nhiều bạn trẻ có tài năng nhảy múa…

Mong muốn được góp sức cho sự phát triển nghệ thuật múa trong nước thể hiện rõ trong mỗi bài nhảy được anh cố gắng kết nối những nét đẹp văn hóa truyền thống, mang vẻ đặc trưng rất Việt Nam cùng với các yếu tố hiện đại. Alex Tú chia sẻ, nhảy múa là ngôn ngữ dễ dàng kết nối mọi người với nhau, thể hiện được nhiều vấn đề của cuộc sống thông qua ngôn ngữ của sự chuyển động. Do vậy, nghệ thuật múa cần được cập nhật kiến thức ngay trong trường học, giúp nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật, khả năng cảm thụ nghệ thuật và phát huy sức sáng tạo cho các em. Đó cũng là lý do anh rất chú trọng việc tổ chức các chương trình đào tạo nghệ thuật múa ở các trường đại học và cao đẳng tại TPHCM. Đây cũng là cách để anh có thể tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới tiềm năng.

Gần 8 năm trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật và theo đuổi giấc mơ truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các vũ công trẻ, biên đạo múa Alex Tú đã từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho hoạt động của mình tại TPHCM.

3. Những nhà làm phim gốc Việt đang ngày càng chứng minh được tiếng nói, chỗ đứng trong làng giải trí Việt. Có thể kể đến hàng loạt tên tuổi: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Dustin Nguyễn, Bảo Nguyễn, Hàm Trần, Đức Minh Nguyễn, Leon Quang Lê, Peter Hiền, Cường Ngô, Jenni Trang Lê… Không quá lời khi cho rằng, sự khởi sắc của điện ảnh Việt hiện nay có sự góp sức quan trọng của thế hệ các nhà làm phim gốc Việt. Trong 14 phim Việt có doanh thu từ 100 tỷ đồng, có đóng góp rất lớn từ các nhà làm phim: Lê Văn Kiệt, Victor Vũ, Charlie Nguyễn…

Có một đặc điểm chung dễ nhận thấy ở hầu hết các nhà làm phim gốc Việt, là ý thức về tinh thần Việt Nam và mong muốn truyền tải nó trong các tác phẩm của mình. “Tôi sinh ra là người Việt Nam. Bố mẹ luôn yêu cầu tôi phải nói tiếng Việt, duy trì các thói quen của người Việt... Tôi luôn ý thức được rằng, mình có bản chất Việt chảy trong dòng máu. Khi trở về Việt Nam làm phim, tôi nhận được rất nhiều sự yêu thương của mọi người. Do đó, như một cách tự nhiên, tôi càng muốn được tìm hiểu, được kết nối với người Việt nhiều hơn”, đạo diễn Lê Văn Kiệt, người đứng sau nhiều bộ phim đình đám: Ngôi nhà trong hẻm, Dịu dàng, Hai Phượng và sắp tới là Bóng đè, chia sẻ.

Victor Vũ có lẽ là đạo diễn gốc Việt bền bỉ và chăm chỉ bậc nhất từ khi về Việt Nam làm phim. Tính từ Chuyện tình xa xứ (2009), gần như đều đặn mỗi năm anh đều ra phim, thậm chí có năm đến 3 phim. Trong phim của Victor Vũ, chất Việt Nam đậm đặc và được thể hiện khéo léo. Khán giả không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước những khung hình đẹp đến nao lòng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bộ phim đã góp phần đánh thức du lịch Phú Yên với rất nhiều danh thắng “ngủ quên” thời gian dài. Victor Vũ tự nhận là một người con đất Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nên làm bộ phim này giúp anh thêm hiểu về quê hương, văn hóa, con người Việt Nam. Và, anh thấy bản thân mình và em trai trong câu chuyện này. Sang đến Mắt biếc, làng quê xứ Huế hiện lên đầy mộng mơ, gần gũi, gợi bao ký ức. Phim của Victor Vũ đã tạo nên trào lưu “check-in” bối cảnh trong rất nhiều khán giả trẻ.

Victor Vũ từng chia sẻ, vì không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nên anh luôn thấy mọi sự hấp dẫn, thu hút hơn và luôn khao khát được khám phá, khai thác và hình tượng hóa trong các bộ phim của mình. Nhưng, căn nguyên sâu xa tạo nên nền tảng của anh chính là yếu tố gia đình. Sống ở Mỹ, là công dân Mỹ nhưng anh vẫn ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt, được nghe những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết… giúp anh ý thức hơn về nguồn cội và niềm tự hào dân tộc. “Tôi nhớ mình từng đến rạp xem những bộ phim của Hollywood và tự hỏi tại sao Việt Nam không có những bộ phim như vậy. Do đó, hành trình quay trở về Việt Nam để làm phim là điều gì đó rất tự nhiên đối với tôi, như là định mệnh vậy”, anh bộc bạch.

Angie Chau và Nguyễn Phan Quế Mai là 2 trong số những nhà văn gốc Việt có tác phẩm được xuất bản trong nước. Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, dòng văn học di dân đã thổi một luồng gió mới, để cùng những tác giả trong nước tạo nên một đời sống văn chương và xuất bản thực sự sinh động, đa dạng. Ở Mỹ có Lâm Vân An, Nguyễn Thanh Việt, Trần Vũ, Ocean Vuong, Lại Thanh Hà; ở Đức có Mai Lâm, Lê Minh Hà…

Ngoài ra, có những nhà văn sau thời gian ở hải ngoại đã về Việt Nam sống và sáng tác như Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Hải Anh, Việt Linh… Họ cũng từng được vinh danh tại các giải thưởng văn chương uy tín trong nước như Đoàn Minh Phượng (tiểu thuyết Và khi tro bụi), Nguyễn Văn Thọ (tiểu thuyết Quyên)…

Tin cùng chuyên mục