Những chuyến xe yêu thương

“Chị Anh ơi! Hồi chiều tui mới nghe loa thông báo bệnh nhân khoa mình ai cần vé xe về quê ăn tết thì tới đăng ký chỗ phòng trực đó. Chị chạy lại hỏi xem, đặng còn kịp xin vé mà về” – vừa nghe chị bệnh nhân cùng phòng nói, chị Ngọc Anh mừng quá vội chạy lên nhưng không kịp đăng ký vì quá giờ trực, người phụ trách đã về. Sáng hôm sau, khi cửa phòng trực vừa mở, chị Anh đã đứng chờ sẵn…

“Bến xe” đặc biệt

“Cô chú ơi, xếp hàng rồi mình lên xe theo thứ tự nha!”; “Con đỡ cô lên xe ngheng!”; “Xếp cho cô chú ngồi chỗ này đi!”; “Hành lý xếp ở dưới OK hết chưa? Đếm người lại coi đủ chưa để biết xe khởi hành”… Mới đầu giờ chiều, khuôn viên bên trong Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM đã rộn ràng tiếng người, nhộn nhịp xe cộ và đầy những tốp “hành khách” đặc biệt. Nói là hành khách đặc biệt bởi đó là hàng trăm người bệnh, người nhà với nhiều hành lý, đồ đạc. Và tại “bến xe” rất đặc biệt này, người điều phối, hướng dẫn các ông bà, cô bác, bệnh nhi lên xe chính là các bác sĩ, điều dưỡng, y tá tại bệnh viện cùng rất nhiều tình nguyện viên. Họ đứng đọc tên từng chuyến xe; xách từng túi đồ cho bệnh nhân chất vào khoang hành lý; hướng dẫn và sắp xếp từng vị trí ngồi… 

Những chuyến xe yêu thương ảnh 1 Chuyến xe chở bệnh nhân về quê đón tết tại Bệnh viện Ung Bướu

Thấy bệnh nhân Lê Thị Ngọc Anh (43 tuổi) một mình ôm túi hành lý, vai đeo thêm một túi khác, tình nguyện viên đã nhanh chóng chạy lại đỡ giúp chị. Sau khi được hướng dẫn, yên vị ngồi đúng số ghế trên chuyến xe về quê nhà Gia Lai, chị Anh thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tới sáng mai thôi, chị đã ở quê nhà, giữa hương rừng cà phê bạt ngàn, bên mẹ già và các con.

Chị kể: “Hôm trước chờ sẵn ở phòng trực, tôi may mắn đăng ký được vé xe về quê. Mừng quá cô ơi! Mình thì bệnh tật, vô thuốc liên miên, đến mua cháo còn phải nhờ người nhà của bệnh nhân khác mua giùm ăn qua bữa thì làm gì mà ra tận bến xe mua được cái vé về tết. Giờ muốn mua cũng khó, giá lại cao, người ta đặt từ cả tháng trước”. Chị Ngọc Anh bị bệnh ung thư buồng trứng 4 năm nay, phẫu thuật tới 6 lần, tóc cứ mọc lên lại truyền thuốc rồi rụng đi nhiều lần. Hiện tại bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Từ ngày lâm bệnh, chị bỏ việc, gia đình bán hết đất, vay thêm tiền để điều trị, nợ nần tới 400-500 triệu đồng rồi. Bởi vậy, chiếc vé xe về quê thật sự thiết thực với chị.

Đang đợi lên chuyến xe về Bình Định, dì Sần Thị Nhung (65 tuổi) và chú Hồ Văn Dụng (62 tuổi, quê xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng vui mừng khôn xiết. Vật dụng, tư trang của hai vợ chồng không có gì nhiều ngoài một túi xách đựng áo quần. Từ ngày đăng ký được vé đến nay, hai vợ chồng dì Nhung ngủ ngoài hành lang phòng bệnh đợi ngày về vì đã làm thủ tục xuất viện.

“Vé về quê mua ở ngoài tầm này của hai người hết gần 3 triệu đồng, tiền đâu ra mà mua được con ơi. Chú bị ung thư máu, chi phí điều trị không chịu nổi. Dì vay mượn tiền họ hàng, láng giềng đến giờ là 60 triệu đồng rồi, không biết lúc nào mới trả được nên đâu dám nghĩ đến chuyện xe cộ về tết”, dì Nhung sụt sùi nói.

Bước lên xe, cả dì và chú được các y bác sĩ, tình nguyện viên dẫn đến tận chỗ ngồi, phát cơm nước và tặng bao lì xì. Mắt rơm rớm, dì Nhung tâm sự: “Ở quê chỉ làm ruộng, mà chú đau quá nên bỏ hết để đi chữa bệnh. Con cái đi làm ăn xa, đều nghèo khổ nên hai vợ chồng già ráng nuôi nhau. Chỉ mong ổng sống lâu lâu với mình thêm chút nữa. Tết đến nơi rồi, về tới nhà ráng làm mâm cơm cúng tết. Rồi đợi ra giêng, vé xe rẻ chút lại đưa ổng vô điều trị tiếp”.

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” đưa bệnh nhân về quê đón tết được tổ chức rất nhiều năm tại BV Ung Bướu. Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, một số đơn vị luôn đồng hành cùng chương trình này. Không chỉ hỗ trợ phương tiện miễn phí về quê cho người bệnh, người nhà bệnh nhân mà phía bệnh viện, các đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm còn chuẩn bị chu đáo những phần quà thiết thực hỗ trợ. Những chuyến xe miễn phí khởi hành từ bến xe đặc biệt này đã toả đi các tỉnh, theo các nhánh Tây Nguyên, miền Trung và miền Tây Nam bộ, mang theo nhiều sự sẻ chia.

Anh Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng Công tác xã hội BV Ung Bướu, chia sẻ: “Với bệnh nhân ung thư, đã mang bệnh là đối mặt với muôn vàn cái khó, từ điều trị lâu dài, đau đớn đến những khó khăn về kinh tế đi kèm khiến nhiều gia đình kiệt quệ. Chỉ riêng việc mua vé về quê cũng khiến họ trăn trở rất nhiều. Do đó, sự hỗ trợ từ những tấm lòng nhân ái đưa họ về quê đón tết đoàn viên quả thật rất ý nghĩa. Họ có thêm niềm tin, nghị lực, dù bệnh tật có tiếp tục dày vò đó”. 

Chuyến xe nghĩa tình của người lao động nghèo 

8 giờ sáng ngày 18-1 (24 Tháng Chạp Âm lịch), ngay trước địa chỉ 186 Bùi Đình Tuý (phường 24, quận Bình Thạnh), hơn 300 người lao động thu nhập thấp lần lượt được đưa lên 8 chiếc xe loại 45 chỗ về quê đón tết. Họ đa phần từ các vùng quê nghèo một số tỉnh miền Trung vào thành phố làm nghề thu lượm ve chai, hàng rong…

Những chuyến xe yêu thương ảnh 2 Xe đưa người lao động thu nhập thấp về quê ăn tết với gia đình 

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, đơn vị đứng ra tổ chức những chuyến xe nghĩa tình cho biết, để có được những chuyến xe này là nhờ rất nhiều tấm lòng nhân ái nhiệt tình giúp đỡ. Nhiều công ty, mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi được kêu gọi đã hỗ trợ nguyên một chuyến xe cho người nghèo. Riêng nhóm thiện nguyện từ 2 giờ sáng đã dậy nấu cơm, làm đồ ăn, chuẩn bị nước uống đầy đủ, chu đáo... để lo ăn uống tận tình cho bà con khi họ lên xe. Trước khi xe lăn bánh, mỗi người còn nhận được một bao lì xì. 

Rạng sáng ngày 19-1, từ Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, 2.270 công nhân khó khăn cũng đã lên “Chuyến xe Thanh niên công nhân - Chuyến xe sum vầy” về nhà đón tết. Năm nay, có 16 xe đưa họ về 4 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá. Không chỉ được hỗ trợ vé xe, mỗi người còn được nhận phần quà trị giá 500.000 đồng.

Trước đó, ngày 15-1, hơn 2.500 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã cùng những “Chuyến xe mùa xuân” rời thành phố về quê. 

Những chuyến xe nghĩa tình đã mang tết đến thật gần với những người còn khó khăn

Năm nào cũng vậy, tới thời điểm này, khi những chuyến xe nghĩa tình lăn bánh từ khắp nơi trong thành phố mang lại quá nhiều cảm xúc. Không chỉ với bệnh nhân, người lao động nghèo, công nhân - sinh viên khó khăn mà còn cả trong lòng của người dân thành phố.

Những chuyến xe ra đi chở đầy những câu chuyện về hành trình níu giữ sự sống, lao động, học tập nơi thành phố nghĩa tình… 

Và cũng trên những chuyến xe ấy, lan tỏa muôn điều tốt đẹp về lòng sẻ chia để làm nên một mùa xuân ấm áp, sum vầy. 

Tin cùng chuyên mục