Những “chiến binh áo trắng”

Không có cái Tết Nguyên đán trọn vẹn bên người thân, vượt qua nỗi sợ hãi, cả những áp lực dư luận, họ đã đồng hành cùng bệnh nhân chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra. Họ là 28 y bác sĩ của Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, những người lính mặc áo trắng.

Cứu người là trên hết

Theo lịch công tác, đêm 28 Tết, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, vào ca trực. Nhưng thay vì một ca trực êm đềm do đa số bệnh nhân về nhà đón tết, thì bác sĩ Bình lại đón nhận thông tin khá bất ngờ: có 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nhập viện. Đó là các bệnh nhân Li Ding và Li Zichao (quốc tịch Trung Quốc).

“Quá trình khám bệnh thấy bệnh nhân có triệu chứng của viêm phổi cấp, lại đến từ Vũ Hán, nơi đang là tâm điểm của dịch Covid-19, nên tôi nghi ngờ 2 bệnh nhân này đã nhiễm bệnh. Lúc đó, biện pháp đầu tiên mà chúng tôi áp dụng là cách ly ngay bệnh nhân, bố trí đường đi an toàn để chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới”- bác sĩ Bình cho biết.

Chỉ sau chưa tới 3 giờ đồng hồ, một khu vực cách ly và một đường đi đảm bảo an toàn cho bệnh nhân từ Khoa Cấp cứu đến Khoa Bệnh nhiệt đới được thiết lập. Cùng với đó là lệnh điều động của ban giám đốc bệnh viện, toàn bộ nhân sự của Khoa Bệnh nhiệt đới tập trung sẵn sàng… trực chiến. 

Những “chiến binh áo trắng” ảnh 1 Ê kíp bác sĩ điều trị chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình ông Li Ding ngày ra viện. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Đang chuẩn bị về quê ăn tết thì tôi nhận được điện thoại “báo động đỏ” của lãnh đạo khoa, phải có mặt tại bệnh viện. Tôi chỉ kịp nhắn với người nhà là sẽ không nghỉ tết và nhận nhiệm vụ luôn, mặc dù được thông báo sẽ phải chăm sóc những bệnh nhân đang nhiễm Covid-19 nguy hiểm”, điều dưỡng Trần Thị Hải tâm sự. 

Cùng với việc bố trí nhân sự bổ sung làm việc xuyên tết, việc tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả đối với từng người bệnh cũng là một trong những thách thức lớn với đội ngũ y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới. Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa, dù trước đó lịch nghỉ tết, trực tết đã được đơn vị phân công cụ thể, nhưng khi tiếp nhận 2 ca bệnh đặc biệt nhiễm Covid-19, toàn bộ lịch trực đều bị đảo lộn và phải điều động nhân sự bổ sung. 28 nhân viên y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên dọn dẹp vệ sinh được lãnh đạo Khoa Bệnh nhiệt đới chỉ định tham gia ê kíp theo dõi, chăm sóc 2 bệnh nhân đặc biệt này. Tuy nhiên, với việc túc trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến lâm sàng của 2 bệnh nhân và kịp thời ứng biến đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với diễn tiến sức khỏe của người bệnh, dần dần 2 bệnh nhân đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Đặc biệt, đối với bệnh nhân Li Ding, từ một người không thể đứng lên được, mọi sinh hoạt cá nhân phải hoàn toàn dựa vào nhân viên y tế, đã có thể tự chăm sóc bản thân sau 1 tuần điều trị.

“Chính những kinh nghiệm từ các lần chống dịch trước đã giúp các y bác sĩ tìm ra phác đồ điều trị cá thể hóa mỗi bệnh nhân, có nghĩa là phương án điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, thể trạng, bệnh nền của bệnh nhân và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Đáng mừng, phương án này đã có hiệu quả khi bệnh nhân Li Zichao âm tính với Covid-19, chỉ sau 1 tuần điều trị; còn ông Li Ding do có nhiều bệnh nền nguy hiểm cũng đã khỏi bệnh sau 21 ngày điều trị”, TS-BS Lê Quốc Hùng cho hay.

Vượt qua sợ hãi  

Trong khi cả thế giới hoang mang, lo lắng về chủng virus mới khiến hàng chục ngàn người mắc và hàng ngàn người chết trên thế giới, thì họ - những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng - lại lao vào các “điểm nóng”. Gác lại niềm vui sum vầy trong những ngày tết, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, các y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà cấp trên giao phó mà không hề có sự đùn đẩy hay tỵ nạnh. 

Với sự đồng lòng của 28 nhân viên y tế cùng với quyết tâm cứu chữa bệnh nhân bằng tất cả những gì mình có của lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tạo nên kỳ tích. Sau 21 ngày điều trị, bệnh nhân Li Ding - người mắc bệnh nặng nhất trong tổng số 16 ca bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam, đã khỏi bệnh, hoàn toàn khỏe mạnh.

Ngày được xuất viện, cứ bắt gặp mỗi cái bóng áo blouse trắng, ông Li Ding lại cúi chào một cách trân trọng và thốt lên “Cảm ơn bác sĩ Việt Nam”.

Còn anh Li Zichao, 3 ngày sau khi rời Việt Nam đã viết một bức thư đầy xúc động gửi đến tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thư anh viết: “Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày, nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên được ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại. Sự tử tế của các bạn khiến chúng tôi vẫn ghi nhớ rất sâu. Chúng tôi quyết định sẽ trở lại Chợ Rẫy lần nữa để thể hiện niềm cảm kích sâu sắc tới những người bạn tuyệt vời của gia đình. Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn tất cả những y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc cho chúng tôi”. 

Ngày tiễn bệnh nhân Li Ding xuất viện, toàn bộ lãnh đạo, y bác sĩ của Khoa Bệnh nhiệt đới thở phào nhẹ nhõm. Và như thường lệ, họ quay trở lại với công việc đời thường, âm thầm chuyên tâm điều trị cho những người bệnh đang chờ, bởi với họ, cứu người là “mệnh lệnh của trái tim!”.

Tin cùng chuyên mục