Những cây cầu từ thiện VK

Thành lập từ năm 2004, qua 14 năm hoạt động, nhóm từ thiện VK do ông Nguyễn Văn Công, kiều bào Pháp, đứng ra vận động đã xây được 245 cây cầu trên mọi miền đất nước.
Niềm vui của bà con xã Long Thới khi đi trên cây cầu mới
Niềm vui của bà con xã Long Thới khi đi trên cây cầu mới

Ở những vùng quê nghèo, những cây cầu bê tông kiên cố do nhóm xây tặng không chỉ đem lại niềm an lạc cho người dân mà còn góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương. 

Đẹp lắm những tấm lòng

Ở tuổi 80, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, hưởng phước bên con cháu, nhưng ông Nguyễn Văn Công vẫn đau đáu lo nghĩ về quê hương, đất nước, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ở đó còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, phương tiện đi lại còn khó khăn. Là kỹ sư chuyên về xây dựng, sau một thời gian suy nghĩ, ông quyết định thành lập nhóm từ thiện VK. Mục tiêu của nhóm là xây cầu nông thôn giúp bà con nghèo và các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa đi lại dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế vùng, giảm thiểu sự cách biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Những ngày cuối tháng 9 này, nhóm tiếp tục khánh thành và đưa vào sử dụng 2 cây cầu hữu nghị ở tỉnh Bến Tre là VK 244 (xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm) và VK 245 (xã Long Thới, huyện Chợ Lách). Cầu VK 244 có chiều dài 15m, ngang 2m, tải trọng 1 tấn, với tổng chi phí xây dựng là 90 triệu đồng. Cầu VK 245 dài 18m, ngang 2,5m, tải trọng 1 tấn, chi phí xây dựng 126 triệu đồng. Nhóm VK tài trợ kinh phí 50%, phần còn lại do Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp xây dựng. Cũng trong dịp khánh thành 2 cây cầu hữu nghị, nhóm VK còn tặng 150 phần quà gồm nhu yếu phẩm, tập viết, bánh kẹo, lồng đèn trung thu… cho người nghèo và trẻ em ở 2 xã. Bà Nguyễn Thị Bé (64 tuổi, một trong những hộ dân ở xã Long Thới được nhận quà trong đợt khánh thành cầu) vui mừng cho biết: “Tôi là hộ nghèo của địa phương, gia đình neo đơn, sống một mình bằng nghề bán vé số dạo. Hai chân bị yếu, teo cơ do bị di chứng của nhiều căn bệnh để lại. Hàng ngày, tôi qua lại chiếc cầu này nhiều lần. Lúc trước, cầu yếu lắm, không có tay vịn, lại bị nghiêng một bên, khi mưa thường trơn trợt, nhiều lần tôi bị té ngã, nên những ngày trời mưa tôi không dám đi lãnh vé số bán. Hôm nay, người dân ở xã có cây cầu mới, an toàn, đẹp, bà con đi lại dễ dàng, tôi vui lắm”. 

Cùng chung tâm trạng vui mừng, hân hoan, các em học sinh ở Trường Tiểu học Long Thới A trong bộ đồng phục tinh tươm đứng xếp hàng trật tự, nhận những phần quà của nhà tài trợ trao tặng. Một học sinh lớp 5 cho biết em rất vui khi có chiếc cầu mới, vì từ nay đường đến lớp sẽ dễ dàng hơn, không sợ bị té ướt quần áo mỗi khi trời mưa trơn trợt. Ông Trình Minh Trí, Chủ tịch xã Thuận Điền (huyện Giồng Trôm), chia sẻ: “Nhóm VK xây cầu đúng tiến độ, thiết kế đẹp, thông thoáng, chắc chắn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông thôn mới, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, cuộc sống của bà con ngày càng ổn định”.

Bí quyết xây cầu nhanh

Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng nhóm VK, cho hay: “Lực lượng thi công là đội ngũ chuyên nghiệp do nhóm VK đào tạo; áp dụng khoa học - công nghệ mới, đảm bảo chất lượng, thi công an toàn bằng phương pháp cọc nhồi. Đây chính là bí quyết giúp xây cầu nhanh. Thay vì đổ sẵn bê tông ở trên bờ, đợi khô rồi mới đóng xuống nước như thông thường, nhóm VK dùng máy khoan sâu xuống nước khoảng 8m, rồi bỏ sắt thép, đổ bê tông trực tiếp. Với phương pháp này, bất chấp trời mưa hay nắng đều có thể thực hiện được. Nhờ đó, mỗi cây cầu xây trong vòng 1 tháng là xong. Dù xây nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, kiểu dáng đẹp và giá thành ở mức thấp nhất; tuổi thọ có thể sử dụng từ 40 năm trở lên”. 

Tiếng lành đồn xa, rất nhiều địa phương biết đến nhóm từ thiện VK, nên số đơn gửi đến nhóm đề nghị xây cầu hữu nghị cứ tăng dần hàng ngày. Thấu được mong ước của người dân, ông Công chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, ông vẫn cố gắng hết sức đi vận động tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo đội ngũ tiếp cận để nhóm có thể giúp cho người dân vùng sâu vùng xa có thêm nhiều chiếc cầu mới. Bởi theo ông, giúp người dân có phương tiện đi lại dễ dàng; vận chuyển hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp mua bán trao đổi thuận tiện hơn cũng là góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tin cùng chuyên mục