Những câu chuyện đẹp

Bảng điểm trên 28 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua của đôi bạn Minh Hiếu - Tất Minh (Thanh Hóa) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng hơn hết chính là câu chuyện 10 năm cõng bạn đến trường của đôi bạn trẻ đã lan tỏa, chạm đến trái tim nhiều, vì đâu đó trong những thứ hiện đại, công nghệ… của người trẻ thuộc gene Y, gene Z vẫn có chỗ cho những điều tốt đẹp len lỏi.
Nhóm bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo tại quán trà và thiền trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TPHCM)
Nhóm bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo tại quán trà và thiền trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TPHCM)

1. Trở về sau chuyến đi Bình Phước, gương mặt đen nhẻm vì nắng gió, Nguyễn Tuấn Tú (28 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) hào hứng kể: “Mấy bữa nữa là nhả nắng ra thôi, lần này đi hơi cực nhưng bù lại tổ chức đêm Trung thu cho mấy đứa nhỏ vui lắm”. Sau những chuyến đi từ thiện xa, Tú trở về với công việc thường ngày của một kỹ sư điện tử, hết giờ làm ở công ty lại đều đặn đến quán cơm 2.000. 11 năm quán cơm 2.000 (trên đường Ngô Quyền, quận 10, TPHCM) hoạt động thì Nguyễn Tuấn Tú đã góp mặt 10 năm cùng các cô chú ở đây chuẩn bị từng suất cơm, dọn từng cái bàn, cái ghế. Hai lần dịch bệnh bùng phát, quán cơm tạm nghỉ, Tú cùng vài cô chú khác trong quán lại chuẩn bị phần bánh mì và sữa tươi vào buổi sáng hoặc xôi vào buổi chiều, để hỗ trợ bà con lao động khó khăn.

Không bận bịu công việc ở công ty, Tú lại tất bật với việc ở quán cơm và lên lịch cho những chuyến từ thiện xa. Ở độ tuổi mà nhiều bạn trẻ vẫn còn bận tâm đến công việc, tình cảm, Tú dành cho mình một phần việc vì cộng động. Tú kể: “Thật ra, tôi vẫn dành thời gian cho bản thân, chịu khó sắp xếp một chút thì mọi thứ đều cân bằng được. Từ khi lên thành phố học rồi gắn bó với quán cơm, thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi dặn lòng mình giúp được chút gì cho cộng đồng thì làm. Bởi vậy, tôi gắn bó từ lúc là sinh viên tới bây giờ ra trường đi làm rồi vẫn ở đây, tôi coi nó như ngôi nhà thứ 2 của mình”.

2. Và ở quán cơm 2.000 không chỉ có Tú, nhiều bạn trẻ khác vẫn âm thầm góp sức vào nơi này để mỗi phần cơm được trao đi gửi gắm cả một tấm lòng vì cộng đồng của người trẻ. Ngoài việc phụ ở quán cơm, Lê Đạt (26 tuổi, kinh doanh tự do, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kêu gọi tình nguyện viên ở quán cơm tổ chức các buổi hiến máu nhân đạo, được tổ chức vào chủ nhật tuần đầu tiên trong tháng và kéo dài đến tháng 12-2020, tại một quán trà và thiền trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3).

“Tôi và các tình nguyện viên ở quán cơm lập một nhóm thích nói chuyện về trà và thiền, đây cũng là cách để chúng tôi thư giãn sau những bận rộn trong công việc, vừa giúp mình cân bằng cuộc sống và hạn chế được việc nghiện điện thoại. Thấy nhóm cũng đông thành viên, nên tôi tổ chức buổi hiến máu nhân đạo với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. Đây cũng là cách để mình chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn nên các thành viên trong nhóm rất ủng hộ”, Đạt kể. 

Sau giờ làm hay học hành, nhóm bạn trẻ lại gặp gỡ nhau ở quán trà, chia sẻ những cuốn sách để tìm kiến thức mới và giải tỏa những áp lực trong công việc, cuộc sống. Lê Đạt cho biết: “Tình nguyện viên chủ yếu là sinh viên hoặc người mới ra trường, nên nhóm lập ra để các bạn có thể hỗ trợ nhau. Chúng tôi chọn quán trà và thiền vì muốn tập một lối sống chậm, không bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ và mạng xã hội”.

3. Trở lại câu chuyện của Minh Hiếu - Tất Minh (Thanh Hóa), câu chuyện “10 năm cõng bạn đến trường” của 2 bạn đã chạm đến trái tim nhiều người, khiến người ta tin tưởng hơn vào một lớp trẻ không chỉ biết vì mình mà còn vì mọi người. 

Trong không gian mạng xã hội, câu chuyện đẹp của Minh Hiếu - Tất Minh cũng được nhiều bạn trẻ chia sẻ như một tấm gương phản chiếu trong hành trình trưởng thành. Và cũng trong môi trường đa chiều của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã lập cho mình các hội nhóm để chia sẻ và thực hiện những việc làm tích cực cùng nhau.

“Sống tích cực mỗi ngày”, một group trên mạng xã hội thu hút hơn 48.000 thành viên, các bài viết đăng tải được kiểm duyệt kỹ càng và xoay quanh nội dung về tư duy tích cực, lan tỏa giá trị tốt đẹp. Phạm Lan Vy (27 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận 7, TPHCM), người sáng lập group, chia sẻ: “Nhóm thành lập hơn 8 tháng, ban đầu, tôi chỉ nghĩ lập ra để có nơi trò chuyện cùng mọi người trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người kể cả tôi phải làm việc ở nhà thay vì đến công ty. Mọi người ủng hộ ngày càng nhiều, ban đầu chỉ chia sẻ chuyện cười cho vui, dần về sau là những bài viết chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, công việc rất bổ ích. Có bạn trẻ nhắn tin tâm sự với tôi và gửi lời cảm ơn vì qua group, bạn học hỏi được kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề ở công ty”.

Giới trẻ hiện đại, không tránh khỏi vòng xoáy của những áp lực nhưng vẫn còn đó những câu chuyện đẹp, lan tỏa giá trị tích cực, để bạn trẻ phát huy theo một cách riêng của mình.

Tin cùng chuyên mục